Tại Hội thảo “Cần Giờ xanh – Hướng tới đô thị sinh thái ven biển”, các chuyên gia và nhà khoa học đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm phát triển huyện Cần Giờ thành một đô thị sinh thái ven biển.
>>>TP.HCM: Quyết tâm xây dựng huyện Cần Giờ xanh, phát triển bền vững
Tham luận về Chiến lược và giải pháp phát triển hệ thống giao thông xanh trên địa bàn huyện Cần Giờ, PGS.TS Vũ Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu GTVT Việt Đức, Trường Đại học Việt Đức cho rằng, huyện Cần Giờ nên hướng đến mục tiêu phát triển giao thông xanh. Trong đó, TP.HCM tổ chức làn đường ưu tiên cho xe buýt, phương tiện phát thải thấp trên các trục đường chính đô thị, tuyến đường kết nối Cần Giờ và trung tâm TP.HCM.
Ngoài ra, ông đề xuất hạn chế các phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trên địa bàn huyện theo khu vực, theo giờ, theo hành lang. Quản lý đỗ xe tại các trung tâm đô thị, tổ chức các bãi giữ xe tại các điểm ngõ Park – and – Ride, chuyển đổi sang sử dụng giao thông công cộng...
Để khuyến khích người dân sử dụng phương tiện phát thải thấp, ông đề xuất cần hỗ trợ lãi vay ưu đãi cho người dân khi chuyển đổi sang xe điện; cung cấp vé đi xe buýt miễn phí cho các đối tượng ưu tiên trên địa bàn; lắp đặt các trạm sạc xe điện miễn phi cho người dân và du khách; hỗ trợ các doanh nghiệp vận tải cung cấp dịch vụ giao thông công cộng tại các khu du lịch, khu đô thị, giảm chi phí thuê bến bãi, hỗ trợ lắp đặt trạm sạc, trợ già cho doanh nghiệp.
PGS.TS Nguyễn Hồng Quân – Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tuần hoàn, Đại học Quốc gia TP.HCM cho rằng, Cần Giờ có nhiều tiềm năng để ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn. Theo ông, kinh tế tuần hoàn đóng góp trực tiếp 9/17 mục tiêu phát triển bền vững.
PGS.TS Nguyễn Hồng Quân cũng nêu một số ví dụ về mô hình kinh tế tuần hoàn tại các địa phương trên thế giới cũng như ở Việt Nam như: Rotterdam của Hà Lan; Thâm Quyến của Trung Quốc hay Côn Đảo – Bà Rịa – Vũng Tàu của Việt Nam. Đồng thời, ông cũng chỉ ra 6 chiến lược kinh tế tuần hoàn bao gồm: Du lịch xanh, Nâng cao nhận thức; Giảm rác thải nhựa; Tuần hoàn nước; Bảo tồn đa dạng sinh học và Năng lượng, giao thông xanh.
Từ đó, PGS.TS Nguyễn Hồng Quân đề xuất mô hình kinh tế tuần hoàn tại huyện Cần Giờ về các lĩnh vực: Nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản; Du lịch xanh và bền vững; Năng lượng tái tạo; Nông nghiệp, thực phẩm, chăm sóc sức khỏe; Khoa học cộng đồng; Đô thị thông minh; Gắn kết cộng đồng; Giám sát cộng đồng.
“Kinh tế tuần hoàn là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, là xu thế tất yếu của thế giới. Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế tuần hoàn gắn với phát triển kinh tế một cách bền vững. Khả năng lồng ghép kinh tế tuần hoàn vào Quy hoạch vùng/địa phương, kế hoạch tăng trưởng xanh đang triển khai thực hiện và cũng đã xuất hiện sự quan tâm, đầu tư của các doanh nghiệp lớn, các nguồn tài chính xanh”, PGS.TS Nguyễn Hồng Quân chia sẻ.
Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Ngọc Vinh - Viện Nghiên cứu Kinh tế phát triển, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM nhận định, kinh tế biển là động lực mới cho sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện Cần Giờ. Theo ông, huyện Cần Giờ có thể tận dụng bốn lợi thế vốn có như những giá trị cốt lõi đó là huyện ven biển duy nhất của TP.HCM, tài nguyên thiên nhiên nguyên sơ và các khu du lịch sinh thái, là vùng đất giàu văn hóa và lịch sử, có khí hậu lý tưởng với môi trường trong lành.
Trên cơ sở đó, Cần Giờ có thể lựa chọn để trở thành trung tâm kinh tế biển hiện đại, đổi mới của Việt Nam và khu vực; điểm đến du lịch ven biển độc đáo và sôi động; huyện đảo dân cư gần ngay TP.HCM; huyện đảo kiểu mẫu về phát triển bền vững.
Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, định hướng phát triển huyện Cần Giờ cần có tầm nhìn đa chiều, dài hạn và đặt trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra rất nhanh. Bên cạnh đó, cần có giải pháp để tháo gỡ các điểm nghẽn làm hạn chế sự phát triển của huyện Cần Giờ thời gian qua như kết nối giao thông đường bộ hạn chế; chậm triển khai các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế-xã hội dẫn tới hệ lụy giảm dần cơ hội và giảm tính cạnh tranh.
“Định hướng chiến lược phát triển huyện Cần Giờ cần chọn du lịch làm kinh tế mũi nhọn; phát triển các khu đô thị lấn biển kết hợp với du lịch, dịch vụ và thương mại. Song song đó, huyện Cần Giờ đẩy mạnh khai thác tiềm năng điện gió, điện mặt trời; thúc đẩy hoàn thành dự án cảng trung chuyển và kết nối giao thông để phá vỡ thế ốc đảo hiện tại”, PGS.TS Nguyễn Ngọc Vinh kiến nghị.
Cũng nói về Kinh tế biển, TS.Trần Du Lịch - Ủy viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia cho rằng, huyện Cần Giờ có thế mạnh ở 3 trụ cột, đó là: du lịch và dịch vụ biển; kinh tế hàng hải, trong đó điểm nhấn là cảng biển trung chuyển quốc tế Cần Giờ; năng lượng tái tạo.
TS.Trần Du Lịch kiến nghị, những ý tưởng trên phải được tích hợp vào quy hoạch chung của TP.HCM. Cùng với đó là khi triển khai xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ phải chú trọng đến nguồn nhân lực, nhà ở, hậu cần cảng biển để đáp ứng cho hoạt động của cảng biển.
Ông cho rằng, giữa hai cảng Cái Mép - Thị Vải và cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ không tách biệt nhau, mà hình thành tổng thể kết nối giao thông liên vùng với nhau để phát triển vì lợi ích quốc gia.
TS.Trần Du Lịch cũng kiến nghị, TP.HCM nghiên cứu ngay mô hình các làng ở nông thôn theo mô hình TOD (phát triển đô thị gắn với giao thông công cộng) ngay tại huyện Cần Giờ với triết lý giao thông công cộng, giao thông xanh.
“Huyện Cần Giờ cũng làm mẫu việc chuyển đổi sang phương tiện giao thông giảm phát thải và xây dựng huyện không còn rác thải nhựa, không còn bãi chôn lấp rác thải mà phải có nhà máy xử lý rác phát điện, xử lý rác bằng công nghệ vi sinh vật”, TS.Trần Du Lịch kiến nghị.
Có thể bạn quan tâm
TP.HCM: Quyết tâm xây dựng huyện Cần Giờ xanh, phát triển bền vững
12:42, 16/08/2023
TP.HCM đề xuất hỗ trợ không hoàn lại với dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
01:55, 16/08/2023
TP.HCM đồng hành và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài
11:43, 15/08/2023
TP.HCM yêu cầu rà soát dự án gần 2.000 tỷ đồng "đắp chiếu" trên đất vàng
13:52, 09/08/2023