Một số phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định của Bộ KH&CN chưa phù hợp
Theo VCCI, một số phương án trong Dự thảo Báo cáo và Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) còn chưa phù hợp…
Theo đó, trả lời Công văn số 2492/BKHCN-PC của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc đề nghị cho ý kiến đối với Dự thảo Báo cáo và Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ (Phương án), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, bên cạnh mặt tích cực, một số phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định còn chưa phù hợp.
Liên quan đến Giấy chứng nhận tổ chức đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp (điểm 1.1 Mục I) - Về điều kiện thành lập doanh nghiệp, Phương án đề xuất bỏ yêu cầu “phải có chức năng hoạt động dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp được ghi nhận trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động trong điều kiện kinh doanh dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp để phù hợp với quy định của Luật Doanh nghiệp”, theo đó sẽ sửa đổi khoản 2 Điều 154 Luật Sở hữu trí tuệ theo hướng “có đăng ký ngành nghề, lĩnh vực hoạt động dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp”.
Theo VCCI, đề xuất trên là hợp lý, tuy nhiên, phương án sửa đổi tại khoản 2 Điều 154 Luật Sở hữu trí tuệ lại chưa phù hợp, bởi vì “có đăng ký ngành nghề, lĩnh vực hoạt động đại diện sở hữu công nghiệp”, có nghĩa cơ quan cấp phép vẫn phải xem xét ngành nghề doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, trong khi đó Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp không còn thể hiện ngành nghề đăng ký kinh doanh nữa, cơ quan cấp phép dựa vào đâu để kiểm tra điều kiện này? Bởi hiện tại, trong hệ thống pháp luật về kinh doanh, cơ quan cấp phép không còn xem xét yếu tố về đăng ký ngành nghề kinh doanh khi thẩm định hồ sơ xin cấp phép nữa.
Do vậy, VCCI đề nghị Phương án sửa đổi khoản 2 Điều 154 Luật Sở hữu trí tuệ theo hướng “thành lập theo quy định của pháp luật”, tức là không quy định liên quan gì đến ngành, nghề lĩnh vực hoạt động.
Về thời hạn giải quyết thủ tục, theo quy định tại Điều 57.3, 56.4 Thông tư 01/2007/TT-BKHCN (được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 13/2020/TT-BKHCN) thì thời hạn giải quyết thủ tục là 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ. Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, thời hạn này có thể xem xét rút ngắn hơn.
“Đề nghị bổ sung vào Phương án rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục này (có thể là 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ)”, VCCI góp ý.
Bên cạnh đó, liên quan đến kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp (Mục III) - Kinh doanh dịch vụ thử nghiệm chất lượng sản phẩm, hàng hóa (điểm 1).
VCCI cho rằng, để đảm bảo tính nhất quán trong các đề xuất tại Phương án, đề nghị bỏ yêu cầu trong Hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký thử nghiệm chất lượng sản phẩm hàng hóa phải có “Bản sao Quyết định thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư” vì cơ quan cấp phép có thể tra cứu thông tin này.
Theo VCCI, góp ý này tương tự đối với hồ sơ xin cấp giấy phép của tổ chức kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp quy định tại Nghị định 107/2016/NĐ-CP.
Về Kinh doanh dịch vụ kiểm định chất lượng sản phẩm, hàng hóa (điểm 2), VCCI đề nghị, xem xét bỏ điều kiện phải “Có máy móc, thiết bị, dụng cụ theo yêu cầu tại quy trình kiểm định” tại khoản 4 Điều 9 Nghị định 107/2016/NĐ-CP bởi: doanh nghiệp có thể thuê các máy móc, thiết bị, dụng cụ để thực hiện kiểm định mà không nhất thiết phải sở hữu các loại máy móc này, trong trường hợp đó thì việc liệt kê các máy móc, thiết bị trong hồ sơ xin cấp phép là không có nhiều ý nghĩa; yêu cầu về máy móc, thiết bị, dụng cụ đã được bãi bỏ đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ thử nghiệm chất lượng sản phẩm, hàng hóa, vì vậy cũng cần thiết bỏ yêu cầu này tại hoạt động dịch vụ kiểm định chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Về Kinh doanh dịch vụ đánh giá, giám định công nghệ (Mục V), theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 35 Nghị định 76/2018/NĐ-CP thì trong hồ sơ cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ đánh giá công nghệ phải có “Danh sách các chuyên gia đánh giá công nghệ, trong đó thể hiện các thông tin về tên, năm sinh, trình độ, lĩnh vực đào tạo, số năm công tác trong lĩnh vực công nghệ cần đánh giá; kèm theo tài liệu liên quan đối với mỗi đánh giá viên công nghệ gồm: Thỏa thuận hợp tác giữa chuyên gia với tổ chức; bản sao chứng thực bằng cấp theo quy định tại khoản 2 Điều 33 Nghị định này, tóm tắt kinh nghiệm hoạt động đánh giá công nghệ và tài liệu chứng minh kinh nghiệm hoạt động đánh giá công nghệ của chuyên gia”.
Theo VCCI, liên quan đến tài liệu này, đề nghị xem xét bỏ nội dung phải kê khai “tóm tắt kinh nghiệm hoạt động đánh giá công nghệ”, vì nội dung này đã được bãi bỏ trong các quy định có tính chất tương tự yêu cầu về trình độ chuyên môn, kinh nghiệm trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ KH&CN (ví dụ: quy định này tại điểm c khoản 2 Điều 18 Nghị định 107/2016/NĐ-CP đã được bãi bỏ tại tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 154/2018/NĐ-CP)
Đồng thời, đề nghị cho phép doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm với nội dung kê khai, không cần phải cung cấp tài liệu chứng minh kinh nghiệm của chuyên gia để giảm thiểu giấy tờ khi thực hiện thủ tục, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ quản lý bằng hậu kiểm, yêu cầu doanh nghiệp phải chứng minh khi tiến hành kiểm tra.
VCCI cho rằng, góp ý này tương tự đối với quy định tại điểm d khoản 1 Điều 38 Nghị định 76/2018/NĐ-CP.
Có thể bạn quan tâm
Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định của Bộ Công Thương còn thiếu nhất quán
04:00, 17/10/2021
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Khẩn trương trình phương án cắt giảm đơn giản hóa quy định kinh doanh
19:05, 13/10/2021
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Kết luận một số nội dung khoa học công nghệ ngành y tế
20:20, 19/07/2021
Quảng Ninh ứng dụng khoa học công nghệ để phát triển bền vững
02:08, 18/05/2021
Gỡ nút thắt cho doanh nghiệp khoa học công nghệ
01:00, 15/03/2021