Những câu hỏi cơ bản nhất về NFT

QUÂN BẢO 14/08/2021 05:00

Đó là một khái niệm, một loại tài sản mới trong thế giới tiền điện tử hiện nay. Dù mới, khá "ảo" nhưng giá trị lại không hề nhỏ chút nào.

Vấn đề “bản gốc, bản sao” là một bài toán nan giải với mọi tài sản từ thuở xa xưa đến giờ. Bức tranh Mona Lisa “bản gốc” là một tài sản vô giá, nhưng bức Mona Lisa “bản sao” ở cấp độ in, vẽ nhái dài lê thê sau các bản hiếm dạng "fake 1" - lại có thể mua rẻ bèo ở khắp các hiệu sách lề đường.

Đối với các bức tranh, clip kỹ thuật số, việc “bản gốc, bản sao” lại càng khó phân biệt. Vì chỉ cần copy/paste là ra 1 bản sao “không thể phân biệt được” với bản gốc. Và vì thế, với tính năng ưu việt của công nghệ blockchain, “chứng thư điện tử” NFT ra đời để chứng thực một tài sản số là “bản gốc”.

NFT là gì?

NFT là viết tắt của “nonfungible token”, tạm dịch Token không thể thay thế. Nhưng chúng ta không cần quan tâm tới cái tên. Bản chất, NFT là một token mã hóa trên blockchain (kiểu như bitcoin hay các loại tiền mã hóa khác). Mỗi NFT là duy nhất, đại diện cho một tài sản số duy nhất.

Điều đó có nghĩa, kể cả bạn có hình chụp NFT, bạn cũng không thể sử dụng được vì quyền sở hữu lúc này vẫn đang được xác thực và ghi lại trên sổ cái, vận hành theo nguyên tắc của blockchain.

Hay nói đơn giản hơn, về cơ bản NFT là một chứng chỉ xác nhận kỹ thuật số độc nhất. Mỗi NFT sử dụng công nghệ blockchain để tạo ra một mã độc nhất vô nhị, đại diện cho một vật phẩm nào đó và không thể thay thế bằng một NFT khác. Giống như mỗi ngôi nhà chỉ có 1 sổ đỏ độc nhất.

Người mua nhận được gì khi mua một NFT?

Khi mua NFT, người mua đang mua chuỗi mã độc nhất đã đề cập ở trên. Đây là một chứng chỉ xác nhận quyền sở hữu, chứng minh rằng một phiên bản nhất định nào đó của một vật phẩm nào đó đã độc quyền thuộc về cá nhân người mua.

Những vật phẩm ở đây có thể là phiên bản kỹ thuật số của một bài hát, một tác phẩm nghệ thuật, hoặc một món đồ trong game, v.v..

Tuy nhiên, mua một NFT không đồng nghĩa người mua có được bản quyền của vật phẩm đó. Và sở hữu một NFT cũng không có nghĩa là không còn phiên bản nào khác trên internet.

Chẳng hạn, nếu một người mua một NFT cho một bức tranh, thì không phải người đó đang mua bức tranh này, mà người đó chỉ đang mua quyền sở hữu bức tranh.

Nghe có vẻ hơi huề vốn, nhưng thật ra với những người yêu thích NFT, sở hữu một chuỗi mã blockchain thể hiện quyền sở hữu cũng đã là một việc cực kỳ giá trị rồi.

Tại sao phải bỏ tiền mua NFT trong khi hình ảnh đầy trên mạng?

Như đã nói ở trên, các mã NFT thường hiển thị dưới dạng hình ảnh. Vậy nên nhiều người thắc mắc, tại sao phải chi tiền để mua, trong khi có thể chỉ cần đơn giản nhấp chuột phải và lưu về máy tính là được?

Có thể dùng tâm lý của người đi sưu tầm để giải thích cho việc này. Cũng như sưu tầm các vật phẩm như tem, thẻ bóng chày, sách, một tác phẩm,... việc sở hữu một NFT phiên bản gốc luôn tạo cảm giác đặc biệt hơn.

Chẳng hạn hình ảnh CryptoRunks. Nếu nhìn theo người bình thường, đây là những hình đại diện chất lượng thấp, có thể tự tải về dễ dàng. Tuy nhiên đối với một người sưu tầm NFT thì họ sẽ không xem “hình tự tải về” là một hình ảnh xác thực. Thay vào đó, họ sẽ bỏ tiền mua. Và giá một tấm cũng tốn trung bình 900.000 USD.

Trên thực tế, phiên bản copy và phiên bản chính gốc cũng chẳng có gì khác biệt về mặt thị giác cả.

Thậm chí nhiều NFT còn gây... lú hơn khi NFT đó không phải là chính gốc mà là một phiên bản tái bản. Tuy nhiên ở trường hợp này, dù tái bản nhưng nó vẫn có chuỗi mã độc nhất (hay còn gọi là “token”) trên blockchain. Và đây là một kiểu hệ thống lưu trữ hồ sơ phi tập trung.

Hay nói cách khác, thay vì chỉ lưu trữ trên một chỗ (giống như ngân hàng có sổ cái lưu trữ giao dịch), thì một blockchain sẽ sử dụng một mạng lưới máy tính rộng lớn. Mỗi máy tính đều có nhiệm vụ giải trình với nhau thông qua một hồ sơ lưu trữ công khai được chia sẻ.

Do đó, rất khó để xóa hoàn toàn một NFT ra khỏi internet. Ngoài ra, đây cũng là cách để theo dõi nguồn gốc và lịch sử giao dịch NFT.

Vì sao cần quan tâm tới NFT?

Vì hiện nay NFT đang trở thành cơn sốt.

Theo những người trong nghề, với giá trị giao dịch NFT hàng triệu USD hiện nay, NFT sẽ nhanh chóng vượt ra khỏi giới hạn giao dịch nghệ thuật, bài hát,... và tiến đến những lĩnh vực mới hơn.

Chẳng hạn, một startup đã bắt đầu cho phép NFT trở thành tài sản thế chấp vay vốn. Hoặc các nhà đầu tư ở Thung lũng Silicon cho biết khả năng kiếm tiền trong thế giới NFT là vô hạn.

NFT ẩn chứa nguy cơ gì?

Thứ nhất, với những thứ mới nổi và nổi nhanh chóng như vậy thì nguy cơ bong bóng đầu cơ luôn tồn tại. Tức là hiện tại NFT đang rất hot, nhiều người đổ tiền mua, nhưng cũng có khả năng NFT rớt giá nhanh và người mua ngậm ngùi chịu lỗ lớn.

Tuy nhiên những người ủng hộ NFT cho rằng sự khan hiếm có sẵn trong hệ thống sẽ giúp giá trị NFT luôn đi lên, miễn là người dùng vẫn còn quan tâm đến.

Thứ hai, cần cẩn trọng khi giao dịch NFT về các tác phẩm của người nổi tiếng. Chẳng hạn trước đây có trường hợp bán NFT một tác phẩm của nghệ sĩ Banksy thu về đến 900.000 USD. Nhưng sau đó lộ ra tác phẩm này là hàng giả.

Cuối cùng, có vẻ hơi không liên quan, nhưng đó là tác động đến môi trường. Năng lượng để duy trì hệ thống blockchain cơ bản của NFT rất lớn. Theo một số ước tính, một giao dịch tiền điện tử có thể tốn điện hơn mức sử dụng trung bình 1 ngày của 1 hộ gia đình tại Hoa Kỳ. Một nghệ sĩ cho biết điện dùng để tạo ra 6 mảnh NFT thậm chí còn cao hơn điện sử dụng trong toàn bộ studio trong vòng 2 năm.

Đây có thể là mối đe dọa nguy hiểm nhất. Vì con người không ý thức được năng lượng điện tiêu thụ cho NFT cao đến đâu, và cũng thường nghĩ rằng điện là vô hạn. Từ đó họ có xu hướng xem nhẹ tác động này của NFT đến môi trường.

Có thể bạn quan tâm

  • "Cơn mê" NFT - Tài sản số không thể thay thế lan rộng nhiều lĩnh vực

    16:00, 11/08/2021

  • Tỷ phú Mark Cuban rót vốn vào startup game Việt ứng dụng NFT

    Tỷ phú Mark Cuban rót vốn vào startup game Việt ứng dụng NFT

    04:29, 14/05/2021

  • NFT - “Sổ đỏ” cho tài sản số

    NFT - “Sổ đỏ” cho tài sản số

    03:46, 29/04/2021

QUÂN BẢO