Kiểm tra chuyên ngành còn… “hành” doanh nghiệp
Trong 10 năm qua, Bộ NN&PTNT đã có 4 thông tư hướng dẫn, quy định về kiểm dịch thủy sản, sản phẩm thủy sản.
Tuy nhiên, càng về sau, “danh mục hàng thủy sản” nhập khẩu phải kiểm dịch càng mở rộng hơn, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Mới đây, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã có văn bản góp ý Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 15/2018/TT-BNNPTNT ban hành mã số HS đối với hàng hóa thuộc thẩm quyền của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Theo đó, VASEP cho rằng, việc duy trì mở rộng các đối tượng, danh mục “hàng chế biến” phải kiểm dịch như Dự thảo là biện pháp quá mức và không cần thiết. “Khái niệm ‘sản phẩm động vật’ đã được mở rộng quá mức quy định tại Luật Thú y. Nội dung này cũng chưa phù hợp với chủ trương cắt giảm danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành, với quy định pháp luật, cũng như thông lệ quốc tế hiện hành”, VASEP viết trong văn bản góp ý.
“Chúng tôi hoàn toàn nhất trí về sự cần thiết phải kiểm dịch chặt chẽ các sản phẩm sống, tươi sống, ướp đá. Nhưng về mặt khoa học và quản lý, không áp dụng tương tự cho các sản phẩm thực phẩm (dùng cho người) ở dạng chế biến (đông lạnh, chín, đóng bao bì kín….), vì về nguyên tắc, các mặt hàng thủy sản đông lạnh và sản phẩm chế biến chín, đóng bao bì kín (như đồ hộp, hàng khô tẩm gia vị ăn liền…) không thể mang và không có nguy cơ mang theo mầm bệnh và không thể gây ra lây lan dịch bệnh cho thủy sản trong môi trường xung quanh”, VASEP phân tích về đề nghị loại bỏ các sản phẩm thủy sản (trừ các sản phẩm sống, tươi sống, ướp lạnh) ra khỏi danh mục động vật, sản phẩm động vật thủy sản thuộc diện phải kiểm dịch theo Luật Thú y.
Có thể bạn quan tâm