Chờ chính sách tiền tệ linh hoạt nửa cuối năm 2023

PAIK SEOK HYUN, Chuyên gia kinh tế cao cấp, Shinhan Bank* 04/08/2023 16:00

Chu kỳ thắt chặt mạnh mẽ của Fed sắp đến hồi kết, tuy nhiên còn chờ tính linh hoạt trong chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

 >>Áp lực chính sách tiền tệ và bài học cho Việt Nam

Nền sản xuất chịu ảnh hưởng và hạn chế do xuất khẩu vào tay doanh nghiệp lớn, nhưng hưởng lợi khi nhu cầu phục hồi và sự dịch chuyển đầu tư. Ảnh minh họa: Quốc Tuấn

Nền sản xuất chịu ảnh hưởng và hạn chế do xuất khẩu vào tay doanh nghiệp lớn, nhưng hưởng lợi khi nhu cầu phục hồi và sự dịch chuyển đầu tư. Ảnh minh họa: Quốc Tuấn

Nền kinh tế toàn cầu được kỳ vọng sẽ hồi phục vào năm 2024, sau khi chạm đáy vào năm 2023. IMF, trong báo cáo tháng 4 năm 2023, đã đánh giá điều kiện kinh tế toàn cầu năm nay là một quá trình phục hồi khó khăn (“A Rocky Recovery”) Tăng trưởng kinh tế toàn cầu: 3,4% (2022), 2,8% (2023), 3,0% (2024).

Việt Nam được dự báo tăng trưởng ở mức khiêm tốn 5,8% vào năm 2023 và bứt tốc phục hồi với mức tăng trưởng 6,9% vào năm 2024.

Thách thức và cơ hội với kinh tế Việt Nam

Tuy nhiên, nhiều thách thức đối với Việt Nam vẫn đang còn ở nửa cuối năm 2023.

Về thách thức: Thứ nhất, nhu cầu sụt giảm ở Mỹ - thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Trong đó, lĩnh vực dịch vụ là nhân tố chính khiến lạm phát vẫn ở mức cao.

Tiêu dùng tại Mỹ, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, đang dịch chuyển từ hàng hóa sang dịch vụ, kéo theo sụt giảm nhu cầu đối với các sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam. Và bất chấp thế mạnh về lĩnh vực dịch vụ cùng với tỷ lệ việc làm cao, các dữ liệu vẫn cho thấy khả năng nền kinh tế Mỹ đang đối mặt với suy thoái.

Chúng tôi cho rằng nhu cầu sẽ tiếp tục giảm trong nửa cuối năm 2023 do tình trạng khủng hoảng ngân hàng ở Mỹ cùng việc thắt chặt tiêu chuẩn cho vay của các Ngân hàng được dự đoán sẽ dẫn tới sự suy yếu của nền kinh tế trong nửa cuối năm 2023.

Thứ hai, sự phục hồi dưới kì vọng của Trung Quốc. Hiệu ứng tích cực đến từ sự mở cửa trở lại của Trung Quốc chỉ trong ngắn hạn. Chỉ số PMI Trung Quốc bị thu hẹp ở Quý 2 sau khi khởi sắc ở Quý đầu tiên. Đơn hàng tồn đọng, đơn hàng mới trong và ngoài nước đều sụt giảm rõ rệt.

Chưa kịp phục hồi như kì vọng, thị trường bất động sản trì trệ của Trung Quốc lại căng thẳng do chính quyền Trung Quốc tiến hành tái cơ cấu bất chấp sự bất ổn trong nguồn cung.

>>Chu kỳ thắt chặt tiền tệ ASEAN đã kết thúc

Trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp của giới trẻ thành thị tăng vọt và số lượng sinh viên tốt nghiệp ngày càng tăng, chính quyền Trung Quốc khuyến khích giới trẻ đến làm việc tại các vùng nông thôn thay vì tranh giành cơ hội việc làm ít ỏi tại khu vực thành thị. Bên cạnh đó cuộc chiến chống tham nhũng của Chính phủ và những tác động vào thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp.

Thứ ba, kinh tế Việt Nam sụt giảm do các yếu tố trong và ngoài nước. Trong đó:

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam: Đã đạt đỉnh với lượng phát hành tăng đột biến vào năm 2021, đã và đang đối mặt với những chính sách nghiêm minh, xử lý các sai phạm trong việc sử dụng vốn huy động và vi phạm trong cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp.

Trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu đang chậm lại, sự thắt chặt quản lý trong thị trường vốn và cuộc chiến chống tham nhũng đã góp phần thanh lọc thị trường.

Tỷ lệ chậm phê duyệt và cấp phép các dự án đầu tư trong lĩnh vực bất động sản và cơ sở hạ tầng tăng vì lo ngại về những cuộc thanh kiểm tra sau này. Thị trường bất động sản Việt Nam hạ nhiệt do các dự án lớn chậm tiến độ và Chính phủ nỗ lực bình thường hóa nguồn cung bất động sản bằng cách nới lỏng các quy định.

Theo đó, các công ty bất động sản Việt Nam đang đối mặt với khó khăn về tài chính, một số dự án xây dựng bị đình trệ, áp lực tái cơ cấu nợ. Và 43% lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn năm nay được phát hành bởi các công ty bất động sản. Cơ quan chức năng đang phải tiến hành đôn đốc cơ cấu nợ và hoãn trả nợ 12 tháng.

Dù đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14-15% trong năm nay, tính đến tháng 4 tăng trưởng tín dụng vẫn chỉ ghi nhận ở mức thấp 3%. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có động thái giảm lãi suất điều hành để hỗ trợ tăng trưởng tín dụng, phát triển kinh tế.

Khả năng "hạ cánh mềm" của thị trường bất động sản: Các chủ dự án/công ty bất động sản gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn và huy động vốn để trang trải những khoản nợ và đáp ứng tiến độ dự án. Chính điều này dẫn đến bối cảnh khó khăn của thị trường bất động sản.

Ở các nước đang phát triển, biến động thị trường bất động sản thường do cung vượt cầu, nhưng ở Việt Nam lại đang gặp tình trạng thiếu hụt nguồn cung. Mấu chốt vấn đề không phải là cung cầu, mà là thanh khoản.

Bên cạnh những tác động tích cực, cuộc chiến chống tham nhũng của Chính phủ cũng tạo ra một số tác động tiêu cực ví dụ như việc các ngân hàng thắt chặt tiêu chuẩn cho vay, tỷ lệ cấp phép xây dựng trễ hạn cao, thiếu hụt nguồn cung bất động sản. Do đó, khả năng hạ cánh mềm của thị trường bất động sản là khá nhỏ.

Tuy nhiên, trong khủng hoảng liệu có phải là cơ hội của Việt Nam, hay đâu là cơ hội của kinh tế Việt Nam?

Thứ nhất, Việt Nam vẫn đang có chính sách và môi trường kinh tế hấp dẫn vốn ngoại. Nổi lên với vai trò là công xưởng sản xuất thế giới thay thế cho Trung Quốc, Việt nam có thể coi cuộc khủng hoảng toàn cầu lần này là một cơ hội thu hút đầu tư.

Thứ hai, tín hiệu sáng là dấu hiệu phục hồi ở các dự án phát triển bất động sản. Trước tình hình thị trường bất động sản hạ nhiệt nhanh và tín dụng thu hẹp, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã trực tiếp vào cuộc tìm giải pháp để gỡ bỏ khó khăn như khuyến khích ngân hàng cho vay, hạ lãi suất.

Việc tái khởi động xây dựng khu phức hợp căn hộ cao cấp của Novaland và Grand Manhattan, bị tạm dừng do thiếu vốn vào tháng 11 năm ngoái, là một tín hiệu cho việc phục hồi.

Thứ ba, cơ hội cho nhà đầu tư trong lĩnh vực mới. Việc mở cửa thị trường sản xuất điện mang lại cơ hội đầu tư cho các nhà đầu tư nước ngoài. Hiện, Việt Nam đang rất nỗ lực chuyển đổi ESG, tăng cường năng lực canh tranh khu vực tư nhân.

Quy hoạch Phát triển Điện lực Quốc gia thời kỳ 2021-2023, tầm nhìn 2050 (gọi tắt là Quy hoạch điện VIII - PDP8) sau nhiều năm cuối cùng đã được phê duyệt vào tháng 5 năm 2023 với mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050.

Ước tính khoảng 134,7 tỷ USD sẽ được đầu tư vào việc triển khai các cơ sở phát điện mới, trong đó các nước phát triển (bao gồm các nước G7) sẽ tài trợ kinh phí ban đầu khoảng 15,5 tỷ USD. Đến năm 2050, Việt Nam đặt mục tiêu loại bỏ dần than đá, kế hoạch mở rộng nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), phát triển điện gió ngoài khơi (cơ hội thu hút vốn đầu tư từ các nước phát triển) và nhà máy điện mặt trời.

Có một lưu ý vừa là thách thức nhưng lại cũng là cơ hội, đó là sự hạn chế cho xuất khẩu, với việc các doanh nghiệp nước ngoài vẫn nắm thị phần lớn; có khoảng cách lớn giữa các công ty trong nước và các công ty FDI toàn cầu. Các công ty có mạng lưới phát triển rộng lớn như Nike, Samsung, Apple cũng dần chuyển sang các ngành có giá trị gia tăng cao để củng cố vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đặc biệt, Việt Nam là một trong những nước tiêu biểu được hưởng lợi của thời kỳ hậu toàn cầu hóa sau xung đột Mỹ-Trung. Các công ty toàn cầu đang di dời một phần cơ sở sản xuất của họ từ Trung Quốc sang Việt Nam. Bên cạnh đó mặc dù có lợi thế dân số trẻ và có hiệp định thương mại tự do FTA với hơn 10 quốc gia, nhưng Việt Nam vẫn có những hạn chế nhất định ở các công ty trong nước như chất lượng sản phẩm, trình độ kỹ thuật còn thấp, thiếu kỹ thuật viên, quản lý lành nghề,…

Thứ tư, ngoại cảnh đầy thách thức do nhu cầu toàn cầu chậm lại nhưng chỉ là vấn đề ngắn hạn. Trong khi sự thu hẹp của các ngành xây dựng cơ sở hạ tầng là một trở ngại cho tăng trưởng thì sản xuất và xuất khẩu dự kiến sẽ vẫn ảm đạm trong trong một khoảng thời gian nữa do nhu cầu toàn cầu chậm lại, đặc biệt là ở các nước phát triển. So với tình hình năm trước, tăng trưởng chậm là điều khó tránh. Trong nước, sự chậm lại ở các ngành điện, nước, xây dựng và sản xuất là những trở ngại cho tăng trưởng. 

Các ngành dịch vụ như tiêu dùng, nhà hàng, khách sạn với sự phục hồi của khách du lịch, bán buôn/bán lẻ, công nghệ thông tin, tài chính và vận tải dự kiến sẽ hỗ trợ nhu cầu nội địa trong nửa cuối năm. Song ngành sản xuất trì trệ chỉ là vấn đề của chu kỳ kinh tế, các lợi nhuận phản ánh sẽ vẫn tiếp tục được ghi nhận.

Bên cạnh đó, Việt Nam được hưởng lợi giữa bối cảnh tái tổ chức chuỗi cung ứng do xung đột G2. Dữ liệu kinh tế cho thấy tuy rằng đã phục hồi vào Quý 1, ngành sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam đã bị thu hẹp trở lại. Tuy nhiên, đây là điều không thể tránh khỏi do chu kỳ kinh tế toàn cầu. Sự phục hồi rõ ràng vẫn chưa chắc chắn trong nửa cuối năm, mà phụ hồi dự kiến sẽ diễn ra bắt đầu từ năm tới, 2024. Trong bối cảnh tái tổ chức chuỗi cung ứng, tỷ trọng nhập khẩu của Trung Quốc vào Mỹ đã giảm (2018: 23,2% → 3/2023: 16,6%). Việt Nam có thể được hưởng lợi từ điều này.

Thứ năm, môi trường đầu tư trong nước thuận lợi cho phép Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn. So với năm 2010, khi đầu tư nước ngoài bùng nổ, dòng vốn FDI nay đã suy giảm. Năm 2023, Singapore tiếp tục dẫn đầu tổng vốn FDI vào Việt Nam. Tổng số vốn đăng ký FDI năm 2022 đạt 12,4 tỷ USD (giảm 18% so với cùng kỳ năm ngoái), chủ yếu tập trung vào ngành công nghiệp chế biến chế tạo (60,6%) và bất động sản (16%). Vốn là quốc gia đầu tư lớn nhất trong những năm 2010, dòng vốn FDI từ Hàn Quốc đã giảm từ năm 2020... Tuy nhiên, lao động giá rẻ và các chính sách tích cực ủng hộ FDI của Chính phủ cho phép dòng vốn chảy vào nhiều hơn, đặc biệt là từ các nước châu Á.

Chính sách tiền tệ: Linh hoạt trong nửa cuối năm

Chúng tôi cho rằng Việt Nam có thể chịu tác động gây ra bởi nền kinh tế Trung Quốc, trong đó Nhân dân tệ yếu có thể gây áp lực giảm giá cho VND trong ngắn hạn. 

NHNN đã tăng lãi suất trong nửa cuối năm 2022 để ổn định giá cả và bảo vệ tiền đồng khỏi mất giá. Sang tới năm 2023, NHNN đã chuyển sang chính sách ôn hòa. Chúng tôi cho rằng NHNN có thể cắt giảm lãi suất hơn nữa do nền kinh tế trong nước cần được thúc đẩy trong bối cảnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp thắt chặt, hoạt động cho vay thận trọng của ngân hàng và lĩnh vực sản xuất còn yếu.

Đà tăng lạm phát của Việt Nam đã chậm lại ủng hộ quyết định cắt giảm lãi suất của NHNN. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 tăng 2,43% so với cùng kỳ năm trước, lạm phát cơ bản tăng 4,83%.

Thuận lợi từ phía bên ngoài là chu kỳ thắt chặt mạnh mẽ của Fed sắp đến hồi kết. Với kỳ vọng lạm phát giảm tốc, nền kinh tế Mỹ có thể bước vào suy thoái khi trải qua cuộc khủng hoảng từ các ngân hàng nội địa. Fed cảnh báo các đợt tăng lãi suất tiếp theo trong năm nay, nhưng chu kỳ tăng lãi suất đã gần kết thúc do rủi ro tín dụng và suy thoái.

NHNN chuyển trọng tâm chính sách chú trọng tăng trưởng, khẳng định sẵn sàng hỗ trợ kinh tế bằng việc giảm lãi suất trong năm nay, nhưng cần tránh cắt giảm lãi suất quá mạnh. 

Triển vọng tỷ giá USD/VND nửa cuối năm 2023

Mặc dù nhạy cảm với các yếu tố bên ngoài, tỷ giá hối đoái vẫn được kiểm soát, tỷ giá USD/VND đã ít nhạy cảm hơn với đầu tư nước ngoài và chỉ số thị trường chứng khoán Việt Nam. 

Tỷ giá USD/VND thường có xu hướng biến động cùng với đồng Đô la Mỹ và Nhân dân tệ, nhưng trong Quý 2 đã có sự biến động trái ngược với xu hướng yếu đi của Nhân dân tệ yếu.

Tỷ giá USD/VND trong 6 tháng đầu năm tương đối ổn định. Tỷ giá USD/VND tăng nhẹ sau đó giảm trở lại ngay trong Quý 1 và duy trì trong biên độ hẹp ở Quý 2. Tuy nhiên, tỷ giá USD/VND dự kiến sẽ chịu áp lực tăng trong ngắn hạn do nhu cầu toàn cầu chậm lại, các chỉ số của nền kinh tế Trung Quốc không được như kỳ vọng và đồng Nhân dân tệ yếu.

Do đó, chúng tôi dự báo tỷ giá USD/VND dự kiến sẽ tăng trong ngắn hạn và quay đầu giảm với kỳ vọng Trung Quốc điều chỉnh các chính sách kinh tế của mình và lĩnh vực sản xuất toàn cầu thoát khỏi đáy và phục hồi. 

*Tác giả PAIK SEOK HYUN, Chuyên gia kinh tế cao cấp, Trung tâm giải pháp và giao dịch- Ngân hàng Shinhan Hàn Quốc

Có thể bạn quan tâm

  • Trung Quốc: Phá giá tiền tệ - “Con dao hai lưỡi” cần cân nhắc

    Trung Quốc: Phá giá tiền tệ - “Con dao hai lưỡi” cần cân nhắc

    16:00, 01/08/2023

  • Tài khóa song hành tiền tệ

    Tài khóa song hành tiền tệ

    14:13, 24/07/2023

  • Việt Nam học kinh nghiệm gì từ điều hành chính sách tiền tệ của các nước?

    Việt Nam học kinh nghiệm gì từ điều hành chính sách tiền tệ của các nước?

    03:20, 22/07/2023

  • Việt Nam tiếp tục không nằm trong Danh sách giám sát về thao túng tiền tệ

    Việt Nam tiếp tục không nằm trong Danh sách giám sát về thao túng tiền tệ

    15:48, 21/06/2023

  • Chu kỳ thắt chặt tiền tệ ASEAN đã kết thúc

    Chu kỳ thắt chặt tiền tệ ASEAN đã kết thúc

    13:02, 12/07/2023

  • Chính sách tiền tệ

    Chính sách tiền tệ "chuyển trạng thái" phục vụ mục tiêu tăng trưởng

    15:00, 21/07/2023

PAIK SEOK HYUN, Chuyên gia kinh tế cao cấp, Shinhan Bank*