Vụ tranh chấp tại cà phê Trung Nguyên: Vì sao vẫn bế tắc?
Liên quan tới việc tranh chấp quyền sở hữu nhãn hiệu “Trung Nguyên” và “G7 Coffee”, các cơ quan đang có nhiều quan điểm khác nhau. Bộ Công Thương cho rằng, cần chờ phán quyết từ Tòa án…
Mới đây, Văn phòng Chính phủ có văn bản gửi các Bộ: Khoa học và Công nghệ, Tư pháp, Tài chính, Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia cho ý kiến về báo cáo của Bộ Công Thương liên quan đến giải quyết phản ánh, kiến nghị của ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Cà phê Trung Nguyên.
Được biết, tại đơn kiến nghị khẩn cấp ngày 20/7/2020, ông Đặng Lê Nguyên Vũ cho rằng, sau khi bản án phúc thẩm của toà án nhân dân cấp cao TP Hồ Chí Minh về tranh chấp hôn nhân và gia đình có hiệu lực thì bà Thảo vẫn tự ý sản xuất trái phép sản phẩm G7 Coffee của Trung Nguyên, đóng gói vào bao bì hiệu King Coffee trong chính nhà máy của TNI ở Bình Dương và nhà máy của Trung Nguyên tại Bắc Giang"do bà Thảo chiếm giữ trái phép của Tập đoàn Trung Nguyên".
Xác minh của Tổng cục Quản lý thị trường tại Chi nhánh Công ty CP Cà phê hòa tan Trung Nguyên tại Bắc Giang cho thấy, hoạt động sản xuất các sản phẩm cà phê mang nhãn hiệu “G7” và “Trung Nguyên” tại khu công nghiệp Quang Châu (Việt Yên, Bắc Giang) vẫn đang được thực hiện. Hiện tại, con dấu của chi nhánh này vẫn do bà Lê Hoàng Diệp Thảo quản lý.
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo có quan hệ hôn nhân và đều là cổ đông của Công ty CP đầu tư Trung Nguyên. Tranh chấp hôn nhân gia đình, trong đó có phần nội dung liên quan đến phân chia tài sản khi ly hôn, đã được Tòa án nhân dân cấp cao tại TP.HCM giải quyết bằng Bản án hôn nhân gia đình phúc thẩm số 39/2019/HNGĐ-PT ngày 5/12/2019.
Tuy nhiên, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã có Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm ngày 31/3/2020 đối với bản án này. Hiện nay, Tòa án nhân dân tối cao đang tiếp tục giải quyết vụ việc tranh chấp hôn nhân gia đình giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo theo quy định của pháp luật.
Chính vì thế, quyền sở hữu các giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, bảo hộ nhãn hiệu có phần chữ “Trung Nguyên” và “G7” được nhiều cơ quan đánh giá là thuộc phạm vi tranh chấp về quyền sở hữu đối với các tài sản của Công ty CP đầu tư Trung Nguyên vẫn đang được tòa án xem xét, giải quyết và chưa có quyết định cuối cùng.
Bộ Công Thương cho rằng: Theo quy định tại Nghị định 99/2013/NĐ-CP ngày 29/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp, cơ quan xử lý vi phạm phải từ chối xử lý vi phạm trong trường hợp đơn yêu cầu xử lý vi phạm được nộp khi đang có tranh chấp quyền sở hữu công nghiệp liên quan.
Biên bản họp thống nhất xử lý đơn kiến nghị, phản ánh của ông Đặng Lê Nguyên Vũ được Tổng cục Quản lý thị trường lập ngày 8/12/2020 cũng ghi nhận nhiều ý kiến khác nhau của đại diện 5 bộ ngành, đơn vị tham gia.
Cụ thể, quan điểm của Cục Sở hữu trí tuệ là quyền sở hữu nhãn hiệu G7, Trung Nguyên là thuộc Công ty CP Đầu tư Trung Nguyên. Vì nhãn hiệu Trung Nguyên có 2 giấy chứng nhận, nhãn hiệu G7 bảo hộ tổng thể G7, kèm theo 5 hình ảnh Giấy chứng nhận.
Đại diện Cục Sở hữu trí tuệ thông tin: Vừa qua có vụ kiện giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo nhưng bản án phúc thẩm đã bị giám đốc thẩm và bị tạm đình chỉ nên hiện nay, quyền sở hữu với tài sản của Công ty CP Đầu tư Trung Nguyên, trong đó có quyền sở hữu nhãn hiệu đang trong tình trạng tranh chấp.
Song, đại diện Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ lại có quan điểm khác với quan điểm của Cục Sở hữu trí tuệ. Theo đó, Thanh tra bộ cho rằng, các quyền sở hữu nhãn hiệu Trung Nguyên và G7 là tài sản chung của Công ty cổ phần đầu tư Trung Nguyên.
Công ty có quyền định đoạt với tài sản này cho dù ông Vũ hay bà Thảo có nắm giữ cổ phần trong công ty hay không thì đó vẫn là tài sản chung của Công ty CP Đầu tư Trung Nguyên.
Về phía Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), đơn vị này cho rằng do bản án phúc thẩm đã được kháng nghị giám đốc thẩm, nhãn hiệu đang trong tình trạng tranh chấp và theo quy định của Nghị định số 99/2013/NĐ-CP - vẫn chấp nhận thông quan cho các lô hàng của Chi nhánh Công ty cổ phần cà phê hòa tan Trung Nguyên tại Bắc Giang với điều kiện doanh nghiệp nội địa phải cung cấp hóa đơn, chứng từ chứng minh lô hàng mua từ Chi nhánh tại Bắc Giang.
Đại diện Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp của Bộ Công an lại cho biết, nhãn hiệu đều thuộc quyền sở hữu của Công ty CP Đầu tư Trung Nguyên. Vợ chồng ông Vũ, bà Thảo đang có tranh chấp, kiện tụng, nhưng đơn kiến nghị của ông Vũ là kiến nghị xử lý xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu G7, Trung Nguyên.
Chính vì vậy, dù có tranh chấp về quyền sở hữu cổ phần trong công ty cổ phần thì quyền sở hữu nhãn hiệu vẫn thuộc tài sản công ty trên.
Và những thiệt hại ước tính của ông Vũ hiện chưa có tài liệu nào xác thực, cần xác minh, điều tra làm rõ. Song theo quan điểm của Cục này, rất khó để khẳng định có xử lý hình sự được hay không và chưa có đủ căn cứ để xử lý hình sự.
"Hiện các thông tin, tài liệu theo đơn kiến nghị của ông Đặng Lê Nguyên Vũ và các nội dung phản ánh cũng chỉ mang tính chất đơn phương từ ông Vũ, chưa đầy đủ. Các tình tiết cụ thể cần xác minh, điều tra thêm để đưa ra kết luận có căn cứ" - Đại diện Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế của Bộ Tư pháp nêu ý kiến.
Phía đại diện của Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật cho biết, nếu theo đơn của ông Vũ đề nghị xử lý vi phạm hành chính (đối với tổ chức, cá nhân vi phạm nhãn hiệu Trung Nguyên và G7) thì nếu có xử lý vi phạm sẽ không hợp lý và mục đích của việc xử lý chưa thực hiện được nếu nó nhằm ổn định trật tự quản lý nhà nước.
Đại diện Thanh tra Bộ Công Thương cũng cho biết, chưa có tài liệu xác minh thiệt hại trong vụ việc này và đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ làm rõ về tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ.
Tại báo cáo ngày 24/12/2020 gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương cho rằng Tổng cục Quản lý thị trường vẫn không có căn cứ pháp lý để thực hiện xử lý vi phạm theo đơn yêu cầu, kiến nghị của Công ty CP đầu tư Trung Nguyên.
“Kiến nghị, phản ánh của ông Đặng Lê Nguyên Vũ liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan khác như hải quan, công an, khoa học và công nghệ… Do vậy, cần thiết phải có sự chỉ đạo thống nhất của cơ quan cấp trên đối với các cơ quan, lực lượng trong quá trình giải quyết vụ việc”, Bộ Công Thương nhận định.
Do đó, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng giao Ban chỉ đạo 389 quốc gia trực tiếp chỉ đạo các cơ quan, lực lượng xử lý vụ việc nêu trên và đề nghị ông Đặng Lê Nguyên Vũ và Công ty CP Đầu tư Trung Nguyên tiếp tục thực hiện thủ tục giải quyết tranh chấp tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin!
Có thể bạn quan tâm
Khởi tố vụ án tại Công ty Cổ phần cà phê Hòa tan Trung Nguyên
18:20, 28/04/2020
Kháng nghị hủy án vụ ly hôn vợ chồng Trung Nguyên
21:20, 03/04/2020
Kịch bản phân chia tài sản Trung Nguyên
14:27, 02/03/2019
Lộ diện khối tài sản chung trị giá gần 8.400 tỷ đồng của 2 nhà sáng lập Tập đoàn Trung Nguyên
17:44, 20/02/2019
Tiền và “Triết đạo cà phê Trung Nguyên”
11:15, 27/02/2019