Doanh nhân - nhà giáo dục gia đình
Trao truyền giá trị cá nhân là một trong những hành động giáo dục tốt nhất người doanh nhân có thể làm cho con mình trong những năm tháng ấu thơ.
>>Tái tạo và kế nghiệp
Với mong muốn con cái thành công và hạnh phúc song hành với thành công trong sự nghiệp của chính mình, chúng ta hoàn toàn có thể vào vai người cha người mẹ một cách hiển hiện nhất, uyển chuyển nhất, dào dạt tình yêu nhất.
Trong một ca tham vấn gần đây với một doanh nhân thành đạt, tôi đã được nghe một nỗi niềm đau đáu của anh: “Khi còn trẻ tôi đã mơ ước các con tôi lớn lên trong một ngôi nhà đẹp chứ không phải là trong căn hộ chật chội như bố nó, chúng sẽ được học ở những ngôi trường chất lượng, chúng sẽ mặc sức theo đuổi đam mê chứ không phải lo về tài chính. Những ước mơ này là nguồn động lực to lớn thúc đẩy tôi phải thành công. Say sưa theo đuổi những khát khao này, tôi lao vào công việc và thường xa nhà khoảng 250 đến 300 ngày một năm.
Giờ đây, tôi thành công rồi, con cái, đứa đã đi làm, đứa còn ở tuổi teen, tôi cứ thấy có gì đó cồm cộm ở trong tim mình. Các con tôi được đầy đủ vật chất nhưng chúng đứt kết nối với cha. Tôi luôn cảm thấy có khoảng cách vô hình nào đó giữa cha con tôi, dù chúng là những đứa con ngoan.
Nhầm lẫn thứ tự ưu tiên vào những ngày đầu làm bố khiến tôi trả giá đắt như vậy. Nếu như ngày con tôi còn thơ ấu, tôi dành cho chúng nhiều thời gian hơn, quan sát, trò chuyện, chơi cùng, để hiểu chúng nhiều hơn, để biết yêu thương chúng theo cách mà chúng nhận được nhiều hơn. Giá như khi đó tôi biết cân đối, lựa chọn ưu tiên cho những người quan trọng trong đời, tôi vẫn có thể thành công ở mức độ không bằng bây giờ, nhưng con tôi đã có được tuổi thơ tươi đẹp bên bố của chúng.”
Bạn thân mến, bạn có cùng những băn khoăn với vị doanh nhân trên không?
Đã có rất nhiều bậc cha mẹ, khi con cái vào tuổi dậy thì, khi chúng vướng vào những rắc rối, khi buộc phải có mặt để chịu trách nhiệm về hậu quả con cái gây ra, họ mới bừng tỉnh và hối tiếc.
Thực tế, có rất nhiều người làm kinh doanh có tiếng tăm, địa vị xã hội, được trọng vọng ở bên ngoài gia đình lại không làm tốt vai trò cha mẹ. Họ lăn lộn ở thương trường, họ làm việc hoặc gặp đối tác đến tận đêm khuya. Về nhà ăn tối cùng các con là chuyện hiếm.
Vì quá bận công việc, nhiều bố mẹ khoán trắng cho người làm tin cậy đã ở lâu với gia đình. Thỉnh thoảng họ vẫn đưa con đi nghỉ vài ngày, nhưng khi chúng lớn, chúng không còn muốn đi chơi cùng cha mẹ nữa. Vì những giá trị cá nhân được hình thành trong suốt thời thơ ấu của con trở nên khác lạ với những giá trị mà bố mẹ chúng đang mang.
Trong một số gia đình thân chủ của tôi, có những người cha từ chối hẳn việc giáo dục con cái. Anh ấy nhận việc chu cấp tài chính vì anh ấy chỉ giỏi mỗi việc đó. Việc dạy các con anh thấy khó khăn nên đẩy sang vợ vì cho rằng vợ làm tốt hơn.
>>Xây dựng đội ngũ doanh nhân tài - đức
Chúng ta quyết định sinh con cũng là lúc chúng ta cần dành thời gian và tâm thức để vào vai người cha hay người mẹ. Bạn có thể là doanh nhân hay ai đó ngoài kia thì bạn vẫn cần có chiến lược giáo dục con trẻ một cách rõ ràng trong gia đình từ khi con bạn còn rất nhỏ, song song với chiến lược phát triển doanh nghiệp từ khi non trẻ. Bạn hoàn toàn có thể cùng lúc xây dựng sự nghiệp và giáo dục con cái. Vì con bạn không thể chờ bạn thành đạt rồi mới được dạy bảo và được ảnh hưởng từ bạn.
Trao truyền giá trị cá nhân là một trong những hành động giáo dục tốt nhất người doanh nhân có thể làm cho con mình trong những năm tháng ấu thơ.
Bạn biết Oprah Winfrey chứ? Bà có một người cha biết nuôi dưỡng ước mơ cho đứa con gái của mình. Ông đã ảnh hưởng những giá trị sống của ông lên con gái, đó là: lối sống tích cực, ý thức kỷ luật, sự trung thực, lòng tự trọng… Chúng ta phải cảm ơn ông vì đã tạo ra một người con gái biết sống cuộc đời cống hiến và cả xã hội đều được học hỏi từ bà.
Là doanh nhân, bạn sở hữu bao giá trị tốt đẹp. Bạn sẽ sắp xếp cuộc sống cá nhân của mình để ảnh hưởng những giá trị đó lên con cái phải không! Xã hội đang trông đợi một thế hệ mới giàu giá trị được tạo ra từ bạn!
Trao tình yêu thương đầy ắp khoang tình cảm của con cái cũng là một hành động mạnh trong chiến lược giáo dục gia đình. Một số cha mẹ mải kinh doanh, phó mặc việc giáo dục cho nhà trường, họ cho rằng họ đã bỏ tiền ra để mua sự giáo dục tốt nhất cho con mình ở những trường danh giá. Con họ đã cho đủ những điều kiện tốt nhất để con cái phát triển hoàn thiện. Nhưng có rất nhiều trẻ em tuổi dậy thì trải lòng trong những ca tham vấn gia đình của chúng tôi rằng: “Cháu luôn cảm thấy rất sành điệu, rất “chơi” khi mặc trên người đồ hàng hiệu và được đưa đón bằng chiếc xe bóng lộn. Nhưng cháu lại rất thèm được có cha mẹ bên cạnh trong mọi sinh hoạt đời thường, cháu chẳng mấy khi cảm thấy hạnh phúc”.
Những đứa trẻ này, với khoang tình khô cạn, thường không có động lực để vươn tới, không khao khát học tập, không dám dấn lên trong những bài học cần sự sáng tạo. Vậy kết quả tốt đẹp cha mẹ mong đợi từ con cái có thể có được không?
Thế giới biến đối từng ngày, cuộc sống của chúng ta quay cuồng chóng mặt. Cuộc sống của doanh nhân càng đầy cạnh tranh lạnh lùng và khốc liệt. Nhưng với mong muốn con cái thành công và hạnh phúc đồng thời với thành công trong sự nghiệp của chính mình, chúng ta hoàn toàn có thể vào vai người cha người mẹ một cách hiển hiện nhất, uyển chuyển nhất, dào dạt tình yêu nhất.
Tôi xin chúc giới doanh nhân, bên cạnh thành công rực rỡ đang có trong kinh doanh, đồng thời còn là nhà giáo dục tròn vai nhất trong gia đình mình, với con cái mình, những người quan trọng trong cuộc đời chúng ta!
Có thể bạn quan tâm