Lời giải cho bài toán chống hàng giả, hàng nhập lậu
Không chỉ gây thất thu ngân sách, ảnh hưởng đến người tiêu dùng, vấn nạn hàng giả, hàng nhập lậu còn gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh, sản xuất của các doanh nghiệp chân chính…
Mặc dù có nhiều tín hiệu tích cực trong nhiều năm trở lại đây, tuy nhiên, bài toán chống hàng giả, hàng nhái và gian lận thương mại luôn được dư luận đặc biệt quan tâm khi các vi phạm còn diễn biến phức tạp và chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”. Xoay quanh vấn đề này, Tọa đàm “Hàng giả, hàng nhập lậu và gian lận thương mại - Thực trạng và giải pháp” đã đưa ra một phần lời giải cho bài toán tồn tại bấy lâu nay.
Thất thu cho Nhà nước, thiệt hại cho doanh nghiệp
Phát biểu tại Tọa đàm, bà Julian – Đại diện của Tập đoàn JTI cho biết, hành vi buôn lậu ảnh hưởng rất lớn đến ngân sách Nhà nước và gây thiệt hại về mặt thu nhập của các doanh nghiệp làm ăn chân chính, làm giảm khả năng cạnh tranh quốc tế.
Thực tế, theo ông Nguyễn Triết - Tổng thư ký Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, thời gian vừa qua, khi các đường biên giới của Việt Nam được kiểm soát tốt phục vụ công tác phòng chống dịch, tình trạng buôn lậu thuốc lá cũng đã giảm đi, các doanh nghiệp trong ngành dù chịu nhiều tác động của dịch bệnh COVID-19 nhưng vẫn có tăng trưởng từ 6-8%, nộp ngân sách Nhà nước hàng ngàn tỷ đồng mỗi tháng.
Là một trong những doanh nghiệp đã chịu nhiều thiệt hại về hàng giả, hàng lậu, ông Hứa Quang Vinh – Trưởng ban thị trường hàng giả, hàng nhái Công ty cổ phần nhựa Tiền Phong cũng chia sẻ, thực tế hiện nay, các vi phạm diễn ra hết sức tinh vi, những sản phẩm giả được sản xuất của một số đối tượng, cơ sở sản xuất trong nước thì sản phẩm làm giả còn được đặt hàng từ bên kia biên giới chuyển về qua đường tiểu ngạch gây khó cho công tác đấu tranh và phòng chống.
Bên cạnh đó, cũng theo ông Vinh một trong những nguyên nhân dẫn đến hiện trạng hàng giả, hàng lậu còn tồn tại xuất phát từ các chế tài xử lý chưa đảm bảo tính răn đe, một bộ phận lực lượng chức năng còn chưa nghiêm túc trong thực thi nhiệm vụ, có dấu hiệu bảo kê, bao che cho sai phạm dẫn đến thiệt hại cho doanh nghiệp.
Đồng bộ thể chế, chính sách
Liên quan đến thực trạng phòng chống hàng giả, hàng lậu, Bà Đỗ Thị Minh Thủy – Đại diện Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia cho rằng, hiện nay các cơ quan quản lý, các lực lượng chức năng vẫn gặp khó về mặt pháp lý, vì vậy để chống hàng giả, hàng lậu, gian lận thương mại cần hoàn thiện về mặt pháp lý cho phù hợp thực tiễn, đặc biệt là các quy định về xuất xứ hàng hóa, và cần có những hướng dẫn chi tiết về thế nào là hàng hóa made in Việt Nam…
Theo bà Thủy, ngoài việc hoàn thiện thể chế, chế tài thì cũng cần có sự phối hợp nhiều hơn từ cộng đồng doanh nghiệp bởi vai trò của các doanh nghiệp trong công tác này hết sức quan trọng trong việc đánh giá và nhận biết về sản phẩm vi phạm.
Đồng tình với ý kiến của bà Thủy, ông Nguyễn Xuân Khương – Đại diện Cục phòng chống buôn lậu Tổng cục Hải quan cũng đánh giá, việc hoàn thiện chính sách là giải pháp căn cơ phù hợp thực tế hiện nay.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Hứa Quang Vinh – Trưởng ban thị trường hàng giả, hàng nhái Công ty cổ phần nhựa Tiền Phong cũng kiến nghị, quá trình hoàn thiện chính sách, các cơ quan quản lý, cơ quan chức năng cần xem xét nâng chế tài xử lý đối với các vi phạm, tránh để các đối tượng vi phạm lợi dụng kẽ hở của pháp luật.
Bên cạnh đó, cũng theo ông Vinh, các cơ quan chức năng cũng cần xây dựng các quy định rõ rằng về vi phạm quyền nhãn hiệu, tránh để doanh nghiệp rơi vào tình trạng khó bảo vệ thương hiệu, mất thời gian và tiền bạc trong quá trình đấu tranh phòng, chống, hàng giả, hàng lậu.
Chia sẻ tại buổi Tọa đàm, ông Nguyễn Đăng Sinh – Chủ tịch Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam cũng góp ý, để có được sự phối hợp đạt được kết quả tốt trong công tác chống hàng giả, hàng lậu thì bên cạnh việc hoàn thiện chính sách, công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng với doanh nghiệp cũng cần được cải thiện theo hướng thực chất hơn, tránh để trường hợp doanh nghiệp mất niềm tin, ngại tiếp xúc.
Có thể bạn quan tâm
Lời giải chống hàng giả, hàng lậu
20:50, 28/10/2021
Hoàn thiện pháp lý để đấu tranh với hàng giả, hàng lậu
17:00, 28/10/2021
Chống hàng giả, hàng lậu doanh nghiệp quan ngại chế tài chưa đủ mạnh
16:00, 28/10/2021
[TRỰC TIẾP] Tọa đàm “Hàng giả, hàng nhập lậu và gian lận thương mại: Thực trạng và giải pháp"
12:30, 28/10/2021
Hàng giả, hàng nhái vẫn chưa... “hạ nhiệt”
11:04, 28/10/2021