Vì sao hàng giả, hàng nhái thoải mái tung hoành?
Hàng giả, hàng kém chất lượng và không rõ nguồn gốc tràn lan trên thị trường, đang là vấn đề nhức nhối của xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống, sức khỏe, thậm chí là sinh mạng của người dân…
Câu chuyện hàng giả hàng nhái không phải là vấn đề mới song cũng chưa bao giờ là cũ, bởi từng ngày, từng giờ chúng vẫn đang hiện diện, tác động trực tiếp đến xã hội. Chúng đã và đang thâm nhập vào tất cả các phân khúc của thị trường, từ các phiên chợ vùng sâu, vùng xa cho đến vỉa hè các đô thị, chúng len lỏi vào cả những trung tâm thương mại lớn…
Tại phiên trả lời chất vấn mới nhất trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phải thừa nhận, trên thực tế những câu chuyện về buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém phẩm chất, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ đã tương đối phổ biến và xảy ra không còn là cá biệt tại các khu vực, địa phương trên địa bàn cả nước.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng nhận định, thực trạng hàng giả được bày bán công khai có sự tiếp tay của lực lượng chức năng tại nhiều địa phương. Khi mà chính nhà quản lý “làm ngơ” lẽ đương nhiên hàng giả, hàng nhái vẫn còn đất sống.
Những ngày qua, dư luận vô cùng bức xúc khi cả nước đang gồng mình với cuộc chiến chống “giặc” COVID-19, nhiều đối tượng đã lợi dụng để sản xuất, bán ra thị trường các loại sản phẩm giả, nhái, kém chất lượng thu lời bất chính.
Điển hình như đầu tháng 3/2020, Tổ công tác 304 của Tổng cục Quản lý thị trường phối hợp với Cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Ninh, Đội Quản lý thị trường huyện Gia Bình và Vụ Trang thiết bị y tế, đã tiến hành kiểm tra Công ty TNHH SX & TM thiết bị Quốc Bảo (Công ty Quốc Bảo) tại thôn Xuân Lai, xã Xuân Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh.
Tại thời điểm cơ quan chức năng kiểm tra xưởng sản xuất, một loạt hành vi gian dối của doanh nghiệp đã bị phát hiện, các dây chuyền của Công ty Quốc Bảo đang tiến hành sản xuất khẩu trang 3 lớp; 4 lớp có hình thức giống hệt khẩu trang y tế mà không có phòng hấp sấy tiệt trùng. Chất liệu sản xuất khẩu trang chỉ là loại vải không dệt, không có tác dụng kháng khuẩn như thông tin quảng cáo trên vỏ hộp.
Chứng kiến những chiếc khẩu trang của doanh nghiệp này đang sản xuất và đóng hộp, tự tay xé một chiếc khẩu trang lấy ngẫu nhiên từ dây chuyền sản xuất để kiểm tra, ông Trần Hùng, Tổ trưởng Tổ 304, Tổng cục Quản lý thị trường đã rất cương quyết: “Nhìn rất giống khẩu trang y tế, như thế thì người tiêu dùng dễ bị nhầm lẫn. Có dấu hiệu gian lận thương mại, nhập nhèm không đúng... Tôi đề nghị và yêu cầu kiến nghị chủ doanh nghiệp tạm dừng không được lưu thông ra thị trường, và yêu cầu huỷ toàn bộ nhãn mác này. Dấu hiệu vi phạm như thế này thì phải lập biên bản xử lý theo đúng quy định của pháp luật”.
Tổ trưởng Tổ 304, Tổng cục Quản lý thị trường đã cương quyết là vậy, thế nhưng, việc lập biên bản và xử lý lại không nhận được sự nhất trí của đại diện Cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Ninh.
Sự việc sau đó, khiến dư luận hoài nghi rằng, chính Cục Quản lý thị trường địa phương này đang “chống lưng”, “bảo kê” cho hàng giả, hàng nhái, bởi trước đó, mặc dù đội Quản lý thị trường số 4 (Cục QLTT tỉnh Bắc Ninh) đã có quyết định xử phạt hành chính Công ty này về hành vi kinh doanh hàng hoá trên nhãn có chữ viết không đúng sự thật. Thế nhưng, lạ lùng khi sau đó doanh nghiệp vẫn “vô tư” sản xuất loại sản phẩm này, và hàng trăm nghìn khẩu trang “đội lốt” kháng khuẩn ấy vẫn “ngang nhiên” được đưa ra đâu đó ngoài thị trường(?).
Phải chăng, đó là nguyên nhân khiến tình trạng hàng giả, hàng nhái có thể thoải mái “tung hoành” tại tỉnh Bắc Ninh. Hay có chăng, đúng như người đứng đầu ngành Công Thương từng nhận định, có sự tiếp tay của lực lượng chức năng, khi mà chính nhà quản lý “làm ngơ” thì lẽ đương nhiên hàng giả, hàng nhái vẫn còn đất sống?
Hiện nay, Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đang lan tỏa, lợi dụng niềm tin của người tiêu dùng đang ngày càng đặt nhiều vào hàng hóa sản xuất trong nước, nhiều doanh nghiệp đã làm giả thương hiệu, làm giả về xuất xứ “made in Vietnam” để lừa dối người tiêu dùng, mà trong đó thương hiệu Khaisilk của Công ty TNHH Khải Đức là một điển hình.
Có thể bạn quan tâm
Thị trường Da-Giầy: Giải pháp nào ngăn chặn hàng giả, hàng nhái
15:24, 17/03/2020
Doanh nghiệp cam kết “Nói không với hàng giả trong thương mại điện tử”
10:59, 18/12/2019
Ngăn chặn hàng giả, hàng nhái (kỳ I): Gian lận thời đại 4.0
11:30, 12/12/2019
Ngăn chặn hàng giả, hàng nhái (Kỳ II): Vướng mắc pháp lý khiến càng “siết” càng gia tăng phức tạp
05:20, 13/12/2019
Hệ lụy tiêu cực của vấn nạn hàng giả, hàng nhái mang lại cho xã hội không hề nhỏ, chúng làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng đến tính minh bạch của thị trường hàng hóa, làm giảm uy tín của các nhà sản xuất chân chính.
Những mặt hàng chính hãng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng lâm vào tình trạng ế ẩm, suy giảm doanh thu. Nhưng hậu quả khó lường hơn là những nguy cơ có thể gây ra thiệt hại về sức khỏe, tính mạng con người khi sử dụng những loại sản phẩm kém chất lượng này. Đặc biệt, chính người tiêu dùng là đối tượng chịu thiệt thòi lớn nhất khi “tiền mất tật mang”.
Thế nhưng dường như hiện nay lại có một nghịch lý đang xảy ra, rất nhiều người biết rõ họ đang sử dụng hàng nhái, hàng giả mà vẫn thản nhiên chấp nhận, tại sao vậy? phải chăng, đó là tâm lý ham rẻ, hay nói đúng hơn là sự dễ dãi của người tiêu dùng. Và chính sự dễ dãi đó đã “thêm dầu” cho “ngọn lửa” hàng giả hàng nhái bùng cháy ngày càng mạnh và phủ rộng hơn.
Vấn nạn hàng giả hàng nhái đang âm thầm ngày đêm gặm nhấm, sói mòn lòng tin của nhân dân, và công cuộc tiêu diệt chúng vẫn đang là một cuộc chiến đầy khó khăn và thách thức. Thiết nghĩ, không chỉ các cơ quan quản lý Nhà nước mà chính các doanh nghiệp và người tiêu dùng phải cùng phối hợp để ngăn chặn vấn nạn này.