6 loại cây cảnh vừa đẹp, vừa dễ chăm, tốt cho sức khỏe, lại... ăn ngon
Không chỉ đẹp và dễ chăm sóc, những loại cây cảnh dưới đây còn có thể ăn được và dùng để làm thuốc chữa bệnh rất hiệu quả.
Cây nhất mạt hương (Echeveria)
Nhất mạt hương còn được gọi là cây sen đá lá thơm, là loại cây thân dày, mọng nước, có mùi thơm nhẹ. Khi dùng tay sờ vào lá, nó sẽ tỏa ra một mùi hương nhẹ nhàng, ngọt ngào, giống như mùi của táo. Ngửi mùi thơm của cây cảnh này, bạn sẽ có cảm giác tươi mát, sảng khoái.
Bạn có thể lấy lá của nó để pha trà và làm rượu, sẽ cho ra hương vị rất độc đáo. Bạn cũng có thể lấy lá nhất mạt hương nấu thành súp hoặc trộn làm món ăn lạnh với hương vị sảng khoái, bổ dưỡng.
Một tác dụng tuyệt vời nữa của nhất mạt hương là mùi hương của nó có thể đuổi muỗi. Ngoài ra, lấy vài chiếc lá, ép lấy nước rồi bôi vào nốt muỗi đốt có thể giảm ngứa và giảm sưng tấy.
Nhất mạt hương rất dễ trồng. Bạn chỉ cần đặt cây ở nơi sáng sủa, thoáng gió, bón phân hỗn hợp mỗi tháng một lần là được.
Cây nha đam
Nha đam là cây thảo sống nhiều năm, lá màu xanh lục, không cuống, mọc sít nhau, dày, mẫm, hình 3 cạnh, mép dày, có răng cưa thô. Loại cây này có khá nhiều tên gọi khác nhau, nhưng phổ biến nhất là lô hội và nha đam.
Không chỉ để làm cảnh, giúp không gian thêm xanh mát, nha đam còn có nhiều lợi ích đối với sức khỏe và sắc đẹp. Theo y học cổ truyền, nha đam có vị đắng, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc. Bạn có thể uống nước nha đam, chè nha đam đậu xanh hoặc sữa chua nha đam đều rất tốt.
Ngoài ra, nha đam còn là mỹ phẩm thiên nhiên cho các chị em. Khi bôi ngoài da, có tính sát khuẩn, tăng dinh dưỡng cho da. Nha đam cũng được dùng để chữa một số bệnh như đau đầu, chóng mặt, đại tiện bí, viêm dạ dày, tiêu hóa kém, co giật ở trẻ em, tiểu đường.
Cây hương thảo
Cây hương thảo là một loại cây gia vị được sử dụng rộng rãi ở các nước châu Âu và châu Mỹ, thường được ăn với bít tết và các loại thực phẩm khác.
Ngoài ra, hương thảo cũng được trồng để làm cảnh. Nó có khả năng thích ứng mạnh mẽ ở nhiều môi trường. Bạn có thể trồng loại cây cảnh- gia vị này ở ngoài sân hoặc ban công.
Cần lưu ý cây hương thảo không chịu úng nên bạn cần sử dụng loại đất tơi xốp và thoáng khí, tốt nhất là đất cát pha mùn lá. Khi tưới nước, hãy quan sát độ khô và ướt của đất trước rồi hãy tưới. Nếu đất khô khoảng 3cm thì hãy tưới kỹ.
Sau khi tưới, bạn nên để cây ở nơi thoáng gió như trên bệ cửa sổ hoặc ban công nơi có nắng. Bạn cũng cần bón phân hữu cơ một hoặc hai lần một tháng.
Nếu trồng hương thảo ở nhà, khi chiên bít tết bạn có thể xào một ít cành và lá của nó để lên thịt sẽ làm cho bít tết thơm ngon hơn. Bên cạnh đó, lấy lá của nó pha thành trà thơm cũng cho hương vị rất dễ chịu, sảng khoải.
Cây quất
Cây quất là cây ăn quả rất quen thuộc với người dân Việt Nam, đặc biệt là mỗi dịp tết đến xuân về. Trong phong thủy cây quất đại diện cho sự sung túc, may mắn no đủ cho cả gia đình trong năm mới.
Không chỉ vậy, quất còn là vị thuốc quý. Theo Đông y, trái quất vị chua ngọt, tính ấm, có tác dụng chữa ho do phong hàn, các bệnh đường tiêu hoá (đầy tức vùng thượng vị, đau dạ dày, nôn mửa, chán ăn), đau bụng hoặc sa dạ con sau sinh... Các bộ phận khác của cây quất như lá, rễ, hạt cũng được dùng làm thuốc. Lá quất vị cay đắng, tính lạnh, có tác dụng thư can (điều hoà, cải thiện chức năng gan), khai vị khí (kích thích tiêu hoá), thông phế khí, chống nôn, nấc, tiêu hạch...
Cây đinh lăng
Đinh lăng là một trong những loại cây được trồng không những để làm cảnh mà còn dùng làm thuốc. Đặc biệt lá đinh lăng có rất nhiều công dụng. Trong dân gian lá đinh lăng có thể chữa trị ho ra máu, chữa tắc tia sữa, làm mát huyết, chữa mẩn ngứa... Có thể lấy lá đinh lăng làm nguyên liệu chế biến một số món ăn nhằm kích thích tiêu hóa và bồi dưỡng cơ thể.
Người ta thường chọn loại lá đinh lăng nhỏ có nhiều răng cưa để làm rau ăn kèm với món gỏi cá. Một số gia đình còn cho thêm vài cọng lá đinh lăng trong lớp lá bưởi khi gói nem. Thứ cây thuốc này vừa làm đẹp cho chiếc nem vừa tạo mùi vị hấp dẫn.
Cây bạc hà
Đây cũng là cây cảnh mini vừa làm cảnh vừa có hương thơm lại có thể dùng để chế biến món ăn. Lá bạc hà có thể xanh suốt các mùa. Bạn có thể hái chúng để ăn sống, trộn nộm hoặc nấu chè, pha nước hoa quả. Hương thơm thanh mát của bạc hà giúp bạn thấy sảng khoái, tỉnh táo.
Vì bạc hà có tác dụng tán phong, thanh nhiệt nên có thể làm thuốc và thực phẩm. Bạn có thể ngắt lá tươi ngâm nước rửa sạch hoặc dùng làm nguyên liệu khử mùi cũng được.
Có thể bạn quan tâm