4 khuyến nghị thu hút đầu tư hiệu quả vào Cần Giờ
Việc thu hút các nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước nhằm phát triển kinh tế Cần Giờ phù hợp với định hướng, chiến lược phát triển kinh tế vùng biển, ven biển và kinh tế - xã hội của TP. HCM.
>>>8 giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch gắn với OCOP tại Cần Giờ
Ông Trần Quốc Thắng - Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn thuế Deloitte Việt Nam.
Nhằm triển khai Chỉ thị 14/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư nước ngoài phù hợp với định hướng phát triển kinh tế vùng biển và biển nói chung và phát triển kinh tế xanh và bền vững tại huyện Cần Giờ trong giai đoạn mới nói riêng, dưới đây là một số khuyến nghị cụ thể góp phần thu hút đầu tư hiệu quả vào địa phương này.
Thứ nhất, thu hút phát triển cơ sở hạ tầng xanh và hiện đại: Ưu tiên đẩy mạnh hoạt động quảng bá thu hút nhà đầu tư chiến lược phát triển cảng trung chuyển quốc tế. Đây được xem như nhiệm vụ hàng đầu trong hoạt động thu hút đầu tư.
Nghiên cứu xây dựng chính sách ưu đãi đặc thù đối với dự án đầu tư đặc biệt, đổi mới sáng tạo phát triển du lịch sinh thái, khu nghĩ dưỡng gắn liền với thiên nhiên; Xem xét chính sách ưu đãi thuế đặc biệt thu hút nhà đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp phức hợp xanh, hiện đại bao gồm các tiện ích nhà ở, trung tâm thương mại, dịch vụ y tế, giáo dục nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động đến làm việc và sinh sống tại địa phương;
Nghiên cứu đề án xây dựng khu chế xuất đáp ứng yêu cầu của nền công nghiệp hiện đại tại huyện Cần Giờ, tạo lợi thế về các chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế xuất nhập khẩu, thuế đất đặc thù cho nhà đầu tư nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất xuất khẩu.
Trên thực tế, một số dự án đầu tư ở các Khu công nghiệp và Khu chế xuất hiện hữu tại TP.HCM đã đi vào hoạt động được 2/3 thời gian dự án, đang áp dụng máy móc thiết bị lạc hậu, ảnh hưởng đến môi trường nhưng nhà đầu tư có xu hướng không thay thế, nâng cấp máy móc thiết bị cho đến khi hết thời gian hoạt động của dự án. Do đó, việc đầu tư xây dựng mới khu công nghiệp, khu chế xuất xanh và hiện đại trong thời điểm hiện tại là cần thiết và thuận lợi cho nhà đầu tư lên kế hoạch chuyển đổi hoạt động sản xuất kinh doanh trong tương lai.
Thứ hai, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao: Nghiên cứu, xây dựng chính sách ưu đãi thuế thu nhập cá nhân cho các chuyên gia trong và ngoài nước làm việc và tham gia đào tạo nguồn nhân lực tại địa phương để mở rộng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho các ngành mũi nhọn của địa phương như: chuyên gia trực tiếp tham gia vận hành, ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp, nuôi trồng, chế biến thủy, hải sản; chuyên gia trực tiếp tham gia hoạt động giám sát, hỗ trợ kỹ thuật, vận hành dự án năng lượng tái tạo…
Thứ ba, thu hút hoạt động đầu tư và thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ: Thực tế đã cho thấy, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ đã đóng góp vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế, cũng như ổn định xã hội, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Bên cạnh triển khai các hoạt động thu hút đầu tư chiến lược phát triển kinh tế bền vững trong dài hạn, trong thời gian ngắn hạn, cơ quan quản lý địa phương phối hợp với công đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ và các đơn vị tư vấn chuyên nghiệp nghiên cứu xây dựng các chương trình hành động khuyến khích hộ cá nhân kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp.
Truyền thông, quảng bá các quy định hiện hành về Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng với cập nhật Dự thảo chính sách ưu đãi thuế áp dụng cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ để giúp cơ sở kinh doanh địa phương nắm bắt và phát huy các lợi thế cạnh tranh trong việc chuyên môn hóa dich vụ hỗ trợ phát triển du lịch, hoạt động nuôi trồng chế biến thủy sản.
Thứ tư, một số chính sách ưu đãi và chương trình hành động cần được xem xét khác: Xem xét áp dụng chính sách miễn, giảm thuế nhà thầu đối với hoạt động chuyển giao quyền sử dụng sản phẩm sở hữu trí tuệ gắn liền với hoạt dộng nghiên cứu, khảo sát, thiết kế công trình xây dựng năng lượng tái tạo để thúc đẩy vai trò của các doanh nghiệp Việt Nam trở thành nhà thầu chính trong dự án sản xuất năng lượng tái tạo. Qua đó, góp phần đẩy mạnh tính tự chủ trong hoạt động sản xuất năng lượng tái tạo nhằm cung cấp nguồn năng lượng ổn định cho hoạt động sản xuất trong khu vực Cần Giờ và địa bàn TP.HCM nói chung.
Có thể bạn quan tâm
8 giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch gắn với OCOP tại Cần Giờ
07:29, 19/08/2023
Cần Giờ: Hướng tới đô thị sinh thái ven biển
01:39, 17/08/2023
TP.HCM: Quyết tâm xây dựng huyện Cần Giờ xanh, phát triển bền vững
12:42, 16/08/2023
Hình thành cụm cảng Cái Mép - Cần Giờ
14:59, 18/05/2023
ĐIỂM BÁO NGÀY 17/05: Hình thành cụm cảng Cái Mép - Cần Giờ
03:18, 17/05/2023