Phát triển tài chính tiêu dùng đẩy lùi “tín dụng đen”
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, bằng việc cung cấp dịch vụ thuận tiện, bảo mật và an toàn thông qua công nghệ cao, các công ty tài chính tiêu dùng sẽ góp phần đẩy lùi vấn nạn “tín dụng đen”.
Thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam hiện nay vẫn đang là cuộc chơi của 3 doanh nghiệp lớn với thị phần áp đảo thuộc về các tên tuổi lớn như FE Credit, HD Saison và doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài là Home Credit. Dẫn đầu là FE Credit, sau 10 năm hoạt động, công ty này đã vươn lên dẫn đầu thị trường tài chính tiêu dùng, chiếm thị phần 52% trong năm 2019, bỏ xa hai đối thủ đứng sau là Home Credit (17%) và HD Saison (11%) và các đối thủ khác như Mcredit (7%), Shinhan Finance (6%), Mirae Asset (5%). Hàng loạt các công ty tài chính (CTTC) và quỹ đầu tư nước ngoài khác cũng đã chủ động tham gia vào hoạt động tại thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam đã thúc đẩy và tạo sự cạnh tranh mạnh mẽ cho thị trường.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế khẳng định, tài chính tiêu dùng có vai trò quan trọng trong thúc đẩy tiêu dùng xã hội và đẩy lùi "tín dụng đen".
Theo số liệu từ ngân hàng, hiện có khoảng 47% người Việt tham gia vay tiền, nhưng chỉ có 18,5% là vay từ những tổ chức tín dụng và các tổ chức tài chính chính thức, phần còn lại là vay từ người thân, bạn bè hoặc “tín dụng đen”.
Góp ý giải pháp để ngành tài chính tiêu dùng phát triển, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, trong điều kiện của đại dịch COVID-19 và cuộc cách mạng công nghệ 4.0, các CTTC phải rà soát lại chiến lược kinh doanh để chuyển đổi cho phù hợp với tình hình mới, phù hợp với thị trường, đặc biệt là chuyển đổi số.
Công nghệ cần được đầu tư để tăng năng suất lao động, tối ưu hoá chi phí vận hành, có tổ chức công ty gọn nhẹ, vận hành hiệu quả, quản trị rủi ro tốt, mang tới cho khách hàng những trải nghiệm tốt, cung cấp cho khách hàng thông tin đầy đủ khi sử dụng các sản phẩm. Trên cơ sở đó, chi phí đầu ra của công ty sẽ rẻ hơn và có thể giảm lãi suất cho khách hàng, nâng cao cơ hội cạnh tranh với các CTTC khác.
Đồng thời, cần đẩy mạnh công tác đào tạo nhân sự trong các công ty tài chính tiêu dùng cả về chuyên môn nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp để đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn thị trường tài chính tiêu dùng.
“Lĩnh vực tài chính tiêu dùng của Việt Nam mới chỉ phát triển trong khoảng 10 năm và trong khoảng thời gian ngắn như vậy, chắc chắn lực lượng nhân sự quản lý lĩnh vực này chưa thể đáp ứng kịp so với sự phát triển của thị trường. Các nhân viên tài chính tiêu dùng cần đưa ra được giải pháp giúp khách hàng có sự tư vấn đầy đủ nhất về quyền lợi và nghĩa vụ trước khi quyết định ký hợp đồng. Bằng việc cung cấp dịch vụ thuận tiện, bảo mật và an toàn thông qua công nghệ cao, các công ty tài chính tiêu dùng sẽ góp phần trong việc đẩy lùi vấn nạn tín dụng đen”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh phân tích.
Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, NHNN đã triển khai đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng, góp phần nâng cao đời sống của người dân, hạn chế tín dụng đen.
NHNN đang nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển tài chính tiêu dùng như:
Thứ nhất, đề xuất, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Quyết định về triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money).
Thứ hai, đề xuất, trình Chính phủ Nghị định về cơ chế quản lý thử nghiệm có kiểm soát cho hoạt động Fintech; Nghị định thay thế Quyết định số 20/2017/QĐ-TTg về hoạt động tài chính vi mô.
“Đồng thời, NHNN theo thẩm quyền đã ban hành các quy định pháp lý phù hợp đối với các sản phẩm, mô hình, dịch vụ, phương tiện thanh toán mới gắn với cách mạng công nghiệp 4.0 như: ngân hàng số, công nghệ định danh và nhận biết khách hàng điện tử, quy định về mở tài khoản thanh toán của cá nhân bằng phương thức điện tử - eKYC, đang nghiên cứu, tìm hiểu công nghệ Blockchain ứng dụng trong lĩnh vực thanh toán; ứng dụng công nghệ dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI) vào một số lĩnh vực ngân hàng”, bà Phạm Thị Thanh Tùng cho biết.
Còn theo TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia & Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, để phát triển thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam một cách lành mạnh, bền vững cần sự phối hợp của 2 cấu phần gồm các cơ quan quản lý Nhà nước và các CTTC.
Đối với các cơ quan quản lý, cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý trong việc quản lý, giám sát các CTTC, nhất là các qui định về chuẩn mực an toàn cũng như minh bạch thông tin, tiếp thị sản phẩm, quản trị rủi ro....
Tạo điều kiện cho các CTTC qui mô vừa và nhỏ phát triển, nhằm tăng tính cạnh tranh thông qua việc thu hút vốn từ nhà đầu tư nước ngoài, tiếp nhận nguồn vốn ưu đãi quốc tế... để hạn chế rủi ro tập trung vào số ít các CTTC lớn.
Sớm hoàn thiện cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia, qua đó giúp cho tiến trình phát triển tài chính số, ngân hàng số, thanh toán không tiền mặt được thúc đẩy nhanh hơn, thuận lợi hơn, nhất là trong các khâu E-KYC, chia sẻ thông tin, dữ liệu, phát triển hệ sinh thái số, đánh giá khách hàng...
Đối với các CTTC, cần rà soát, điều chỉnh chiến lược kinh doanh; phát triển mô hình kinh doanh mới phù hợp với xu hướng thị trường trong và sau dịch bệnh. Trong đó, đặc biệt lưu tâm đến những thay đổi về xu hướng tiêu dùng, thị hiếu mới của khách hàng để phát triển các chính sách, sản phẩm phù hợp. Các CTTC cần xây dựng và thường xuyên đánh giá các kịch bản thị trường để có thể lường đón và kiểm soát rủi ro và nâng cao hiệu quả hoạt động.
Chú trọng phát triển các nền tảng công nghệ phục vụ cho vay tiêu dùng, giảm chi phí, tăng năng suất lao động, phối hợp phát triển các mô hình kinh doanh mới như Fintech, cho vay ngang hàng, Mobile money...
Tiết giảm chi phí để tối ưu hóa hoạt động, cân đối phù hợp giữa rủi ro và lãi suất cho vay. Tham gia đẩy mạnh giáo dục tài chính cho người tiêu dùng và thực hiện tốt hơn việc minh bạch thông tin cho khách hàng. Đồng thời, quan tâm xây dựng và phát triển đội ngũ nhân sự để phát triển hiệu quả, bền vững như chú trọng đào tạo cán bộ, nhất là kỹ năng phân tích tín dụng tiêu dùng, kỹ năng chăm sóc khách hàng, kỹ năng đòi nợ, tư vấn, kỹ năng ứng dụng CNTT trong hoạt động của mình.
Có thể bạn quan tâm
Đẩy lùi tín dụng đen được không?
05:00, 23/01/2021
MoneyTap lần đầu tiên mang ứng dụng kết nối hạn mức tín dụng đến Việt Nam
17:57, 21/12/2020
Biến tướng “tín dụng đen” trực tuyến: Vá “lỗ hổng” từ đâu?
11:00, 29/10/2020
App tín dụng đen (Kỳ II): Dẹp bỏ bằng cách nào?
14:30, 22/06/2020
App tín dụng đen (Kỳ III): Cần cơ chế thử nghiệm P2P hoàn chỉnh hơn
06:00, 23/06/2020