“Truy vết” hàng lậu, hàng giả từ không gian mạng
Hoạt động kinh doanh hàng lậu, hàng giả trên nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo... tại Việt Nam đang ngày càng sôi động, tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn cho nền kinh tế...
Những năm gần đây, hoạt động buôn bán trên không gian mạng như Facebook, Zalo... rất nhộn nhịp, đa dạng chủng loại hàng hóa, tạo thuận lợi cho việc mua và bán dễ dàng, nhanh chóng. Tuy nhiên, điều này cũng tiềm ẩn nhiều vấn đề tiêu cực, nguy cơ bất ổn cho nền kinh tế…
Theo Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), trong 6 tháng đầu năm 2020, đại dịch COVID-19 bùng phát, xuất hiện nhiều nơi sản xuất khẩu trang kém chất lượng, không có lớp lọc kháng khuẩn, không đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. Đáng chú ý, trong thời gian gần đây, hoạt động kinh doanh bán hàng trên mạng gia tăng, tiềm ẩn nguy cơ buôn bán hàng kém chất lượng, làm ảnh hưởng đến các doanh nghiệp làm ăn chân chính và quyền lợi của người tiêu dùng.
Nhiều địa chỉ bán hàng online khai báo thông tin, đăng ký hoạt động kinh doanh không chính xác về nhân thân và địa chỉ, thường xuyên thay đổi địa điểm, không theo trình tự thời gian cụ thể nên gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát của lực lượng QLTT.
Liên quan đến vi phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử, ngay trong tháng 7 vừa qua, tại nhiều địa phương, lực lượng QLTT đã phối hợp ra quân “truy vết”, tổ chức khám xét nhiều kho chứa, các điểm kinh doanh hàng hóa có dấu hiệu nhập lậu, giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng. Tại hiện trường khám xét, lực lượng chức năng không chỉ thu giữ một lượng lớn hàng hóa mà còn “phá dỡ” đường dây kinh doanh hàng hóa được tổ chức chặt chẽ từ khu vực biên giới về đến nội địa.
Điển hình ngày 7/7, Tổng cục QLTT đã phối hợp với Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động và Cục A05, Bộ Công an tấn công vào kho chứa hàng nhập lậu có diện tích hơn 10.000m2 tại Lào Cai. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trong kho chủ yếu là giầy dép, kính mắt, đồng hồ, hàng tiêu dùng, mỹ phẩm... nhập lậu hoặc có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng như LV, Gucci, Chanel, Adidas...
Đại diện Tổng cục QLTT nhận định, đây là hoạt động có đường dây, ổ nhóm được tổ chức chuyên nghiệp thành từng khâu, phân công giữa các thành viên phối hợp nhịp nhàng. Mọi hoạt động kinh doanh triển khai được là nhờ lợi dụng triệt để việc bán hàng trên các nền tảng Internet bao gồm cả bán buôn, bán lẻ.
Hay mới đây, thông tin từ Cục QLTT tỉnh Bắc Giang cho biết, UBND tỉnh vừa có quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Phan Thị Ngọc Anh, tổ dân phố Trung Nghĩa, thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn do kinh doanh mỹ phẩm và đồng hồ nhập lậu.
Theo Quyết định xử phạt, hộ kinh doanh của bà Phan Thị Ngọc Anh đã có hành vi vi phạm hành chính kinh doanh hàng hoá nhập lậu. Tang vật vi phạm hành chính gồm: 400 lọ nước hoa Mimieau de parfun; 45 chai nước hoa Bose, loại 50ml/chai; 15 chai nước hoa GD, loại 50ml/chai; 60 lọ nước hoa Speray 10ml/lọ; 30 chai nước hoa Royal, 100ml/chai; 60 chiếc đồng hồ trẻ em dây nhựa Diray; 50 chiếc đồng hồ đeo tay XAX; 82 chiếc đồng hồ đeo tay dây da NIBOSI; 83 chiếc đồng hồ đeo tay dây da DZG; 173 chiếc đồng hồ đeo tay dây da Kisyed.
Theo tìm hiểu, với việc bán hàng trên không gian mạng, mỗi ngày cơ sở này có hàng nghìn vận đơn với các mặt hàng là nước hoa và đồng hồ đeo tay được chuyển bán khắp cả nước.
Mới đây, tại Hội nghị chuyên đề hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong môi trường thương mại điện tử và kinh tế số, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh bày tỏ lo ngại thương mại điện tử ở Việt Nam đang phát triển theo xu hướng tích cực nhưng cũng tiềm ẩn nhiều vấn đề tiêu cực, nguy cơ gây bất ổn cho nền kinh tế.
Vấn nạn hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ... được công khai mua bán trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo hay trên các website thương mại điện tử, các sàn giao dịch thương mại điện tử. Đây cũng là các kênh phân phối nhiều mặt hàng không được nhập khẩu chính ngạch, không có hóa đơn chứng từ, hàng hóa giả mạo các thương hiệu nổi tiếng.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 Bộ Công Thương, các lực lượng cần đẩy mạnh các biện pháp chống gian lận xuất xứ, theo dõi sát tình hình XNK một số mặt hàng có nguy cơ gian lận thương mại, giả mạo xuất xứ để lẩn tránh thuế, lẩn tránh kiểm soát chất lượng, kịp thời đề xuất biện pháp xử lý; tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội như Facebook, Zalo...
Bên cạnh đó, chủ động nắm vững diễn biến tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo lĩnh vực, địa bàn phụ trách để kịp thời phát hiện, nhận diện các vấn đề nổi cộm, các lĩnh vực mặt hàng vi phạm mới nổi để kịp thời đấu tranh ngăn chặn, xử lý.
Có thể bạn quan tâm
Hà Nội: Xử phạt hàng loạt cơ sở kinh doanh hàng giả, hàng nhái
12:33, 21/07/2020
Vì sao hàng giả, hàng nhái thoải mái tung hoành?
06:06, 16/04/2020
“Bát nháo” thị trường đồng hồ (Bài 1): “Vàng thau lẫn lộn”
04:30, 28/05/2020
“Bát nháo” thị trường đồng hồ (Bài 2): Tuyệt chiêu phù phép biến "giả" thành "thật"
11:58, 30/05/2020
“Bát nháo” thị trường đồng hồ (Bài 3): Nguy cơ ung thư vì hàng nhái
07:50, 31/05/2020
“Bát nháo” thị trường đồng hồ (Bài cuối): Cần chế tài đủ mạnh để “răn đe”
06:54, 06/06/2020