Lãnh đạo chuyển đổi với 3R
Khái niệm lãnh đạo chuyển đổi được hiểu là khả năng thu hút, tạo ảnh hưởng tích cực để hướng đội ngũ thực hiện mục tiêu và tầm nhìn chiến lược đặt ra.
>>Năng lực cạnh tranh toàn cầu bắt đầu từ tư duy lãnh đạo
Lãnh đạo chuyển đổi nổi bật với 4 đặc điểm, theo Bass và Avolio (1994): Xây dựng hình mẫu lãnh đạo tạo ảnh hưởng, Truyền cảm hứng hướng mục tiêu và tầm nhìn cho đội ngũ, khuyến khích sự đổi mới phát triển từ bên trong, huấn luyện và phát triển tri thức cá nhân và trí tuệ tổ chức.
Trong đó, hình mẫu tạo ảnh hưởng hướng đến lãnh đạo làm gương, thể hiện giá trị của công ty để nhân sự có thể noi theo. Truyền cảm hứng hướng tới mục tiêu tập trung vào khả năng tạo động lực và truyền tải những định hướng rõ ràng đến đội ngũ. Khuyến khích sự đổi mới đề cao sự trao quyền để các cá nhân đóng góp ý kiến và tạo ra không gian để sáng tạo phục vụ công việc. Huấn luyện và phát triển cá nhân thể hiện sự cam kết của lãnh đạo trong nâng cao năng lực đội ngũ thông qua các chương trình, chính sách.
Khung lý thuyết về lãnh đạo chuyển đổi đưa ra cái nhìn mang tính định hướng chung về chủ đề này. Tuy vậy, từ bối cảnh và các thách thức thực tiễn đang đặt ra, khái niệm lãnh đạo chuyển dổi cần được mở rộng theo mô hình 3R dưới đây, nhằm tạo ra một giao diện chuyển đổi rộng hơn từ chuyển đổi nhận thức lãnh đạo, mô hình kinh doanh, và văn hóa tổ chức, giúp doanh nghiệp thích ứng tốt với bối cảnh VUCA.
Thứ nhất, Reframing - Tái nhận thức vai trò.Các nhà lãnh đạo cần thay đổi nhận thức về vai trò và mô hình tư duy để dẫn dắt tổ chức phát triển dựa trên giá trị cốt lõi và trụ cột khách hàng. Vai trò chuyển đổi từ kiểm soát, quản lý và khai thác sang dẫn dắt, phát triển và quy tụ nhân lực hướng đến mục tiêu. Trong nền kinh tế chuyển đổi và có sự ổn định cao, tư duy khai thác kinh doanh, tận dụng nguồn nhân lực tạo ra thành quả ngay. Nhưng trong bối cảnh VUCA và kỷ nguyên số hóa, sự phát triển nằm ở tri thức con người trong tổ chức và tốc độ thích ứng gắn với đổi mới.
Thứ hai, Reshaping - Tái xác lập mô hình kinh doanh. Công nghệ phát triển gắn với xu thế chuyển đổi số, nhà lãnh đạo đánh giá và phát triển mô hình kinh doanh để nâng cao hiệu quả hoạt động tổ chức. Mô hình kinh doanh đảm bảo tận dụng được các nguồn lực trong tổ chức, gắn thế mạnh cốt lõi, theo sát vấn đề của khách hàng và áp dụng công nghệ phù hợp. Điều quan trọng là các nhà lãnh đạo cần nhìn nhận thực tế và sẵn sàng thay đổi để xây dựng mô hình kinh doanh hiệu quả. Doanh nghiệp chuyển từ tối ưu hóa sản xuất kinh doanh sang định hướng khách hang, dựa trên công nghệ, lấy đội ngũ nhân sự là trung tâm.
Thứ ba, Reinventing - Tái tạo văn hóa doanh nghiệp. Đầu tư phát triển văn hóa đề cao sự phối hợp, gắn kết, tạo môi trường lành mạnh để nhân sự tăng trưởng năng lực, không gian để đổi mới và học hỏi liên tục. Văn hóa thúc đẩy đội ngũ, xây dựng thói quen sẵn sàng thay đổi, thích ứng và làm chủ công nghệ. Môi trường biến động, văn hóa càng vững vàng để giữ cho các thành viên gắn kết với công ty trong hệ giá trị chung, cùng nhau phát triển. Đây cũng là giá trị lan tỏa để thu hút nhân tài cho tổ chức. Văn hóa tổ chức trong kỷ nguyên số đề cao tính trao quyền, phát triển các kỹ năng tư duy sáng tạo, kỹ năng phối hợp, gắn với data, đồng thời đề cao tính nhân bản trong tổ chức.
>>Dịch chuyển tư duy lãnh đạo
Động lực chuyển đổi
Từ khóa VUCA đã được Warren Bennis, một chuyên gia hàng đầu về lãnh đạo và chiến lược đề cập trong một cuốn sách của ông từ năm 1989. Nhưng phải đến vài năm trở lại đây từ khóa VUCA (đặc trưng bởi sự Biến động (Volatility), Không chắc chắn (Uncertainty), Phức tạp (Complexity) và Mơ hồ (Ambiguity) mới trở thành từ cửa miệng với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp trên toàn cầu, để nói về những thách thức bất lường, bất ổn, bất định đang đặt ra với các tổ chức và doanh nghiệp.
Trải qua khoảng thời gian 2 năm đại dịch, doanh nghiệp nhìn nhận thấy sự thay đổi thị trường và chuỗi cung ứng. Tác động thứ nhất và lớn nhất là sự thay đổi trong hành vi của khách hàng với doanh nghiệp.
Thứ hai, đại dịch COVID-19 cũng được coi là sự kiện “thiên nga đen” trước những tác động của nó đến nền kinh tế thế giới. Điều này đặt ra nhiệm vụ cho các nhà lãnh đạo duy trì sẵn sàng nâng cao khả năng quản trị rủi ro, quản trị khủng hoảng bởi sự kiện “thiên nga đen” khác có thể xảy đến bất kỳ lúc nào.
Thứ ba, đặt trong diễn biến trên thế giới, xung đột chính trị của Nga và Ukraine tác động lớn đến giá dầu, nguyên vật liệu và lương thực. Các nhà lãnh đạo sẽ đối mặt với vấn đề gia tăng chi phí, đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên vật liệu và sự chậm trễ trong thanh toán từ những tác động của sự kiện chính trị này.
Thứ tư, chuyển đổi số không còn là lựa chọn mà là xu thế bắt buộc với doanh nghiệp trong chặng đường phát triển. Đồng thời, phát triển văn hóa doanh nghiệp mới gắn với tư duy công nghệ, thích ứng nhanh và khuyến khích sự đổi mới.
Thứ năm, thực tế, lực lượng lao động thế hệ mới, nhân lực Gen Z đang có mức độ cam kết thấp, doanh nghiệp rất khó khăn trong phát triển nguồn nhân lực tri thức và cam kết.
Những thách thức trên phản ánh bức tranh nền kinh tế biến động. Thách thức này đòi hỏi các nhà lãnh đạo cần có sự cam kết, chuyển đổi và phát triển năng lực mạnh mẽ để dẫn dắt doanh nghiệp tăng trưởng. Sự chuyển đổi là khó khăn khi phải thay đổi thói quen và tư duy nhưng là cần thiết, như là bước tiến trong năng lực của nhà lãnh đạo.
Có thể bạn quan tâm