Một số giải pháp tái cơ cấu ngành Công Thương chưa phù hợp

ANH KHÔI 07/12/2021 04:00

Ngoài mục tiêu, góp ý Dự thảo Báo cáo xây dựng Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn 2021 – 2030, VCCI cũng cho rằng, một số nhiệm vụ, giải pháp tại Dự thảo còn chưa phù hợp…

>> Tái cơ cấu kinh tế: Cần cơ chế đột phá, tháo gỡ “nút thắt”

Trả lời Công văn số 7073/BCT-KH của Bộ Công Thương về việc đề nghị góp ý Dự thảo Báo cáo xây dựng Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn 2021 – 2030 (Dự thảo) ngoài việc cân nhắc lại một số mục tiêu, về những nhiệm vụ, giải pháp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho rằng còn chưa phù hợp.

Một số nhiệm vụ, giải pháp trong Dự thảo được cho chưa phù hợp - Ảnh minh họa

Một số nhiệm vụ, giải pháp trong Dự thảo được cho chưa phù hợp - Ảnh minh họa

Cụ thể, về giải pháp hoàn thiện hệ thống pháp luật kinh tế thị trường, theo VCCI, Dự thảo cần cân nhắc, bổ sung một số nội dung như:

Việc bãi bỏ, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh trong các ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện liên quan đến lĩnh vực công thương cần được thúc đẩy trong thời gian tới. Hoạt động này sẽ tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, thúc đẩy cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và cũng phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh;

Luật Thương mại 2005 là văn bản quy phạm pháp luật quan trọng trong hệ thống pháp luật về thương mại. Luật này đã được ban hành và triển khai thực hiện hơn 16 năm và đang bộc lộ nhiều điểm hạn chế, không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế hiện tại. Vì vậy, cần phải được nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ;

>> “Chìa khoá” tái cơ cấu ngành nông nghiệp Điện Biên

Về giải pháp cải cách tổ chức bộ máy theo hướng phân cấp phân quyền và số hóa hoạt động quản lý ngành, Điểm 1.2.c Mục III Dự thảo đưa ra giải pháp về hoàn thiện hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập, “phát triển thị trường dịch vụ sự nghiệp công và thu hút mạnh mẽ các loại hình kinh tế tham gia cung cấp dịch vụ công, chuyển đổi cung cấp trực tiếp dịch vụ công sang phương thức đặt hàng”.

VCCI cho rằng, nội dung này cần được xem xét ở một số điểm như:

Nghị quyết 76/NQ-CP của Chính phủ ngày 15/7/2021 ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030 đã đặt ra nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước cho tới năm 2030, trong đó: “Rà soát, xác định rõ nhiệm vụ của các cơ quan hành chính phải thực hiện, những công việc cần phân cấp cho địa phương, cấp dưới thực hiện; công việc cần chuyển giao cho doanh nghiệp, các tổ chức xã hội đảm nhiệm; trên cơ sở đó thiết kế, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính phủ hợp ở Trung ương và địa phương”.

Nhiều điểm trong các nội dung nhiệm vụ, giải pháp của Dự thảo cần được xem xét - Ảnh minh họa

Nhiều điểm trong các nội dung nhiệm vụ, giải pháp của Dự thảo cần được cân nhắc, xem xét - Ảnh minh họa

Liên quan tới nhiệm vụ tổ chức sắp xếp, kiện toàn các cơ quan trong bộ máy hành chính Nhà nước: Nghị quyết 76/NQ-CP cũng đã xác định “Tiếp tục thí điểm chuyển giao một số nhiệm vụ và dịch vụ hành chính công mà Nhà nước không nhất thiết phải thực hiện cho doanh nghiệp, các tổ chức xã hội đảm nhiệm”.

Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ năm 2014 cũng đã giao nhiệm vụ cho các  “Bộ, cơ quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao tập hợp, rà soát và đánh giá tình hình thực hiện các dịch vụ công, có giải pháp đổi mới tổ chức cung ứng các dịch vụ công theo hướng đa dạng hóa, xóa bỏ tình trạng độc quyền của một hoặc một số đơn vị trực thuộc hoặc nhà cung ứng được chỉ định trước; nghiên cứu đề xuất những dịch vụ có thể mở cho tư nhân cung cấp với mức độ mở phù hợp trước khi ban hành các quy định mở cửa thị trường, bảo đảm tiếp cận công bằng và bình đẳng đối với với cơ hội kinh doanh các loại dịch vụ này và quyền tự do lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ theo cơ chế thị trường”.

Và đầu năm 2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 07/NQ-CP thông qua đề nghị xây dựng Nghị định quy định chính sách khuyến khích xã hội hóa trong cung ứng dịch vụ sự nghiệp công.

Bên cảnh đó, chuyển dịch cung cấp dịch vụ công cho khối tư nhân thực hiện đang trở thành xu hướng trong các chính sách hiện tại và thời gian tới. Tuy nhiên, tinh thần này chưa thể hiện đậm nét trong Dự thảo. Dự thảo tập trung chủ yếu vào các chính sách về kiện toàn đơn vị sự nghiệp công lập, phát triển thị trường dịch vụ sự nghiệp công – có nghĩa là dịch vụ công vẫn do các đơn vị của nhà nước thực hiện, mà chưa thấy nhấn mạnh đến sự tham gia của các tổ chức ngoài công lập với tư cách là chủ thể cung cấp dịch vụ công.

Do vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc điều chỉnh nội dung này tại Dự thảo theo hướng chuyển giao một số dịch vụ công cho tổ chức ngoài công lập thực hiện để phù hợp với chính sách, chủ trương của Đảng, Nhà nước về vấn đề này.

VCCI cho rằng, cơ quan soạn thảo cần bổ sung VCCI và các Hiệp hội doanh nghiệp như là một chủ thể thực hiện Đề án này - Ảnh minh họa

VCCI cho rằng, cơ quan soạn thảo cần bổ sung VCCI và các Hiệp hội doanh nghiệp như là một chủ thể thực hiện Đề án này - Ảnh minh họa

Về giải pháp chính sách công nghiệp, tại trang 42 Dự thảo đề ra giải pháp “xây dựng một số Trung tâm kỹ thuật công nghiệp có đủ tiềm lực thuộc ngành Công Thương của Nhà nước ở cấp Trung ương, vùng và địa phương nhằm hỗ trợ nghiên cứu đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực công nghệ, chuyển đổi số cho các doanh nghiệp trong các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ”.

Giải pháp này có đưa đến cách hiểu, Nhà nước sẽ nghiên cứu đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực công nghệ, chuyển đổi số cho các doanh nghiệp trong các ngành công nghiệp nền tảng và chuyển giao cho các doanh nghiệp? Hay là các Trung tâm này sẽ cung cấp nguồn lực cho các doanh nghiệp trong nghiên cứu đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực công nghệ?

Theo VCCI, hiện nay có một số Trung tâm hỗ trợ kỹ thuật công nghiệp, ví dụ như Trung tâm Kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp khu vực phía Nam là đơn vị sự nghiệp công lập có nhiệm vụ tư vấn hỗ trợ phát triển kỹ thuật công nghiệp cho doanh nghiệp. Đây là các nhiệm vụ mà các tổ chức ngoài công lập có thể thực hiện được, thay vì Nhà nước phải thực hiện.

Mặt khác, trong lĩnh vực hỗ trợ doanh nghiệp, Nhà nước nên tiếp cận theo hướng tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, có các chính sách ưu đãi cho các đối tượng trong từng nhóm lĩnh vực ưu tiên, thay vì thành lập đơn vị để làm thay những công việc/hoạt động của thị trường hoặc tổ chức tư nhân có thể thực hiện được.

Do vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc lại hướng tiếp cận của giải pháp này.

Ngoài ra, góp ý cho Dự thảo Báo cáo xây dựng Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn 2021 – 2030, liên quan đến: Giải pháp về chính sách xuất nhập khẩu; Chính sách liên quan đến ngành logistics; Chính sách phát triển thị trường trong nước; Chính sách về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo;… VCCI cũng đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, cân nhắc cho phù hợp.

Đồng thời, về tổ chức thực hiện, VCCI cho rằng, cơ quan soạn thảo cần bổ sung VCCI và các Hiệp hội doanh nghiệp như là một chủ thể thực hiện Đề án này, từ cả góc độ chủ động thực hiện các nhiệm vụ và phối hợp với các Bộ ngành liên quan thực hiện các nhiệm vụ.

Có thể bạn quan tâm

  • Tái cơ cấu kinh tế: Cần cơ chế đột phá, tháo gỡ “nút thắt”

    Tái cơ cấu kinh tế: Cần cơ chế đột phá, tháo gỡ “nút thắt”

    15:00, 30/10/2021

  • “Chìa khoá” tái cơ cấu ngành nông nghiệp Điện Biên

    “Chìa khoá” tái cơ cấu ngành nông nghiệp Điện Biên

    16:27, 17/09/2021

  • Thời điểm chín muồi tái cơ cấu nghề cá

    Thời điểm chín muồi tái cơ cấu nghề cá

    11:00, 09/08/2021

  • Thủy sản Hùng Vương

    Thủy sản Hùng Vương "bỏ ngỏ" tái cơ cấu

    11:00, 12/07/2021

  • Cty TNHH MTV Xi măng Vicem Hải Phòng: Tái cơ cấu để mở rộng thị trường

    Cty TNHH MTV Xi măng Vicem Hải Phòng: Tái cơ cấu để mở rộng thị trường

    15:28, 03/06/2021

ANH KHÔI