Doanh nghiệp khó khăn, ưu đãi thuế là biện pháp hỗ trợ hàng đầu

L. MỸ 01/08/2023 11:00

Ưu đãi thuế hoặc hoàn thuế, tiếp cận dễ dàng hơn với nguồn tài trợ hoặc trợ cấp và cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp cùng ngành, có liên kết với chính phủ hoặc có quy mô lớn là hỗ trợ tốt nhất.

>> Lợi nhuận ngân hàng tiếp tục bị giảm tốc bởi tăng trưởng tín dụng

Lạm phát và ảnh hưởng của chuỗi cung ứng toàn cầu

Lạm phát và ảnh hưởng của chuỗi cung ứng toàn cầu đang tạo ra những thách thức với doanh nghiệp

Theo Nghiên cứu Triển vọng Doanh nghiệp của UOB năm 2023 (Doanh nghiệp SME & Doanh nghiệp lớn), trong bối cảnh nền kinh tế đang phục hồi sau đại dịch toàn cầu, ngày càng có nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) và doanh nghiệp lớn tại Việt Nam tỏ ra lạc quan về triển vọng kinh tế và xúc tiến kế hoạch mở rộng sang thi trường nước ngoài.

Nghiên cứu Triển vọng Doanh nghiệp năm 2023 của UOB (Doanh nghiệp SME & Doanh nghiệp lớn) đã khảo sát hơn 4.000 doanh nghiệp trong khu vực Châu Á, trong đó có Việt Nam từ tháng 12/ 2022 đến tháng 1/2023.

Nghiên cứu cho thấy 89% doanh nghiệp tham gia khảo sát tại Việt Nam cho rằng môi trường kinh doanh tại Việt Nam trong năm 2022 là tích cực. Đây là tỷ lệ cao nhất trong khu vực ASEAN. Tâm lý kinh doanh tích cực được thúc đẩy nhờ tăng trưởng doanh thu mạnh mẽ trong năm 2022 khi 91% doanh nghiệp tại Việt Nam có doanh thu tăng trong năm 2022. Khảo sát cũng cho thấy 87% doanh nghiệp tại Việt Nam có triển vọng tích cực trong năm 2023.

Thách thức từ lạm phát, quản trị chuỗi cung ứng

Mặc dù vẫn lạc quan về triển vọng năm 2023, ưu tiên hàng đầu của các công ty được khảo sát là giảm chi phí, khai thác cơ sở khách hàng mới, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, bổ túc/nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động hiện có và phát triển nguồn doanh thu mới. Giảm chi phí là ưu tiên hàng đầu vì lạm phát cao đã ảnh hưởng đến 94% doanh nghiệp được khảo sát vào năm 2022 đối với cả doanh nghiệp lớn (doanh thu từ 180 tỷ đồng đến dưới 5,5 nghìn tỷ đồng) và doanh nghiệp nhỏ hơn (doanh thu dưới 180 tỷ đồng). Nghiên cứu cho thấy 57% doanh nghiệp được khảo sát chịu ảnh hưởng từ chi phí nguyên vật liệu tăng và 56% doanh nghiệp chịu ảnh hưởng từ chi phí hoạt động tăng.

>>“Cầm cương” lạm phát để ổn định nền kinh tế

Để giảm thiểu tác động của lạm phát, cứ 2 doanh nghiệp tại Việt Nam thì có hơn 1 doanh nghiệp chú trọng nâng cao năng suất và 45% doanh nghiệp được khảo sát cho biết họ áp dụng cắt giảm chi phí trong các hoạt động của công ty.

(Nguồn: UOB)

(Nguồn: UOB)

Phần lớn các doanh nghiệp tại Việt Nam đã nhận thấy tác động đến chuỗi cung ứng của họ. Hơn một nửa doanh nghiệp cho biết chuỗi cung ứng của họ đã bị ảnh hưởng bởi các vấn đề địa chính trị và nhận thấy chi phí cung ứng tăng cao là thách thức chính trong việc quản lý chuỗi cung ứng. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng các biện pháp hỗ trợ hàng đầu cho việc quản lý chuỗi cung ứng bao gồm các ưu đãi thuế hoặc hoàn thuế, tiếp cận dễ dàng hơn với nguồn tài trợ hoặc trợ cấp và cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp cùng ngành, có liên kết với chính phủ hoặc có quy mô lớn.

(Nguồn: UOB)

(Nguồn: UOB)

Theo Tổng cục Thuế, từ đầu năm đến nay, tổng số thuế, tiền thuê đất được gia hạn là trên 58.400 tỷ đồng. 

Số hóa giúp doanh nghiệp cải thiện năng suất 

Nghiên cứu cho thấy cứ 10 doanh nghiệp ở Việt Nam thì có gần 9 doanh nghiệp đã áp dụng số hóa ở ít nhất một bộ phận. 86% doanh nghiệp dự tính sẽ chi nhiều hơn cho số hóa trong năm 2023. Số hóa tạo ra tác động tốt hơn cho doanh nghiệp bằng cách cải thiện năng suất để giảm thiểu tác động của lạm phát đối với hoạt động kinh doanh của họ, giúp doanh nghiệp tập trung lấy khách hàng làm trọng tâm hơn thông qua các nỗ lực tiếp cận khách hàng cũng như cải thiện trải nghiệm của khách hàng.

“Một thách thức chính đối với số hóa là khuyến khích các doanh nghiệp mới bắt đầu tiếp tục hành trình số hóa của mình, mở rộng từ một hoặc một vài phòng ban sang toàn bộ doanh nghiệp. Chúng tôi hiểu những thách thức mà các doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt trong việc nắm bắt công nghệ kỹ thuật số và duy trì khả năng cạnh tranh trong kỷ nguyên số. Là một ngân hàng hàng đầu trong khu vực, vai trò của chúng tôi là hỗ trợ toàn diện cho khách hàng doanh nghiệp, không chỉ cung cấp các giải pháp tài chính kỹ thuật số mà còn trang bị cho họ các công cụ, kiến thức và nguồn lực cần thiết để thành công trên thị trường kỹ thuật số”, Bà Phạm Như Anh, Giám đốc Khối Ngân hàng Bán buôn, Ngân hàng UOB Việt Nam cho biết

Muốn mở rộng ra nước ngoài và áp dụng tính bền vững 

Gần 9 trong 10 doanh nghiệp tại Việt Nam đang tìm cách mở rộng sang thị trường nước ngoài trong 3 năm tới. Nhu cầu mở rộng ra nước ngoài đang dẫn đến sự quan tâm cao hơn đối với các nền tảng thương mại kỹ thuật số xuyên biên giới. Cứ 10 doanh nghiệp thì có hơn 6 doanh nghiệp tỏ ra 'rất quan tâm' đến việc sử dụng các nền tảng như vậy. Hơn một nửa số doanh nghiệp được khảo sát cho biết họ có động lực mở rộng ra nước ngoài để tăng doanh thu, cải thiện lợi nhuận và xây dựng danh tiếng với tư cách là một doanh nghiệp quốc tế. 72% doanh nghiệp tại Việt Nam nhắm đến khu vực Đông Nam Á cho kế hoạch mở rộng trong tương lai. Thái Lan, Singapore và Malaysia là những điểm đến ưa thích trong khu vực Đông Nam Á của các doanh nghiệp Việt Nam.

(Nguồn: UOB)

(Nguồn: UOB)

Tuy nhiên, một số thách thức đang kìm hãm các doanh nghiệp trong việc mở rộng ra thị trường nước ngoài bao gồm: Thiếu khách hàng ở (các) thị trường mới; Khó tìm được đối tác phù hợp để hợp tác; Thiếu nhân sự/chuyên môn nội bộ để thúc đẩy mở rộng ra nước ngoài

Bà Như Anh cho biết: “Chúng tôi tin tưởng vào tiềm năng phát triển của các doanh nghiệp Việt Nam và chúng tôi luôn nỗ lực để giúp họ thành công trong việc mở rộng sang thị trường nước ngoài. Bằng cách tận dụng mạng lưới rộng lớn của mình trong khu vực ASEAN, chúng tôi mang đến các giải pháp và cơ hội phù hợp để phát triển. Chúng tôi hiểu những thách thức đặc biệt mà các doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt khi tiếp cận thị trường nước ngoài và hợp tác chặt chẽ với họ để hỗ trợ giảm thiểu các rủi ro cũng như giải quyết các vấn đề phức tạp về quy định. Với nhiều nguồn lực như tài trợ thương mại, các giải pháp quản lý tiền mặt cùng các nền tảng kỹ thuật số, chúng tôi giúp tạo dựng nền móng vững chắc để doanh nghiệp mở rộng hoạt động kinh doanh ra nước ngoài.”

Tính bền vững được coi là yếu tố quan trọng bởi 94% doanh nghiệp được khảo sát. Cứ 2 doanh nghiệp thì có 1 doanh nghiệp cho biết họ đã bắt đầu thực hiện các hoạt động mang tính bền vững. Hơn một nửa số doanh nghiệp coi tính bền vững là quan trọng vì nó giúp cải thiện danh tiếng của công ty và thu hút các nhà đầu tư. Tuy nhiên, có một số rào cản trong việc áp dụng tính bền vững như lo ngại về việc tăng chi phí sản phẩm/dịch vụ đối với người tiêu dùng, ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận và thiếu các lựa chọn tốt về tài chính bền vững.

Doanh nghiệp bắt đầu hành động

Doanh nghiệp bắt đầu thực hiện các hành động mang tính bền vững, nhưng chi phí phát sinh tác động lợi nhuận khiến việc theo đuổi tính bền vững kém hấp dẫn

“Điều đầu tiên và quan trọng nhất, tính bền vững không phải là một xu hướng nhất thời, đó là mục tiêu cần thiết của doanh nghiệp. Các chi phí gia tăng phát sinh từ việc theo đuổi tính bền vững có thể tác động tức thì đến lợi nhuận của doanh nghiệp và do đó khiến việc theo đuổi tính bền vững trở nên kém hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, nếu nhìn ở góc độ dài hạn, doanh nghiệp sẽ nhìn ra những giá trị chiến lược để sớm bắt đầu hành trình phát triển bền vững của mình.”, bà Như Anh chia sẻ.

Nghiên cứu Triển vọng Doanh nghiệp của UOB năm 2023 được thực hiện trên bảy thị trường ở ASEAN và Đại Trung Hoa bao gồm Singapore, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam, Trung Quốc Đại lục và Đặc khu Hành chính Hồng Kông. Kể từ năm 2020, nghiên cứu được thực hiện hàng năm tại Singapore. Năm nay, phạm vi nghiên cứu đã được mở rộng để bao gồm các thị trường thuộc khu vực ASEAN và Đại Trung Hoa.  Lần đầu tiên, cuộc khảo sát được mở rộng ra ngoài phạm vi Singapore để khảo sát các công ty tại các thị trường trọng điểm khác của Ngân hàng tại Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam, Trung Quốc Đại lục và Đặc khu Hành chính Hồng Kông. Tại Việt Nam, nghiên cứu đã khảo sát 505 doanh nghiệp trên cả nước với phần lớn tập trung tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Có thể bạn quan tâm

  • Doanh nghiệp địa ốc phía Nam trở lại

    Doanh nghiệp địa ốc phía Nam trở lại "đường đua"

    03:00, 01/08/2023

  • Các chương trình hỗ trợ cần thẩm thấu vào doanh nghiệp

    Các chương trình hỗ trợ cần thẩm thấu vào doanh nghiệp

    01:00, 01/08/2023

  • Thấy gì từ kết quả kinh doanh quý 2 của các doanh nghiệp niêm yết?

    Thấy gì từ kết quả kinh doanh quý 2 của các doanh nghiệp niêm yết?

    05:12, 31/07/2023

  • Tiếp cận mở với cho thuê tài chính

    Tiếp cận mở với cho thuê tài chính

    12:05, 31/07/2023

  • Thuế thu nhập cá nhân – Cần đảm bảo sự công bằng giữa các đối tượng nộp thuế

    Thuế thu nhập cá nhân – Cần đảm bảo sự công bằng giữa các đối tượng nộp thuế

    04:00, 31/07/2023

L. MỸ