Dự báo kinh tế 2024: Còn ẩn số nhưng sẽ tốt hơn năm 2023
Theo TS. Trần Du Lịch - Chuyên gia Kinh tế, có những giai đoạn mà lãi suất trong nền kinh tế rất cao, và người dân, doanh nghiệp đều cảm thấy gửi tiền hưởng lãi, không làm gì còn sướng hơn kinh doanh.
>>>Chính phủ đã kịp thời giải quyết các vướng mắc, khơi thông nguồn lực đầu tư
TS Trần Du Lịch cho biết, nền kinh tế Việt Nam và doanh nghiệp, người dân Việt Nam có khả năng mềm dẻo, uyển chuyển, thích ứng với mọi hoàn cảnh, khó khăn, theo đúng tinh thần của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy là "dĩ bất biến ứng vạn biến". Tuy nhiên, trong giai đoạn vừa, chúng ta chứng kiến những khó khăn kéo dài, đặc biệt ở TP. Hồ Chí Minh.
Cụ thể là sau giai đoạn Covid-19, tăng trưởng của kinh tế TP. Hồ Chí Minh rất khó khăn. Sau Covid-19 với giai đoạn chạm đáy tăng trưởng, nền kinh tế đã dần phục hồi, mức tăng trưởng âm dần thấp hơn, nhưng sự phục hồi khá chậm và từng bước cải thiện theo từng quý.
Trước khi nói đến kinh tế của 2024, chúng ta cần nhận diện nền kinh tế của năm nay là sẽ khó đạt tăng trưởng cao. Theo báo cáo công bố của Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 3/2023 ước tính tăng 5,33% so với cùng kỳ năm trước. GDP 9 tháng năm 2023 tăng 4,24% so với cùng kỳ năm trước, chỉ cao hơn tốc độ tăng 2,19% và 1,57% của 9 tháng các năm 2020 và 2021 trong giai đoạn 2011-2023. Để kinh tế cả năm 2023 đạt tăng trưởng GDP trên 5%, thì tăng trưởng GDP của quý 4 phải cao hơn mức của quý 3/2023. Đây là một thách thức rất lớn, TS Trần Du Lịch cho biết tại hội thảo do Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh vừa tổ chức ngày 27/10 tại TP Hồ Chí Minh.
Ông cũng cho rằng nói riêng với thị trường bất động sản, tình hình để phục hồi tăng trưởng còn khó hơn, do các vấn đề liên quan đến tài chính, tín dụng.
>>>"Nhiều doanh nghiệp phản ánh lãi suất rẻ nữa cũng không vay"
"Hiện nay, chúng ta đã có sự nhìn nhận đáng kể về các vai trò, đóng góp của bất động sản đối với nền kinh tế. Theo đó, bất động sản đóng góp trực tiếp 10% GDP và đóng góp gián tiếp khoảng 25% GDP. Có thể nói bất động sản là một đòn bẩy cực lớn đối với tăng trưởng kinh tế. Thế nhưng giai đoạn vừa qua, thị trường bất động sản gặp 2 điểm nghẽn lớn, đó là thể chế - pháp lý và hấp thụ vốn. 2 điểm nghẽn này đến cùng lúc nhưng pháp lý đã được tháo gỡ, còn hấp thụ vốn vẫn đang là vấn đề... đại sự.
Trong thời gian, vốn tín dụng tăng trưởng chậm lại, room cho vay bất động sản bị siết chặt, đặc biệt là cho vay với khách hàng mua nhà. Có ngân hàng lớn trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh chia sẻ với tôi là doanh nghiệp phải nợ ngân hàng mấy chục nghìn tỷ đồng. Vấn đề nằm ở chỗ là ngân hàng không cho khách hàng cá nhân vay dự án, khách hàng không có tiền trả theo tiến độ cho doanh nghiệp, thì doanh nghiệp cũng không có tiền để trả nợ cho ngân hàng. Do đó vấn đề lớn nhất là nghẽn dòng vốn vay cá nhân tiêu dùng bất động sản", TS Trần Du Lịch chia sẻ.
Nhắc lại chính sách của Ngân hàng Nhà nước giai đoạn vừa qua với khẳng định ưu tiên lạm phát kiểm soát dòng tiền, chuyên gia cho rằng doanh nghiệp Việt Nam và người dân luôn kêu là lãi suất vay quá cao. "Vấn đề thế nào là lãi suất vay cao? Chúng ta thấy rằng ở các quốc gia, người ta cho vay lãi suất từ 7-8%, nhưng lạm phát của họ cũng là 7-8%; còn chúng ta thì lãi suất vay có lúc 12-14%, nhưng lạm phát chỉ 4%. Biên độ lãi vay dương ở một mức cao như vậy quả thực rất cao. Và các ngân hàng ở ta cũng phải trả lãi huy động rất cao. Do đó có những giai đoạn doanh nghiệp, người dân đều cho rằng gửi tiền vào ngân hàng hưởng lãi còn sướng hơn kinh doanh", ông nói.
Theo TS. Trần Du Lịch, thời gian gần đây, NHNN và cả hệ thống đã rất nỗ lực để bắt đầu kéo giảm lãi suất. Do đó, có thể hi vọng xu hướng tích cực cho nền kinh tế, cho tăng trưởng tín dụng từ nay đến cuối năm.
"Nếu nói về dự báo kinh tế 2024, các thông số chưa phép dự báo gì chắc chắn mà tất cả vẫn còn ẩn số. Nhưng chúng ta có thể nói rằng các nền kinh tế lớn sẽ khó rơi vào suy thoái như lo ngại trước đây, song cũng không thể tăng trưởng tích cực và sớm được. Do đó, kinh tế 2024 chưa thể khởi sắc mạnh mẽ nhưng được kỳ vọng sẽ tốt hơn năm 2023.
Với thị trường bất động sản, theo tôi khả năng gãy đổ là không diễn ra, thị trường sẽ vượt qua khó khăn nhưng do bất cân xứng phân khúc nên sẽ bị điều chỉnh. Riêng thị trường TP HCM sẽ khởi sắc sớm hơn do các sản phẩm phục vụ đầu cơ và bất động sản không rải nhiều như các địa phương, trong khi đó, lực cầu với dân số đông, khả năng hấp thụ ở đây lại lớn hơn.
Dù vậy, để thị trường khởi sắc như trước Covid-19 là khó xảy ra, bất động sản sẽ còn tăng trưởng âm, thấp và kéo dài cho đến hết quý 4, nếu nỗ lực thì có thể diễn tiến nhanh hơn và thị trường sẽ tương đối tốt hơn bắt đầu từ quý 2 năm sau. Cái gì cũng phải lưu ý và chấp nhận có độ trễ, với thị trường và cả nền kinh tế cũng vậy - việc hấp thu chính sách để phát huy hiệu quả sẽ có độ trễ", ông Lịch dự báo.
Đồng thời, chuyên gia cho rằng trong bối cảnh chung như vậy, về phái các nhà quản lý, chính quyền, là tiếp tục nỗ lực để cải cách thể chế và các quy định; về phía doanh nghiệp, là cải thiện năng lực tổ chức, năng lực tạo vốn và hấp thụ vốn.
Có thể bạn quan tâm
ĐIỂM BÁO NGÀY 25/10: Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng khó giải ngân
04:46, 25/10/2023
Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội: Chủ đầu tư "khó với"
06:00, 22/10/2023
Không thể hạ chuẩn tín dụng, TCTD cũng khó khăn trong quyết định cho vay
04:40, 21/10/2023
Lo tín dụng “lỗi hẹn” mục tiêu
04:35, 21/10/2023
Tín dụng tại TP Hồ Chí Minh tháng 9/2023: Tăng 0,72%
09:25, 15/10/2023