Chi tiền hay việc "cắt xén cơ hội" hưởng lợi hỗ trợ

LÊ MỸ 05/03/2023 12:27

Trong những ngày gần đây, TP.HCM tiếp tục triển khai chi tiền hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 (đợt 3).

>>TÀI CHÍNH ĐA CHIỀU: Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng - Băn khoăn ưu đãi

Đây là đợt chi tiền hỗ trợ theo Nghị quyết 97 của HĐND TP. HCM ban hành ngày 22/09/2021. 

Tại tháng 12/2022, theo báo cáo của bà Huỳnh Lê Như Trang - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP khi làm việc với Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM về công tác huy động và sử dụng nguồn lực để phòng chống COVID-19, thì trong hai năm 2020 và 2021, Sở đã quyết toán kinh phí phòng, chống dịch với tổng số tiền là hơn 18.000 tỉ đồng. Năm 2022, kinh phí phòng chống dịch COVID-19 là hơn 994 triệu đồng. 

Người dân ở Bình Chánh (TP HCM) xếp hàng chờ nhận tiền hỗ trợ vì ảnh hưởng Covid-19 đợt 3. Ảnh: Đình Đại

Người dân ở Bình Chánh (TP.HCM) xếp hàng chờ nhận tiền hỗ trợ vì ảnh hưởng Covid-19 đợt 3. Ảnh: Đình Đại

Về kinh phí hỗ trợ cho người dân có hoàn cảnh khó khăn ảnh hưởng dịch COVID-19, tỉ lệ người nhận được hỗ trợ chỉ đạt 88,48% với số tiền hơn 6.500 tỉ đồng, còn lại 849 tỉ đồng cho người dân tại quận Bình Tân và huyện Củ Chi, Bình Chánh. 

3 quận huyện trên cũng chính là các địa phương đang triển khai chi nốt tiền đợt 3 chưa chi, vì các lý do theo địa phương phản ánh đến ngày 9/2 là không thể truy cập vào phần mềm quản lý thực hiện chi trả (app An sinh) để cập nhật danh sách thực tế đã chi hỗ trợ. 

Theo đó, trên kiến nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND TP giao ba địa phương trên, phối hợp với Công ty TNHH một thành viên Phát triển công viên phần mềm Quang Trung cập nhật danh sách thực tế đã chi trả lên phần mềm quản lý thực hiện chi trả. Việc triển khai phải kết thúc vào cuối tháng 3 này và thực hiện đóng app.

Việc chi trả nốt theo danh sách cho người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 trong đợt 3 như TP.HCM đang triển khai là chuyện tất yếu, cần làm, để đảm bảo sự công bằng, minh bạch, trên hết là đảm bảo mục tiêu hỗ trợ người dân, đưa tiền đến đúng địa chỉ, đến nơi cần đến.

Điều đáng nói ở đây là: 

Thứ nhất, tiền hỗ trợ người dân gặp khó khăn vì COVID-19 đã được quyết và triển khai qua hơn 1 năm nhưng vẫn chưa thể giải ngân xong. Giá trị của đồng tiền tại thời điểm người dân vô cùng khó khăn vì sau những tháng giãn cách xã hội kéo dài, rất cần được “tiếp oxy” để có thêm nguồn lực giải bài toán hỗ trợ cơm áp thường nhật ngắn hạn và đi tìm sinh kế mưu sinh mới, sớm phục hồi cuộc sống trong nhịp phục hồi kinh tế xã hội chung của TP.HCM, sẽ có ý nghĩa khác rất nhiều so với giá trị của đồng tiền sau một năm cả nền kinh tế đã phục hồi mà người dân nhận được. Sự chậm trễ, nói chính xác, làm giảm ý nghĩa của chương trình hỗ trợ với nguồn lực ngân sách. 

>> Bất động sản và mối “liên thông” với tiêu dùng nội địa

Thứ hai, đối với một TP là đầu tàu của nền kinh tế và đặc biệt đang định vị xây dựng, phát triển trở thành Thành phố đô thị thông minh; thời gian qua cũng đã chủ động đề ra nhiều giải pháp thực hiện nhằm triển khai đô thị thông minh và chuyển đổi số; thì lý do các quận, huyện không thể truy cập vào phần mềm quản lý thực hiện chi trả (app An sinh) để cập nhật danh sách thực tế đã chi hỗ trợ, nhưng trong suốt thời gian dài cũng không giải quyết, trở thành lý do hết sức… kỳ cục. Nó cho thấy rằng để chuyển đổi số một cách toàn diện, phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số, xây dựng chính quyền số, phát triển đô thị thông minh, đô thị sáng tạo, TP.HCM còn rất nhiều việc phải làm. Hơn hết, trước hết, công cuộc chuyển đổi số của TP.HCM sẽ bắt đầu từ những việc thực tế, gắn với đời sống và hơi thở, chuyển động mỗi ngày, vì lợi ích thiết thực mỗi ngày của người dân. 

Doanh nghiệp đang rất mong đợi chính sách đẩy nhanh hơn cơ hội đến gần các chương trình hỗ trợ trong môi trường kinh doanh khó khăn. Ảnh minh họa: Quốc Tuấn

Doanh nghiệp đang rất mong đợi chính sách đẩy nhanh hơn cơ hội đến gần các chương trình hỗ trợ trong môi trường kinh doanh khó khăn. Ảnh minh họa: Quốc Tuấn

UBND TP.HCM mới đây đã  ban hành Quyết định số 328/QĐ-UBND về phê duyệt Chiến lược quản trị dữ liệu của TP.HCM đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (sau đây gọi tắt là Chiến lược dữ liệu). Đây là một trong các kết quả quan trọng của Chương trình hợp tác giữa UBND TP.HCM và Ngân hàng Thế giới giai đoạn 2022–2023.

Quyết định của lãnh đạo TP cũng như việc định vị, nhắm sức mình đang ở đâu, như chia sẻ của Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi: "TP.HCM mong muốn triển khai chương trình chuyển đổi số cũng như Đề án xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh thành công. Muốn thực hiện tốt nội dung này, chắc chắn bằng trí tuệ, sức lực của thành phố chưa thể đáp ứng được. Vì vậy, thành phố rất cần sự hợp tác quốc tế để huy động được sự hỗ trợ từ bên ngoài. Thành phố xem đây là nguồn rất quan trọng", cho thấy quyết tâm, tâm huyết của những người đứng đầu. Nếu mỗi một bước chuyển của chuyển đổi số đều vừa “vĩ mô” vừa “vi mô” gắn với đời sống nhân dân và cả những chuyện “nhỏ bé” như khắc phục lỗi truy cập app, giá trị thực hiện Chiến lược quản trị dữ liệu của TP.HCM chắc chắn sẽ sớm tiến xa.

Từ câu chuyện chi tiền hỗ trợ người dân gặp ảnh hưởng COVID-19 của người dân, lại có thể nhìn sang những chuyện khác. “Chính sách, chủ trương của Nhà nước, Chính phủ rất đúng đắn, kịp thời nhưng khi triển khai xuống thường chậm trễ, làm giảm giá trị và hiệu quả thực thi”, đó là nhận định chung của TS Vũ Thành Tự Anh, Chuyên gia Kinh tế của ĐH Fulbright khi nói về các gói hỗ trợ trong COVID-19.

Nhận định đó, phải chăng không chỉ đúng với thực tế giải ngân tiền hỗ trợ các đối tượng ảnh hưởng trong COVID-19 (như chuyện ở TP.HCM nói trên), và còn vẫn đúng với hiện nay, khi có thực trạng là doanh nghiệp vô cùng khát vốn rẻ nhưng việc giải ngân gói lãi suất hỗ trợ 2% vẫn rất nhỏ giọt? Và liệu tiến tới đây, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng dành cho nhà ở xã hội và nhà ở công nhân với lãi suất thấp hơn cho vay thông thường 1,5%-2%, có tránh được tình trạng đó?

Hay khi hàng loạt doanh nghiệp vẫn đang vô cùng "đau khổ" vì cạn kiệt thanh khoản, ngóng đợi những cơ hội từ chính sách hỗ trợ để khơi thông nguồn vốn cho thị trường, thậm chí nhiều doanh nghiệp cho biết "không cần giải cứu, chỉ cần hỗ trợ bằng tháo gỡ vướng mắc pháp lý", thì tiến trình triển khai tháo gỡ lại dường như vẫn còn tiếp tục... dậm chân. Bao giờ việc chậm trễ mới chấm dứt, mới thôi khiến doanh nghiệp và người dân bị "cắt xén cơ hội" hưởng lợi từ hỗ trợ?

Có thể bạn quan tâm

  • Gói tín dụng 120 nghìn tỷ, lãi suất ưu đãi thấp hơn 1,5 - 2 điểm phần trăm

    Gói tín dụng 120 nghìn tỷ, lãi suất ưu đãi thấp hơn 1,5 - 2 điểm phần trăm

    00:56, 04/03/2023

  • Để gói tín dụng 120 nghìn tỷ đạt hiệu quả khả thi

    Để gói tín dụng 120 nghìn tỷ đạt hiệu quả khả thi

    04:00, 23/02/2023

  • Cẩn trọng gói tín dụng nhà ở xã hội

    Cẩn trọng gói tín dụng nhà ở xã hội

    16:04, 28/02/2023






LÊ MỸ