Người Việt lạc quan về tình hình tài chính đứng đầu ASEAN
Bất chấp những lo ngại về suy thoái kinh tế, người tiêu dùng Việt Nam lạc quan hơn về tương lai và tình hình tài chính 6 tháng tới, so với những người tiêu dùng ở các nước khác trong khu vực.
>>>UOB điều chỉnh dự báo tăng trưởng và khả năng hạ lãi suất điều hành
Theo nghiên cứu của UOB về Tâm lý người tiêu dùng ASEAN (ACSS) năm 2023, kết quả chỉ ra người tiêu dùng ở Việt Nam có tâm lý lạc quan hơn so với người tiêu dùng ở Singapore, Malaysia, Thái Lan và Indonesia.
Lạc quan về tương lai dù vẫn còn lo ngại về tài chính
Bất chấp những lo ngại về suy thoái kinh tế, người tiêu dùng Việt Nam lạc quan hơn về tương lai so với những người tiêu dùng ở các nước khác trong khu vực. 76% số người được khảo sát ở Việt Nam kỳ vọng mình sẽ có tình hình tài chính tốt hơn vào tháng 6 năm sau, tiếp theo là Indonesia (74%) và Thái Lan (68%).
Lạm phát gia tăng là mối lo ngại hàng đầu ở ASEAN, với 62% số người khảo sát đồng ý rằng đây là mối lo lắng hàng đầu của họ, trong khi 57% lo ngại về chi phí sinh hoạt tăng cao. So với khu vực, tỷ lệ người được khảo sát ở Việt Nam bày tỏ quan ngại về hai lĩnh vực này cũng cao hơn, lần lượt là 66% và 62%.
Cứ 10 người tiêu dùng ở Việt Nam thì có 8 người lo lắng về vấn đề tài chính của mình. Ba mối quan tâm tài chính hàng đầu ở Việt Nam là khả năng để dành tiền tiết kiệm (32%), khả năng duy trì lối sống hiện tại (32%) và khả năng đáp ứng nhu cầu tài chính và chăm sóc sức khỏe của cha mẹ (30%). Do đó, người tiêu dùng thận trọng hơn với tài chính và việc đầu tư của họ. 65% số người được hỏi cho biết đã theo dõi việc chi tiêu và tiền bạc của họ chặt chẽ hơn thông qua nền tảng ngân hàng trực tuyến và 60% đã tìm hiểu thêm về các sản phẩm có ưu đãi, điểm thưởng hoặc tiết kiệm.
Sở thích về tài chính cũng đang thay đổi khi người tiêu dùng phân bổ nhiều tiền hơn vào các công cụ tài chính có rủi ro thấp như tiền gửi cố định ngân hàng (32%) và các kế hoạch bảo hiểm (28%). 25% số người được hỏi ở Việt Nam đang phân bổ nhiều tiền hơn vào các sản phẩm bảo hiểm so với năm ngoái, cao hơn 4 điểm phần trăm so với người tiêu dùng trong khu vực, đặc biệt là đối với người tiêu dùng phân khúc giàu có (36%).
>>>Việt Nam- Trụ cột trong tầm nhìn "Một ngân hàng cho ASEAN" của UOB
Khi nói đến việc lập kế hoạch tài chính, UOB nhấn mạnh tầm quan trọng của cách tiếp cận dài hạn và quan tâm đến rủi ro trước tiên, ưu tiên bảo vệ trước khi đầu tư. Với bộ giải pháp và sản phẩm toàn diện bao gồm các lựa chọn về tiết kiệm, đầu tư và bảo vệ, Ngân hàng mong muốn mang đến cho các khách hàng các lựa chọn phù hợp để xây dựng một kế hoạch tài chính linh hoạt, có khả năng ổn định qua các chu kỳ kinh tế.
Quan tâm nhiều hơn đến đầu tư bền vững
Ba trong năm người tiêu dùng ở Việt Nam quan tâm muốn tìm hiểu thêm về đầu tư bền vững. 40% cho biết họ đã đưa các khoản đầu tư bền vững vào danh mục đầu tư của mình và 58% sẽ xem xét thực hiện đầu tư bền vững nếu nó phù hợp với khẩu vị rủi ro của họ. Chín trong số 10 người tiêu dùng nói rằng đầu tư bền vững giúp đạt được mục tiêu kép là đạt được lợi nhuận tài chính đồng thời có lợi cho môi trường.
Kể từ tháng 5 năm 2023, Ngân hàng UOB Việt Nam đã hợp tác chiến lược với Công ty Quản lý quỹ UOB Asset Management Việt Nam (UOBAM Việt Nam) để mang đến các giải pháp đầu tư bền vững và sáng tạo. Theo đó, các khách hàng của UOB có thể tiếp cận với Quỹ đầu tư cổ phiếu United ESG Việt Nam (UVEEF) do UOBAM Việt Nam quản lý. Quỹ này tập trung đầu tư vào các cổ phiếu có nền tảng cơ bản vững chắc, tiềm năng tăng trưởng tốt và xếp hạng ESG cao.
Sử dụng các kênh ngân hàng và phương thức thanh toán kỹ thuật số
Khi người tiêu dùng Việt Nam trở nên thuần thục hơn về kỹ thuật số, mức độ sử dụng các ứng dụng ngân hàng trên điện thoại đã tăng đột biến, với 54% số người được hỏi ngày càng tăng mức độ sử dụng kênh này trong năm qua. Hơn một nửa số người được khảo sát thích sử dụng các kênh trực tuyến để chuyển tiền ra nước ngoài và kiểm tra trạng thái điểm thưởng. Đối với các giao dịch phức tạp hơn như giao dịch có giá trị cao, nộp hồ sơ vay hoặc tái cấu trúc cho các khoản vay ngân hàng cũng như mua bảo hiểm, người tiêu dùng vẫn coi trọng kênh trực tiếp hoặc kết hợp các kênh trực tuyến lẫn trực tiếp. Đại diện từ UOB cho biết điều này phù hợp với cách tiếp cận đa kênh của UOB, nơi ngân hàng cung cấp mô hình tương tác liền mạch từ trực tuyến đến trực tiếp với khách hàng của mình.
Trong lĩnh vực thanh toán, người tiêu dùng Việt Nam cho thấy họ là người am hiểu những công nghệ mới nhất. Ví điện tử, thanh toán qua thẻ trên ứng dụng ví di động và nền tảng thanh toán thương mại điện tử là những phương thức thanh toán phổ biến nhất với lần lượt 67%, 58% và 55% số người được khảo sát sử dụng chúng trong năm qua. Bốn trong năm người tiêu dùng ở Việt Nam sử dụng ví điện tử ít nhất một lần một tuần và bốn trong năm người tiêu dùng có xu hướng giới thiệu ví điện tử cho người khác. Momo là ví điện tử được người tiêu dùng ưa chuộng nhất, tiếp theo là ZaloPay và VNPay.
UOB cũng cho biết nắm bắt xu hướng, ngân hàng tiếp tục đầu tư vào các giải pháp ngân hàng kỹ thuật số tiên tiến và hợp tác với các nền tảng thanh toán kỹ thuật số hàng đầu để phục vụ nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng. Ngân hàng cam kết đảm bảo cho việc việc đáp ứng các nhu cầu tài chính và lối sống của khách hàng một cách liền mạch và an toàn, đồng thời luôn đi đầu trong kỷ nguyên kỹ thuật số thú vị này.
Ông Paul Kim, Giám đốc Khối dịch vụ tài chính cá nhân, Ngân hàng UOB Việt Nam, cho biết, “Tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ ở Việt Nam đã giúp cho người tiêu dùng Việt Nam cảm thấy lạc quan hơn về sức khỏe tài chính của họ so với người tiêu dùng trong khu vực. Trong khi người tiêu dùng vẫn quan ngại về lạm phát cao, điều đáng khích lệ là họ vẫn không ngừng đón nhận một kỷ nguyên mới của số hóa. Với tư cách là một tổ chức tài chính, các phát hiện và hiểu biết sâu sắc của nghiên cứu về những ưu tiên của người tiêu dùng, thói quen tiết kiệm, hành vi tài chính và sở thích kỹ thuật số của họ là vô cùng giá trị. Điều này cho phép chúng tôi hiểu khách hàng hơn để điều chỉnh dịch vụ của mình theo nhu cầu của họ và nâng cao các nỗ lực tương tác của chúng tôi. Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ khách hàng của mình trong bối cảnh ngân hàng và kỹ thuật số đang phát triển, để nắm bắt cơ hội và theo đuổi các khát vọng tài chính của họ.”
ACSS là Nghiên cứu hàng đầu của UOB phân tích tâm lý và các xu hướng của người tiêu dùng tại Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Việt Nam. Đây là năm thứ 4 nghiên cứu được triển khai. Nghiên cứu được thực hiện từ ngày 1 đến ngày 26 tháng 6 năm 2023 và đã khảo sát trực tuyến 3.400 đáp viên tại 5 nước, trong đó bao gồm 600 đáp viên tại Việt Nam. Đây cũng là lần đầu tiên UOB hợp tác với Công ty tư vấn quản trị toàn cầu Boston Consulting Group trong nghiên cứu này.
Có thể bạn quan tâm
Tháo rào cản để thúc đẩy thanh toán số
05:00, 09/02/2023
Tuần lễ chuyển đổi số năm 2023 từ khai thác dữ liệu số, thanh toán số
11:40, 17/10/2023
OCB phối hợp thu Ngân sách Nhà nước và thanh toán song phương điện tử với Kho Bạc Nhà nước
04:50, 03/03/2022
Thống đốc NHNN: Tạo thuận lợi cho phát triển dịch vụ ngân hàng số, thanh toán số
11:04, 19/11/2021
Nhiều phương thức sáng tạo sẽ thúc đẩy thanh toán số tại Đông Nam Á
15:00, 29/07/2021
Hạ tầng thanh toán số tại Việt Nam đã sẵn sàng
11:00, 29/07/2021
Người trẻ sẽ quyết định tương lai thanh toán số
13:27, 30/04/2021