Với mục tiêu đến năm 2030, Quảng Ninh sẽ trở thành thành phố thông minh, hiện đại top đầu khu vực ASEAN, đến nay, Quảng Ninh đang thực hiện nhiều giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ.
Phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ là một trong những động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ Tổ quốc. Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp, hoạt động khoa học và công nghệ Quảng Ninh đã có bước phát triển mạnh mẽ, đạt được nhiều kết quả đáng tự hào.
Tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (cách mạng công nghiệp 4.0) thông qua các công nghệ như internet kết nối vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), tương tác thực tế ảo (AR), mạng xã hội, điện toán đám mây, di động, phân tích dữ liệu lớn (SMAC)... để chuyển hóa toàn bộ thế giới thực thành thế giới số. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang ở giai đoạn đầu, nhiều cơ hội mới đang mở ra cho đất nước cũng như cho mỗi địa phương. Trong xu thế đó, tỉnh Quảng Ninh xác định cần thúc đẩy mạnh mẽ hội nhập quốc tế, nhanh chóng nắm bắt xu thế mới để phát triển nhanh và bền vững.
Nhìn lại chặng đường vừa qua, có thể thấy vai trò của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đã đóng góp tích cực vào sự phát triển toàn diện kinh tế xã hội của đất nước nói chung và tỉnh Quảng Ninh nói riêng. Trong 2 nhiệm kỳ gần đây, với quan điểm chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, theo hướng bền vững thì lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh xác định khoa học công nghệ ngày đóng vai trò hết sức quan trọng. Khoa học công nghệ đã hiện diện sâu sắc, đậm nét trên khắp các lĩnh vực, với hàm lượng khoc học công nghệ ngày càng gia tăng, tạo nên những thành tựu bứt phá trong nhiều lĩnh vực như nông nghiệp công nghệ cao, y tế thông minh, giáo dục thông minh, giao thông thông minh, chính quyền điện tử…
Nhiều công nghệ mới, hiện đại đã được các doanh nghiệp lựa chọn áp dụng vào quá trình sản xuất kinh doanh để nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh. Chất lượng tăng trưởng của tỉnh được cải thiện, năng suất lao động nâng lên rõ rệt với mức tăng bình quân 13%, gấp 1,73 lần so với năm 2015 và gấp 2 lần so với mức tăng bình quân chung của cả nước. Tỷ trọng sản phẩm công nghệ cao của tỉnh tăng lên 45,2%. Với một địa phương phát triển năng động như Quảng Ninh thì đây cũng là xu hướng tất yếu.
Tập trung vào 3 đột phá
Mục tiêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh khoá XV nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định rõ: Xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của phía Bắc. Với mục tiêu như vậy, ngành khoa học công nghệ sẽ tập trung vào 3 điểm đột phá để tăng cường hơn nữa vai trò của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, đó là xây dựng cơ chế; tạo sự đột phá về hạ tầng công nghệ; và nguồn nhân lực khoa học công nghệ, từ đó áp dụng, chuyển giao công nghệ mới vào sản xuất.
Theo ông Hoàng Bá Nam - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Ninh, để khoa học và công nghệ lan toả đến khắp các ngành, lĩnh vực và thể hiện được tính ưu việt là cả một chặng đường dài mà trong đó không thể không kể đến sự đổi mới quan điểm, tư duy nhất là của cả một bộ máy chính quyền, người dân và cộng đồng doanh nghiệp về vai trò của khoa học công nghệ.
“Song song với đó là vấn đề cơ chế.thời gian qua tỉnh Quảng Ninh đã ban hành hàng loạt quyết sách để hỗ trợ, tiếp sức cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong hoạt động khoa học công nghệ, qua đó, tạo môi trường và động lực để khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo bứt phá, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Công tác quản lý nhà nước liên quan đến khoa học công nghệ cũng được tăng cường. Cải cách thủ tục hành chính được quan tâm, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình sản xuất kinh doanh, chuyển giao, ứng dụng, đổi mới công nghệ; hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được phát triển; kết nối cung - cầu công nghệ, phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ; nâng cao năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4...” - ông Nam cho biết.
Thời gian tới Quảng Ninh sẽ tập trung vào hạ tầng mềm như công nghệ thông tin và chuyển đổi số. Đây được xem là yếu tố cốt lõi tạo nên sự thành công của chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, đô thị thông minh trong tương lai. Đặc biệt, Đề án thành phố thông minh của tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2017 - 2020 đang dần trở thành phương tiện để đạt tới các mục tiêu tốt đẹp cho các đô thị cư dân, Đồng thời, thông qua đề án, Quảng Ninh đã tiến sâu hơn vào hội nhập quốc tế và trở thành một trong những cực tăng trưởng kinh tế, có sức hấp dẫn, lan tảo trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc nói riêng và cả nước nói chung.
Có thể bạn quan tâm