Hải Phòng: Doanh nghiệp bế tắc vì thuê đất xây kho bãi nhưng không có đường vào?
Chờ thành phố đầu tư xây dựng đường thì không biết đến bao giờ, bỏ 100% vốn để làm đường thì doanh nghiệp không kham nổi. Gần 3 năm nay 2 doanh nghiệp (Hải Phòng) phải thuê đường để đi vào công ty.
Diễn đàn Doanh nghiệp vừa nhận được đơn kiến nghị của Công ty TNHH Anh Cao và Công ty TNHH vận tải Đại Đồng về việc đã được TP Hải Phòng cho thuê đất để xây dựng kho bãi, văn phòng và kinh doanh vận tải nhưng không có đường vào, khiến doanh nghiệp phải đi gửi xe tại các bãi khác và phải thuê đường qua Công ty Hà Anh để vào công ty.
Ông Đỗ Văn Minh – Giám đốc Công ty TNHH Anh Cao cho biết, năm 2012 doanh nghiệp cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 538594 tại phường Đông Hải 2, quận Hải An (Hải Phòng), diện tích 9.222m2 để xây dựng văn phòng làm việc và bãi container. Thời hạn sử dụng từ 18/1/2012 đến 10/11/2043, hình thức trả tiền thuê đất hàng năm.
"Nhận thấy, tại vị trí của doanh nghiệp đang thuê đất (đường Hạ Đoạn 2, điểm đầu nối với đường 356, điểm cuối nối đường Đông Hải) có cắm biển quy định tải trọng xe qua lại là dưới 10 tấn. Tuy nhiên, bãi container của công ty chủ yếu là xe đầu kéo rơ mooc (không tải) thường xuyên phải ra, vào. Vì vậy biển báo hạn chế tải trọng xe trên đoạn đường này gây khó khăn cho giao thông đi lại cũng như hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động, UBND quận Hải An đã ban hành Công văn số 897/UBND ngày 6/11/2012 đồng ý cho các xe có ô tô tải trọng tối đa 15 tấn vào Công ty Anh Cao. Và từ đó doanh nghiệp hoạt động bình thường, luôn chấp hành, thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ với Nhà nước, không nợ đọng" – ông Minh cho biết thêm.
Tuy nhiên, năm 2018, dân cư ở đoạn đường trên đã chặn xe của doanh nghiệp, không cho xe ra vào đường Hạ Đoạn 2. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Công ty TNHH Vận tải Đại Đồng cũng nằm trên tuyến đường trên và cũng chung cảnh ngộ với Công ty Anh Cao. Về hiện trạng khi 2 doanh nghiệp thuê đất là có đường vào nhưng đây là tuyến đường dân sinh, chỉ cho phép các loại xe có tải trọng nhỏ hoạt động, không cho phép xe có tải trọng lớn lưu thông.
Để khắc phục tình trạng trên, Công ty Anh Cao và Công ty Đại Đồng đã ký hợp đồng với Công ty Hà Anh để đi qua đất của Công ty Hà Anh ra đường 356. Hiện, đã hết thời hạn hợp đồng, các bên không thống nhất được giá thuê mới nên Công ty Hà Anh không cho 2 doanh nghiệp đi qua đất của công ty. Việc kinh doanh, vận chuyển của Công ty Anh Cao và Đại Đồng lại rơi vào thế bế tắc vì không có đường ra, vào.
Trong công văn trả lời của UBND TP Hải Phòng có nêu, trên đoạn đường Đông Hải 2, nay do sự phát triển của nhân dân và nhu cầu hoạt động giao thông lớn. Đồng thời, đoạn đường này hẹp, không còn diện tích để mở rộng. Đề nghị công ty nghiên cứu phương án chuyển ngành nghề kinh doanh cho phù hợp với điều kiện thực tế.
“Với điều kiện hiện nay thì công ty không thể nói chuyển đổi là chuyển đổi ngay được. Nếu dừng hoạt động thì 2 công ty chúng tôi với hơn 100 lao động sẽ không có việc làm, doanh nghiệp sẽ phá sản. Chúng tôi đã rất nhiều lần đề nghị, gửi đơn tới các cấp chính quyền để xem xét giải quyết, giúp đỡ nhưng đến nay sự việc đều không có tiến triển” - ông Minh chia sẻ.
Được biết, sau buổi đối thoại ngày 15/4/2018, ông Nguyễn Văn Thành – PCT UBND TP Hải Phòng cùng với quận Hải An, phường Đông Hải 2 đã đi thị sát thực địa và Sở GTVT đã đề xuất mở đoạn đường từ đường 356 vào đường HCR (đoạn đường đối diện đường K9, cạnh Công ty xây dựng Liên hiệp Huy Hoàng) dài khoảng 316m.
Theo báo cáo số 557 của UBND quận Hải An ngày 9/7/2020 về kiến nghị của 2 công ty trên, kết luận: trong điều kiện ngân sách quận còn rất khó khăn, việc thực hiện đầu tư cần tập trung vào những công trình cấp thiết theo thứ tự ưu tiên, trong khi đó việc đóng góp hàng năm cho ngân sách thành phố của 2 Công ty Anh Cao và Công ty Đại Đồng là rất ít. Do vậy, việc đầu tư tuyến đường trên trong thời điểm hiện nay chỉ phục vụ 2 doanh nghiệp là không khả thi. Đề nghị, 2 công ty tiếp tục khắc phục để đảm bảo sản xuất kinh doanh, luân chuyển hàng hóa bằng xe có tải trọng nhỏ hoặc thỏa thuận với Công ty Hà Anh tiếp tục cho thuê đường. Trường hợp quyết tâm đầu tư tuyến đường thì 2 doanh nghiệp phải bỏ 100% vốn để thực hiện.
Chia sẻ với PV Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Minh cho biết, sau khi công ty cùng các cơ quan chức năng của quận Hải An và phường Đông Hải 2 đi khảo sát xây dựng phương án đầu tư tuyến đường thì kinh phí dự toán tối thiểu là 20 tỷ.
"Với kinh phí như trên, trong tình hình kinh doanh như hiện nay, các doanh nghiệp vẫn bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, với 2 doanh nghiệp kinh doanh vận tải nhỏ như chúng tôi sẽ không thể nào thực hiện được. Vì vậy, chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng xem xét hỗ trợ kinh phí, bàn giao mặt bằng sạch sớm, mỗi công ty sẽ đóng góp kinh phí khoảng hơn 1 tỷ đồng. Bãi thì thành phố cho thuê nhưng lại không có đường vào. Không sớm thì muộn 2 công ty chúng tôi sẽ phá sản", ông Minh kiến nghị.
Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin!
Có thể bạn quan tâm
Doanh nghiệp phá sản vì chính quyền “bắt cá hai tay”
17:30, 07/11/2019
Doanh nghiệp phá sản thì người lao động sẽ “không phải” đi làm nữa chứ cần gì giảm giờ làm
12:32, 24/10/2019
Hải Dương: Khu công nghiệp Lai Vu, nhiều doanh nghiệp phá sản, đất vàng bỏ hoang
23:31, 23/06/2019
Doanh nghiệp phá sản vì quyết định chưa "thấu tình, đạt lý" của chính quyền?
07:05, 21/01/2019