Kỳ vọng phố tài chính

LÊ MỸ 24/01/2023 05:30

TP HCM đã có “Phố Wall” nhiều năm qua, và trung tâm tài chính cũng đã được quy hoạch về phía Đông, nhưng gợi mở hình thành phố tài chính của Lãnh đạo thành phố đang gợi nên những kỳ vọng mới.

>>Phát triển trung tâm tài chính TP.HCM theo hướng Trung tâm Công nghệ Tài chính

Đó không chỉ là kỳ vọng thay đổi sức sống của một “Phố Wall” trong lòng trung tâm Thành phố, còn là kỳ vọng sức bật cho thị trường tài chính khi tháo gỡ được những nút thắt, sẵn sàng về hạ tầng, hành lang pháp lý...

Một góc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM

Một góc trụ sở Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM

Nhìn lại “Phố Wall” Quận I

Khu phố được mệnh danh “Phố Wall” Việt Nam, với chiều dài gần 1,5 km từ Hàm Nghi và Nguyễn Công Trứ, như trục tam giác vàng, trung tâm ngành tài chính TP HCM. Nơi đây, có trụ sở NHNN chi nhánh TP HCM đồ sộ và cổ kính. Có Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) với biểu tượng Bò - Gấu ở ngay cổng vào đại sảnh. Khoảng hơn 30 ngân hàng đặt chi nhánh tại đây, với đầy đủ sự hiện diện của Sở Giao dịch 2 thuộc nhóm các ngân hàng Big 4 gồm Agribank, VietinBank, Vietcombank, BIDV. Nhóm NHTM có  HSBC, Việt Nam Thương Tín, Standard Chartered, Pháp Á, Việt Nam Ngân hàng, NCB, MSB… và một số ngân hàng ngoại. Cùng với đó là công ty vàng SJC và rất nhiều công ty chứng khoán. 

Trục tam giác khu phố được bao quanh bởi những toà nhà tài chính lớn như Bitexco, Continental Tower, TNR Tower, Rubi Tower, Havana Tower,…, ngoài các định chế tín dụng “đóng đô”, còn có nhóm tài chính phi tín dụng, bảo hiểm, các công ty dịch vụ tài chính khác.

Trong hàng chục năm qua, “Phố Wall” không chỉ tạo nên sự sầm uất của một khu vực, thị trường giao dịch, còn tạo nên sự sôi động của đời sống người dân TP với giá cả tài sản đất đai, bất động sản leo thang,  các hoạt động thương mại dịch vụ đi kèm, “ăn theo” đội ngũ nhân sự tài chính đến làm việc mỗi ngày.  

>>Kỳ vọng “hòn ngọc viễn đông mới”: Hướng tới trung tâm tài chính

Đi cùng năm tháng nếu tính từ lịch sử của trụ sở NHNN chi nhánh TP Hồ Chí Minh với hơn 90 năm, “Phố Wall” đã và đang trở thành những “nhân chứng”, cũng là biểu tượng sống động của thị trường tài chính, nơi chứng kiến những tiếng cồng đầu tiên ngày ra đời TTCK Việt Nam cho đến hơn 400 doanh nghiệp đã niêm yết tại HOSE tính đến hôm nay.

“Phố Wall” còn có thể đổi thay hơn

Tuy nhiên, cung đường 1,5 km “Phố Wall” nói sầm uất có sầm uất, nói phát triển theo sự biến thiên của thời gian và lịch sử nói có phát triển, nhưng vẫn còn đó những khoảng không, dư địa có thể thay đổi để làm tăng giá trị nhiều hơn cho thị trường tài chính Việt và cho TP HCM. Đó không chỉ là sự tăng giá của đất đai khiến nơi đây không còn “tấc đất tấc vàng” mà đúng nghĩa phải là “đất kim cương”, hay nói cách khác là sự giàu sang chỉ trên tài nguyên bất động sản. Hay đời sống, thu nhập của những lao động đi theo các hàng quán mọc lên. Bởi bên cạnh náo nhiệt, đi cùng là những thửa đất còn hoang sơ và phung phí tài nguyên, những lối đi, rẽ hẻm còn chưa tương xứng với nội hàm "Phố Wall".

Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM. Trước mặt là đoạn đường ven sông khá vắng vẻ

Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM. Trước mặt là đoạn đường ven sông khá vắng vẻ

Không nói đâu xa, đoạn băng ngang Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM, nơi có thể quy hoạch để du khách cũng như người dân đi bộ, đến một lần chụp hình “check -in” cùng Bò-Gấu như là một ám thị “Đã đến phố Wall”, thì vẫn đang chỉ là cung đường hẹp, còn có bìa cỏ dại tươi tốt mọc ven đường, phía ven sông. Hay chỉ cần đi hết chặng Nguyễn Công Trứ đầu tiên đến ngã tư, thì đoạn đường bên kia đã như là một không gian khác, một không khí khác, bớt đi sự sầm uất, nhiều hơn sự xô bồ và nhếch nhác...

Có lẽ vì thế mà trong kỳ Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ quận I vào cuối năm 2022, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi gợi mở Quận I hình thành phố tài chính, phát triển dịch vụ.

Theo Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi, về định hướng hoạt động của Quận I trong năm 2023, đề nghị quận bổ sung nhiệm vụ, giải pháp để đây luôn là trung tâm, đi đầu trong mọi lĩnh vực, xứng đáng là bộ mặt của TP. 

Đáng chú ý, người đứng đầu chính quyền TP.HCM đề nghị nghiên cứu phát triển lĩnh vực này, nâng cấp hạ tầng như các bến tàu, cầu, nhà hàng ven sông… để thúc đẩy kinh tế ven sông. Theo đó, ông cũng gợi mở Quận I nên nghiên cứu phát triển thêm các dịch vụ mới, có thể mở các đoạn đường như phố tài chính, để kích hoạt những sáng kiến trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng; Tính toán đề án quản lý và khai thác vỉa hè.

Sẽ có quan điểm cho rằng “Phố Wall” đã có và được hình thành nên gần 100 năm lịch sử qua, việc mở các đoạn đường như phố tài chính liệu có phù hợp? Hay có phù hợp với quy hoạch của TP HCM, xác định và vẫn đang “thai nghén giấc mơ” đưa Thủ Thiêm trở thành trung tâm tài chính của Việt Nam và khu vực?

Thế nhưng một nghịch lý khác vẫn đã và đang diễn ra khi nhiều năm qua, trong khi “ Phố Wall” ở cung đường 1,5km vẫn vô cùng nhộn nhịp, thì đề án Trung tâm tài chính quốc tế đã có  ý tưởng từ 20 năm qua, đến nay  vẫn đang là đề án. Dù Trung tâm Tài chính quốc tế tại TP.HCM được đặt kỳ vọng rất cao, song hầu như các chuyên gia đều xác nhận rằng để xây dựng một trung tâm tài chính như vậy cần có tư duy đột phá, vượt ra khỏi khung khổ pháp lý hiện hành thì dự án mới có thể khả thi và triển khai được trong thời gian tới…

Một chuyên gia từ Đại học Fulbright đã từng chia sẻ ngắn gọn với người viết là: Không dễ dàng! Bởi không hề để “bê” hạ tầng với các cơ sở giao dịch cần có của một Trung tâm tài chính thực thụ, như Phố Wall của Mỹ, hay gần nhất là Trung tâm tài chính của Phố Đông - Thượng Hải, từ “Phố Wall” quận I, đến đặt tại Thủ Thiêm. Một mô hình khác, theo định hướng Trung tâm tài chính quốc tế để thúc đẩy các xu hướng tài chính số, kinh tế số, fintech… thì thực tế cần có những cơ chế và sự thay đổi rất đáng kể, ví dụ như cơ chế để thí điểm xây dựng tiền kỹ thuật quốc gia tại trung tâm như một “đặc khu tài chính”; mà chúng ta chưa thể triển khai được điều đó. 

Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị đặt mục tiêu đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người TP HCM là 14.500 USD; năm 2045, TP HCM phát triển ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới, trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của Châu Á

Do đó, ông cũng cho rằng trong khi chờ đợi đề án với nguồn lực, cơ chế cụ thể để xây dựng Trung tâm tài chính trở thành “hub” (nơi hội tụ) để thu hút các đầu mối, dòng vốn doanh nghiệp, tư nhân trong nước và toàn cầu, đóng góp vào tiến trình phát triển kinh tế của cả nước, thì rất cần nghiên cứu nghiêm túc về hướng mở rộng “Phố Wall” hiện hữu với các con phố tài chính để khai thác những gì sẵn có sẽ hiệu quả hơn cho thị trường, doanh nghiệp. Từ đó, cũng là tạo sự tiện lợi hơn, tập trung và thu hút hơn với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đóng góp tốt hơn cho diện mạo, bộ mặt của trung tâm Thành phố cũng như sự phát triển ngày càng đột phá, chuyên nghiệp, hiện đại của thị trường tài chính Việt Nam.

Điều đó, cũng là phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia trong đó đặt mục tiêu phát triển TP HCM thành trung tâm tài chính mang tầm khu vực. Chúng ta hoàn toàn có thể trông chờ sự khả thi của mục tiêu đó, từng bước cho "giấc mơ" lớn hơn, tại sao không?

Có thể bạn quan tâm

  • “Sóng gió” Phố Wall

    “Sóng gió” Phố Wall

    03:40, 21/01/2023

  • Cuộc sống ly kỳ của “sói già phố Wall”

    Cuộc sống ly kỳ của “sói già phố Wall”

    04:00, 08/09/2022

  • Có gì trong trung tâm tài chính 4.0 đầu tiên ở Hà Nội?

    Có gì trong trung tâm tài chính 4.0 đầu tiên ở Hà Nội?

    10:00, 20/04/2022

  • Giấc mơ trung tâm tài chính quốc tế không còn xa

    Giấc mơ trung tâm tài chính quốc tế không còn xa

    11:00, 01/03/2022

  • 3 giai đoạn phát triển Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tại TP.HCM

    3 giai đoạn phát triển Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tại TP.HCM

    11:00, 06/06/2022

LÊ MỸ