Thanh toán không tiền mặt đã tăng trưởng đột biến trong đại dịch COVID-19, đây cũng là thành quả từ sự chuẩn bị trong rất nhiều năm của các đơn vị trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ thanh toán.
Theo ông Nguyễn Hoàng Long, Phó Tổng giám đốc Công ty thanh toán quốc gia Việt Nam NAPAS, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn ra, thanh toán không dùng tiền mặt đã nhận được một cú hích khá lớn, thể hiện tính logic như:
Thứ nhất, về mặt nền tảng, thị trường đã có những hạ tầng chín muồi từ hệ thống các ngân hàng, các công ty trung gian thanh toán và các đơn vị hỗ trợ thanh toán cho người dùng.
Thứ hai, do dịch bệnh phức tạp, việc thanh toán bằng tiền mặt sẽ trở thành một rào cản lớn khi phải tăng tiếp xúc. Vì vậy, việc chuyển sang kênh thanh toán điện tử đã tăng trưởng đột biến, thể hiện thành quả từ sự chuẩn bị của rất nhiều năm trước trong lĩnh vực này.
Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Tiến Đạt, Giám đốc kinh doanh Ví điện tử Foxpay cho biết, thị trường tiêu dùng nói chung đã có sự thay đổi do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Theo báo cáo gần nhất của McKinsey, xu hướng thể hiện ở những điểm như: Người tiêu dùng chuyển từ offline sang online; thay vì có thể mua sắm ở các siêu thị lớn thì chuyển sang các điểm tiêu dùng nhỏ và gần; thay vì tần suất giao dịch mua sắm liên tục với giá trị tiêu dùng thấp, người tiêu dùng chuyển đổi sang tần suất ít hơn, nhưng giá trị hàng hóa trong giỏ tăng lên.
“Có thể thấy, tất cả những thay đổi trong hành vi tiêu dùng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thay đổi hành vi thanh toán của khách hàng. Ví dụ như hiện nay, nhân viên thu cước viễn thôngở khu vực Sài Gòn, khi thu tiền mặt của khách,mọi người phải thực hiện công tác sát trùng tiền giấy. Từ đó, chúng ta sẽ thấy được sự bất tiện của tiền giấy và tạo ra một lực đẩy mạnh mẽ, để có sự chuyển dịch sang các hình thức thanh toán không tiền mặt bao gồm thẻ, ví điện tử,...đáp ứng nhu cầu lớn của thị trường”,
Một điểm đáng chú ý, đó là sự chuẩn bị và nhu cầu của các đơn vị thương mại điện tử cũng góp phần cung cấp thêm lực kéo cho thị trường, với các chương trình khuyến mại, ưu đãi, triển khai dồn dập, kích thích người tiêu dùng mua sắm.
Cách đây 1-2 năm, các đơn vị thương mại điện tử vẫn cho rằng, thanh toán online chưa thật thuận tiện, thậm chí còn là sự cản trở thương mại điện tử phát triển. Nhưng đến nay, mọi thứ đã thay đổi và nền tảng về công nghệ sản phẩm đã sẵn sàng thanh toán online cho mọi lĩnh vực, không riêng thương mại điện tử, mà có những dịch vụ thuộc về các tiện ích cơ bản như thanh toán cước điện thoại, hoá đơn điện, nước, hợp đồng bảo hiểm, đắt vé máy bay...
Ngoài phát triển thanh toán không tiền mặt ở các thành phố lớn, tập trung đông dân cư, các đơn vị thanh toán còn mở rộng đến các vùng sâu, vùng xa, bằng hình thức lan tỏa. Thông thường, những dịch vụ mới khi đưa ra, phải bắt nguồn từ thành phố lớn trước, sau đó thông qua các mối liên hệ mang tính cá nhân để kết nối theo sau.
Đặc biệt, việc chuyển tiền 247 đã được sử dụng thành công, giải quyết nhu cầu chuyển tiền rất lớn của những người làm việc tại thành phố về cho gia đình, phục vụ cho những người vùng nông thôn mua hàng hóa, dịch vụ online từ những shop ở khắp nơi trên toàn quốc. Mặc dù chưa có con số thống kê cụ thể, nhưng có một số lượng rất lớn giao dịch chuyển tiền chạy qua hệ thống các ngân hàng là để phục vụ nhu cầu hàng hóa dịch vụ online của người dân.
Như vậy, dịch vụ trung gian thanh toán nói chung đang trong một cuộc đua rất lớn và sẽ là lực đẩy dành cho các đơn vị, phải tự thay đổi về sản phẩm, dịch vụ để giữ chân khách hàng. Theo khảo sát của tổ chức thẻ Visa, khoảng 22% khách hàng trông chờ vào phương thức thanh toán mới, xác thực mới, thay vì tiếp xúc trực tiếp, như hình thức nhận diện bằng khuôn mặt, vân tay,... Có thể trong năm nay, nói về vấn đề này còn chưa thực tế, nhưng trong 5 năm tới, với chiến lược kinh tế số của Chính phủ, cũng như sự cạnh tranh của các đơn vị, thì hoàn toàn có khả năng xảy ra.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Tiến Đạt cũng lưu ý, thanh toán số sẽ phải đối mặt với các vấn đề về an ninh mạng, bị tấn công và Foxpay cũng phải đầu tư rất nhiều cho xây dựng công cụ quản trị rủi ro, cũng như hạn chế các rủi ro phát sinh trong quá trình xử lý giao dịch của khách hàng.
Về phía Vietcombank, bà Phạm Châu Loan, đại diện ngân hàng chia sẻ: “Là một ngân hàng thương mại và truyền thống, trong bối cảnh cạnh tranh hiện nay,chúng tôi cũng đã có sự chuẩn bị để thu hút khách hàng, đáp ứng nhu cầu của khách hàng, cũng như tạo được vị thế cạnh tranh trên thị trường.Trong thời gia qua,mặc dù giữa đại dịch, Vietcombank vẫn tập trung mạnh vào chuyển đổi số, ra mắt nền tảng ngân hàng số đa kênh hợp nhất. Sự ra đời đó đã giúp Vietcombank tạo ra nền tảng số phục vụ phát triển cung cấp dịch vụ cho khách hàng một cách hiệu quả, thuận lợi, tạo ra sự cạnh tranh trên thị trường”.
Có thể bạn quan tâm
15:38, 02/07/2021
04:49, 16/06/2021
06:06, 23/06/2020