Lo tín dụng “lỗi hẹn” mục tiêu

HÀ ANH 21/10/2023 04:35

Tăng trưởng tín dụng năm nay có nguy cơ “lỗi hẹn” mục tiêu cho dù tín dụng thường có xu hướng tăng nhanh hơn trong những tháng cuối năm.

>>>Cần thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn

Theo Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 17/1/2023, năm 2023 định hướng tín dụng tăng khoảng 14-15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.

p/Đến ngày 29/9/2023, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế mới tăng 6,92% so với cuối năm 2022.

Đến ngày 29/9/2023, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế mới tăng 6,92% so với cuối năm 2022.


Tăng trưởng ì ạch

Phát biểu tại buổi gặp mặt của Thủ tướng Chính phủ với đại diện giới doanh nhân mới đây, ông Đào Minh Tú – Phó Thống đốc NHNN cho biết, đến ngày 29/9/2023, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế mới tăng 6,92% so với cuối năm 2022. Có nghĩa dù 3/4 thời gian của năm đã trôi qua, song tín dụng mới chỉ hoàn thành được 50% chỉ tiêu định hướng mà NHNN đã đề ra cho cả năm nay.

Thông thường, tín dụng sẽ tăng nhanh hơn trong những tháng cuối năm khi các doanh nghiệp đẩy nhanh nhịp độ sản xuất - kinh doanh để hoàn thành kế hoạch năm. Tuy nhiên với diễn biến của năm nay, tín dụng nhiều khả năng sẽ “lỗi hẹn” mục tiêu.

Theo các chuyên gia, muốn hoàn thành mục tiêu, trong 3 tháng cuối năm tín dụng phải tăng thêm khoảng 7%, tương đương với mức tăng của 9 tháng đầu năm. Như vậy, mỗi tháng tín dụng cần phải tăng hơn 2%- điều xem ra là “bất khả thi” trong bối cảnh hiện nay.

“Nguyên nhân chính khiến doanh nghiệp không mặn mà với việc vay vốn ngân hàng để phát triển, mở rộng sản xuất, kinh doanh đến từ sự sụt giảm mạnh từ phía tổng cầu của nền kinh tế Việt Nam”, TS. Nguyễn Đình Cung – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết.

Cả năm chỉ tăng khoảng 11-13%

Để hóa giải nguyên nhân nói trên, xem ra là rất khó bởi ngân hàng chỉ là trung gian tài chính, nguồn vốn để cho vay được hình thành chủ yếu từ nguồn tiền gửi của người dân và các tổ chức kinh tế, nên “yêu cầu tối thượng” trong hoạt động tín dụng của các ngân hàng là phải bảo toàn vốn. Đó chính là lý do NHNN luôn khuyến cáo các nhà băng không được hạ chuẩn cho vay.

Bởi vậy theo giới chuyên gia, để thúc đẩy tín dụng, điều kiện tiên quyết hiện nay là phải khơi thông đầu ra cho sản xuất – kinh doanh. Mặc dù hoạt động sản xuất - kinh doanh - xuất khẩu có dấu hiệu khởi sắc hơn trong tháng 9 vừa qua và dự báo sẽ tiếp tục được cải thiện, song vẫn chưa thể đạt được trạng thái như những năm trước do kinh tế toàn cầu suy giảm, thị trường bất động sản trong nước vẫn chưa phục hồi, “sức khỏe” của doanh nghiệp đang suy yếu… Vì thế, tín dụng khó có thể tăng nhanh được.

“Sức hấp thụ vốn trong nền kinh tế vẫn còn yếu, doanh nghiệp khó khăn, còn bất động sản chưa thoát đáy. Do đó, tăng trưởng tín dụng năm nay chỉ có thể đạt khoảng 11 - 13%/năm”, TS. Nguyễn Hữu Huân - Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh nhận định. 

Có thể bạn quan tâm

  • Hà Nội: 3 dự án nhà ở xã hội muốn vay gói tín dụng 120.000 tỷ đồng

    Hà Nội: 3 dự án nhà ở xã hội muốn vay gói tín dụng 120.000 tỷ đồng

    03:00, 19/10/2023

  • Nghệ An “tăng nhiệt” ngăn chặn tín dụng đen

    Nghệ An “tăng nhiệt” ngăn chặn tín dụng đen

    00:30, 19/10/2023

  • Tín dụng tại TP Hồ Chí Minh tháng 9/2023: Tăng 0,72%

    Tín dụng tại TP Hồ Chí Minh tháng 9/2023: Tăng 0,72%

    09:25, 15/10/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Lo tín dụng “lỗi hẹn” mục tiêu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO