Quý I/2022, hơn 29.000 vụ gian lận thương mại, thuế bị phát hiện, xử lý
Thông tin từ Ban chỉ đạo 389 quốc gia, trong Quý I/2022 lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, xử lý 33.801 vụ việc vi phạm, trong đó, có 29.296 vụ gian lận thương mại, thuế…
>> Năm 2021, phát hiện, xử lý hơn 40.000 vụ vi phạm hàng giả, hàng nhái
Cụ thể, Ban chỉ đạo 389 quốc gia cho biết, trong Quý I lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, xử lý 33.801 vụ việc vi phạm, trong đó, có 29.296 vụ gian lận thương mại, gian lận thuế (giảm 44,86% so với cùng kỳ năm trước), thu nộp ngân sách Nhà nước 1.917 tỷ đồng (tăng 39,78% so với cùng kỳ năm trước).
Theo Ban chỉ đạo 389 quốc gia, quý I trùng với thời điểm trước trong và sau Tết cũng như dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, việc kiểm soát phòng chống dịch tại tuyến biên giới, cửa khẩu đường bộ chặt chẽ. Đồng thời, tuyến biên giới đất liền Việt-Trung, phía Trung Quốc xây dựng tường ngăn biên giới nên hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả hình thức mang vác, vận chuyển nhỏ lẻ hàng lậu qua biên giới… có chiều hướng giảm mạnh.
Tuy nhiên, các đối tượng chuyển sang lợi dụng hình thức xuất, nhập khẩu chính ngạch như tạm nhập, tái xuất… để buôn lậu hàng hóa với quy mô lớn hơn.
Trong đó, lợi dụng sự thông thoáng trong thủ tục hải quan điện tử và chính sách hậu kiểm, các đối tượng không khai báo, khai báo gian dối không đúng số lượng, chủng loại, trị giá hàng hóa, các đối tượng thực hiện che giấu nguồn gốc, tuyến đường của lô hàng, phá niêm phong tẩu tán hàng trên đường vận chuyển, nhập khẩu hàng hóa không đáp ứng điều kiện tiêu chuẩn, quy chuẩn.
Hàng hóa vi phạm chủ yếu là hàng tiêu dùng thiết yếu, thực phẩm đông lạnh diễn ra tại Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Bình, Quảng Trị. Thuốc lá ngoại nhập lậu, rượu, bia, đường cát, sữa, hàng tạp hóa, vàng, ngoại tệ… diễn ra phức tạp tại các tỉnh Quảng Trị, Tây Ninh, Long An, An Giang, Kiên Giang…
Tại thị trường nội địa, lợi dụng dịch bệnh và nhu cầu tâm lý phòng chống dịch COVID-19, vi phạm đối với nhóm hàng sinh phẩm, thiết bị, vật tư y tế phục vụ phòng chống dịch diễn ra phức tạp. Khi bị lực lượng chức năng phát hiện, xử lý, các loại sản phẩm này đều không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng, không được phép lưu hành hoặc chưa đăng ký bản công bố tại cơ quan có thẩm quyền.
Bên cạnh đó, một số đối tượng còn lợi dụng tình hình khan hiếm hàng trên thị trường để găm hàng hoặc mua gom hàng hóa sau đó bán tăng giá bất hợp lý. Mặt hàng vi phạm chủ yếu là khẩu trang, que test COVID-19, các loại thuốc điều trị COVID-19…
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới, Ban chỉ đạo 389 quốc gia đề nghị, Ban chỉ đạo 389 các bộ, ngành thành viên, lực lượng chức năng xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra, điều tra phát hiện xử lý nghiêm mọi hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Cùng với đó, tập trung lực lượng, phương tiện, biện pháp đánh trúng, đánh trúng đối tượng chủ mưu, cầm đầu đường dây ổ nhóm tụ điểm phức tạp nhằm răn đe và phòng ngừa chung.
Có thể bạn quan tâm
Chống hàng giả trên thương mại điện tử: Cần nâng cao vai trò của chủ sàn
04:10, 10/05/2022
Chống hàng giả: Truyền thông không bằng… “truyền miệng”
03:00, 10/05/2022
Chống hàng giả trên thương mại điện tử: Tăng trách nhiệm của chủ sàn
04:00, 27/02/2022
Nan giải chống hàng giả hàng nhái trên sàn thương mại điện tử
04:00, 26/02/2022
Lời giải cho bài toán chống hàng giả, hàng nhập lậu
11:00, 30/10/2021