Thực hành ESG tại Việt Nam (kỳ 1): Cam kết mạnh mẽ từ Chính phủ
ESG đã được quan tâm rộng rãi tại Việt Nam trong những năm gần đây. Điều này phần lớn nhờ sự nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc thúc đẩy thực hành các thông lệ liên quan đến ESG...
>>Thực hành ESG: Tương lai của các doanh nghiệp Việt Nam
Cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam với ESG
Bên cạnh đó còn có nhu cầu gia tăng của các nhà đầu tư về đầu tư bền vững.
Tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021 (COP26), Việt Nam đã để lại dấu ấn quan trọng khi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính công bố loạt cam kết về ứng phó với biến đổi khí hậu. Điều này sẽ có tác động đáng kể đối với quá trình chuyển dịch năng lượng quốc gia sang trung hòa carbon, và sẽ đòi hỏi việc tái cơ cấu toàn bộ nền kinh tế. Không chỉ vậy, phần minh họa bên dưới còn cho thấy các nỗ lực của Chính phủ Việt Nam bao quát toàn bộ ba khía cạnh ESG. Nhờ tiên phong trong việc đưa ra các chính sách và quy định liên quan, Chính phủ Việt Nam có thể khuyến khích các doanh nghiệp đảm nhận vai trò to lớn hơn trong việc đạt được các cam kết quốc gia liên quan đến mục tiêu ESG.
Theo Báo cáo quốc gia về Khí hậu và Phát triển cho Việt Nam của Nhóm Ngân hàng Thế giới (World Bank), Việt Nam có thể nâng cao khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu và đẩy nhanh quá trình chuyển dịch sang nền kinh tế các-bon thấp, đồng thời đạt được mục tiêu phát triển trở thành nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045 khi sử dụng đồng bộ nhiều giải pháp. Cũng theo World Bank, Việt Nam sẽ cần đầu tư khoảng 368 tỷ USD từ nay đến năm 2040 để xây dựng một nền kinh tế có khả năng chống chịu và hướng tới phát thải ròng bằng 0. Quốc gia chúng ta sẽ cần huy động 6,8% GDP mỗi năm. Tuy nhiên, những nhu cầu tài chính này thấp hơn những thiệt hại do biến đổi khí hậu và tăng phát thải khí nhà kính gây ra, và có thể được tài trợ bởi cách kết hợp các nguồn tài chính trong nước và quốc tế.
ESG góp phần kiến tạo nên doanh nghiệp, chính phủ và xã hội hàng đầu. Các bên đáp ứng được yêu cầu về tính bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu sẽ vững vàng làm chủ tương lai. Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG) đã trở thành xu hướng chủ đạo và được công nhận rộng rãi là một phần thiết yếu trong hoạt động của doanh nghiệp. Vì vậy, không ngạc nhiên khi ESG hiện được xem là mối quan tâm hàng đầu của Ban lãnh đạo doanh nghiệp. ESG là khung giúp các bên liên quan nhận biết và đo lường mức độ bền vững trong hoạt động của một tổ chức.
Trong bối cảnh người tiêu dùng, nguồn nhân lực và các nhà đầu tư đang đòi hỏi doanh nghiệp sớm có những hành động cụ thể trước khi quá trễ, doanh nghiệp giờ đây càng không thể bỏ qua các khía cạnh của ESG. Khi thực hành đúng, ESG sẽ giúp các doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn nổi cộm nhất ở thời điểm hiện tại và nắm bắt cơ hội tốt nhất trong tương lai. Tuy nhiên, với phạm vi bao quát rộng, ESG sẽ mang ý nghĩa khác nhau tại mỗi tổ chức. Vì vậy, để nhìn nhận đầy đủ tiềm năng mà ESG đem lại, cần gắn khái niệm này với chiến lược của tổ chức, từ đó cải tiến mô hình kinh doanh của doanh nghiệp.
>>Chiến lược ESG để thu hút vốn cho doanh nghiệp tư nhân
Mức độ sẵn sàng thực hành ESG của doanh nghiệp: Nói thì dễ...
Trong bối cảnh này, PwC Việt Nam và Viện Thành viên HĐQT Việt Nam (VIOD) đã phối hợp thực hiện một cuộc khảo sát từ tháng 5 đến tháng 8 năm 2022 để tìm hiểu cách thức các doanh nghiệp tại Việt Nam tiếp cận và xử lý (trên thực tế) các vấn đề liên quan đến ESG. Họ đang ở đâu trên hành trình thực hành ESG? Suy nghĩ và cảm nhận của các doanh nghiệp tại Việt Nam về ESG, mức độ cấp thiết của tăng trưởng xanh ra sao? Cần những hỗ trợ gì để thúc đẩy việc thực hành ESG? Kết quả khảo sát 234 đại diện doanh nghiệp tham gia cho thấy quá trình thực hành ESG còn nhiều khó khăn phía trước và đây cũng chính là vấn đề lớn của các doanh nghiệp ở thời điểm hiện tại. Kỳ vọng của các bên liên quan cũng đang ngày một gia tăng. Vì vậy, có rất nhiều vấn đề chúng ta cần giải quyết.
Cụ thể, mặc dù về tổng thể, ESG có lẽ là một vấn đề quá tầm, song các doanh nghiệp hiện vẫn thấy được tầm quan trọng của ESG. Điều này thể hiện qua việc các doanh nghiệp tại Việt Nam đã sẵn sàng thực hiện các bước tiếp theo theo đúng định hướng ESG.
Khi nghiên cứu sâu hơn theo các loại hình doanh nghiệp, chúng tôi thấy thêm các kết quả sau:
Như dự kiến, 57% các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã xây dựng các cam kết rõ ràng về ESG. Kết quả cao này cũng dễ hiểu vì phần lớn các nhà đầu tư FDI sẽ có thể phải tuân thủ chính sách của công ty mẹ ở nước ngoài, nơi có xu hướng phát triển ESG nhanh hơn Việt Nam.
Mặt khác, các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam có lẽ đã áp dụng cách tiếp cận “chờ và xem” khi hơn một nửa (58%) cho biết họ có kế hoạch cam kết ESG trong tương lai gần.
Điều thú vị là 40% doanh nghiệp tư nhân/gia đình được khảo sát cho biết họ đã đặt ra các cam kết ESG. Con số này cũng nhấn mạnh tinh thần trách nhiệm của thế hệ kế nghiệp Việt Nam và niềm tin của họ về việc các doanh nghiệp gia đình nên dẫn đầu trong các hoạt động kinh doanh bền vững.
Vai trò người tiêu dùng, người lao động và nhà đầu tư với ESG
Tránh ‘quảng cáo xanh’ hay ‘tẩy xanh’ (greenwashing) ‘Quảng cáo xanh’ hay ‘tẩy xanh’ là quá trình truyền tải thông điệp giả hoặc cung cấp thông tin sai lệch làm cho các sản phẩm của công ty dường như thân thiện hơn với môi trường. Các doanh nghiệp công bố thông tin thiếu chính xác về tính bền vững đứng trước nguy cơ bị chỉ trích, tổn hại thương hiệu và danh tiếng của chính họ.
Chúng tôi ghi nhận và thấy qua khảo sát một vấn đề rất đáng lưu ý là đừng đánh giá thấp sức mạnh của ý thức người tiêu dùng trong thị trường ngày nay. Đồng thời, do nhu cầu thống nhất từ người tiêu dùng, người lao động lẫn nhà đầu tư, các công ty đang đẩy mạnh nỗ lực giải quyết các vấn đề liên quan đến ESG trong doanh nghiệp của họ.
Khảo sát của chúng tôi cho thấy 82% người tham gia khảo sát từ các ngành khác nhau chọn hình ảnh thương hiệu và danh tiếng là lý do hàng đầu thúc đẩy doanh nghiệp theo đuổi ESG, và duy trì tính cạnh tranh là lý do thứ hai (68%). Những yếu tố khác bao gồm giữ chân người lao động và thu hút nhân tài, và cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là áp lực từ nhà đầu tư, cổ đông và Chính phủ.
Trong khi đó, doanh nghiệp ưu tiên khía cạnh Quản trị (G) hơn Môi trường (E) và Xã hội (S). Có tới 62% xếp Quản trị là ưu tiên hàng đầu trong chương trình triển khai. Và chúng ta thấy rằng các yếu tố môi trường và xã hội xếp sau với tỷ lệ lần lượt là 22% và 16%. Các kết quả khảo sát khác nhau cho thấy các doanh nghiệp ở Việt Nam sẵn sàng cam kết vận hành và quản lý hoạt động một cách có trách nhiệm. Kết quả khảo sát cũng chỉ ra: Việc tập trung vào yếu tố Quản trị rất có thể do các doanh nghiệp tin tưởng rằng quản trị mạnh hơn sẽ dẫn đến việc ra quyết định tốt hơn ở cả khía cạnh môi trường và xã hội. Tuy nhiên, liệu chỉ ưu tiên khía cạnh Quản trị (G) có đủ để thực hành ESG?
Tài liệu gần đây của MSCI cho thấy mặc dù quản trị trong ESG có nhiều tác động hơn đến kết quả hoạt động của các doanh nghiệp trong ngắn hạn (một năm), nhưng với khoảng thời gian dài hơn, cả ba yếu tố này đều rất quan trọng để có thể mang lại kết quả vượt trội. ( MSCI: Phân tích Hiệu suất xếp hạng ESG: Rủi ro và lợi nhuận cho E, S và G xét theo thời hạn, lĩnh vực và trọng số).
* Bà Đinh Hồng Hạnh - Phó Tổng Giám Đốc, Lãnh đạo Dịch vụ Tài chính, PwC Việt Nam & Ông Nguyễn Đình Trung - Trưởng phòng cấp cao, Dịch vụ tư vấn quản trị rủi ro, PwC Việt Nam. Khảo sát, nghiên cứu phối hợp cùng VIOD.
Kỳ 2: Doanh nghiệp hiện thực hóa các cam kết ra sao?
Có thể bạn quan tâm