Nan giải chống hàng giả hàng nhái trên sàn thương mại điện tử
Mặc dù có tốc độ tăng trưởng nhanh, tạo xung lực cho phục hồi và phát triển kinh tế, thế nhưng, các sàn thương mại điện tử vẫn còn đó nhiều quan ngại, đặc biệt là vấn đề hàng giả, hàng nhái…
>>“Lỗ hổng” thương mại điện tử
Được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh trong năm 2022 khi người dân và doanh nghiệp đã thích nghi với hình thức mua bán trực tuyến. Tuy nhiên, chính sự bùng nổ của các sàn thương mại điện tử lại đang đặt ra nhiều quan ngại về vấn nạn hàng giả, hàng nhái.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trên không gian mạng được thực hiện dưới nhiều phương thức, thủ đoạn xâm phạm trực tiếp đến trật tự quản lý hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa; xâm phạm quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân…
Các hành vi vi phạm pháp luật có tính ẩn danh rất cao, dễ giả mạo, thay đổi che giấu nhân thân lý lịch người thực hiện; dễ tẩy xóa, sửa chữa, thay đổi dấu vết, chứng cứ để che giấu hành vi phạm tội, đối phó với cơ quan chức năng, không phân biệt ranh giới, khu vực. Đối tượng có thể ở tại vị trí này để hoạt động buôn lậu, buôn bán hàng giả, gian lận thương mại ở một vị trí khác.
>>Năm 2021, phát hiện, xử lý hơn 40.000 vụ vi phạm hàng giả, hàng nhái
Cùng với đó, tình trạng kinh doanh, buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng công khai trên các trang website thương mại điện tử, đặc biệt các sàn giao dịch thương mại điện tử,... luôn tiềm ẩn những gây ảnh hưởng nghiêm trọng, đe dọa đến môi trường kinh doanh và niềm tin của người tiêu dùng.
Thực tế, để chủ động phát hiện, đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm, góp phần làm trong sạch môi trường kinh doanh, tạo điều kiện cho thương mại phát triển bền vững, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã ban hành Kế hoạch tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử.
Và Bộ Công Thương đã tập trung chỉ đạo, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động thương mại điện tử, trong đó, ngày 25/9/2021, đơn vị này đã xây dựng, tham mưu, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 85/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về hoạt động thương mại điện tử.
Bên cạnh nhiều quy định mới về quản lý hoạt động thương mại điện tử nói chung, Nghị định số 85/2021/NĐ-CP đã bổ sung một số quy định mới nhằm tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi mua bán hàng hóa, dịch vụ thông qua thương mại điện tử. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ như: Tổng cục quản lý thị trường, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Cục Quản lý cạnh tranh phối hợp chặt chẽ với các lực lượng khác được giao nhiệm vụ phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên không gian mạng như Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu - Bộ Công An và Công an các địa phương; các cơ quan quản lý Thuế, Hải quan – Bộ Tài chính.
Bước đầu, công tác đấu tranh đã có những kết quả tích cực khi theo số liệu thống kê của Tổng cục Quản lý thị trường tính đến tháng 10/2021, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã thực hiện kiểm tra gần 2.500 vụ việc, phát hiện, xử lý trên 2.300 vụ vi phạm (bao gồm hành vi vi phạm về thương mại điện tử và các hành vi lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng hoá nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả), xử phạt trên 18 tỷ đồng.
Và Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương cũng đã phối hợp cung cấp thông tin cho Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Công an các địa phương: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Thanh Hóa, Quảng Bình, Đắc Nông, Hải phòng, Phú Thọ, Lạng Sơn, trên 300 trường hợp có dấu hiệu vi phạm liên quan tới hoạt động các website, ứng dụng thương mại điện tử. Đồng thời, kiến nghị các sàn thương mại điện tử gỡ bỏ trên 14.000 sản phẩm và trên 4.300 gian hàng vi phạm.
Thế nhưng, theo các chuyên gia, công tác đấu tranh chống hàng giả hàng nhái trên các sàn thương mại điện tử vẫn là bài toán vô cùng nan giải và đầy thách thức.
Thông tin với báo chí, ông Lê Đức Anh - Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công thương) cho rằng, để phòng ngừa vi phạm, hiện nay tất cả các sàn thương mại điện tử khi đăng ký website thương mại điện tử với Bộ Công Thương đều phải có chứng minh nhân dân/căn cước công dân hoặc mã số thuế. Tuy nhiên, số lượng người bán lẻ trên các sàn thương mại điện tử sử dụng chứng minh nhân dân/căn cước công dân giả rất nhiều.
“Cục thương mại điện tử và Kinh tế số đang đề xuất phương án và đã tiến hành ký thỏa thuận hợp tác với Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng dữ liệu dân cư và căn cước công dân (Bộ Công an) nhằm hợp tác triển khai ứng dụng liên quan đến công nghệ để có thể định danh một chủ thể khi tham gia bán hàng trên sàn thương mại điện tử. Từ đó, từng bước kiểm soát, ngăn chặn, xử lý kịp thời những đối tượng kinh doanh hàng giả, hàng nhái trên các sàn thương mại điện tử”, ông Lê Đức Anh khẳng định.
Có thể bạn quan tâm
Lời giải cho bài toán chống hàng giả, hàng nhập lậu
11:00, 30/10/2021
Chống hàng giả, hàng lậu doanh nghiệp quan ngại chế tài chưa đủ mạnh
16:00, 28/10/2021
Chuyển biến tích cực trong công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái
04:20, 15/02/2021
DIỄN ĐÀN PHÁP LUẬT TUẦN TỪ 4-9/1: Chống hàng giả cần… “người thật”!
15:00, 10/01/2021
Chống hàng giả cần… “người thật”!
04:30, 06/01/2021