Bất cập trong Dự thảo Nghị định về dịch vụ Internet và thông tin trên mạng

ANH KHÔI 09/12/2021 04:00

Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, VCCI cho rằng, một số quy định trong Dự thảo còn bất cập…

>> Dự thảo Nghị định về hoạt động in, cần hoàn thiện một số quy định

Trả lời Công văn số 2393/BTTTT-PTTH&TTĐT ngày 06/07/2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng (Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, một số quy định trong Dự thảo còn bất cập, không cần thiết và không hợp lý.

Một số quy định tại Dự thảo được cho còn bất cập - Ảnh minh họa

Một số quy định tại Dự thảo được cho còn bất cập - Ảnh minh họa

Cụ thể về cung cấp thông tin xuyên biên giới, Điều 1.18 Dự thảo (sửa đổi Điều 22 Nghị định 72/2013/NĐ-CP) quy định về việc cung cấp thông tin xuyên biên giới của tổ chức, cá nhân nước ngoài. Tuy nhiên, theo VCCI, quy định này cần được xem xét ở một số nội dung:

Thứ nhất, Điều 22.3.d (sửa đổi) quy định tổ chức, cá nhân nước ngoài cần thành lập bộ phận chuyên trách để xử lý các yêu cầu của cơ quan chức năng Việt Nam và người sử dụng tại Việt Nam. Quy định được suy đoán nhằm yêu cầu các tổ chức nước ngoài phải có động thái nhanh chóng khi nhận được yêu cầu từ phía Việt Nam.

Tuy nhiên, quy định là không cần thiết và không hợp lý, bởi Dự thảo đã có quy định về thời hạn tiếp nhận và xử lý yêu cầu, đồng thời bổ sung các biện pháp kinh tế – kỹ thuật cần thiết trong trường hợp doanh nghiệp không tuân thủ. Các quy định như vậy đã đủ đảm bảo việc tuân thủ của tổ chức, cá nhân nước ngoài;

Chưa kể, quy định này can thiệp vào hoạt động của doanh nghiệp, bởi doanh nghiệp căn cứ theo quy định, sẽ tự chủ động bố trí nhân sự phù hợp để thực hiện. Việc yêu cầu thành lập bộ phận chuyên trách có thể hạn chế tính linh hoạt trong vận hành doanh nghiệp và gây tốn kém chi phí cho doanh nghiệp;

Do vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định này.

>> Dự thảo Nghị định về hoạt động in, vẫn “vướng” về khai báo nhập khẩu thiết bị

Thứ hai, Điều 22.3.c (sửa đổi) quy định các mạng xã hội nước ngoài thực hiện thỏa thuận hợp tác về nội dung với cơ quan báo chí khi cung cấp thông tin dẫn lại.

VCCI cho rằng, các hoạt động khai thác thông tin trên mạng cần tuân thủ quy định về sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, quy định này dự kiến sẽ có tác động rất lớn đến cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, ảnh hưởng đến nền kinh tế báo chí, trong khi lại chưa được đánh giá tác động đầy đủ. Mặt khác, quy định tại Dự thảo còn rất sơ sài, chưa hình dung và lường hết các vấn đề phát sinh trong thực tế. Trên thế giới, việc ban hành chính sách này chỉ mới dừng lại ở một số ít các nước (Úc, và đang được đề xuất tại Liên minh Châu Âu) và cũng chỉ được ban hành dưới dạng văn bản Luật (News Media Bargaining Code của Úc, Dự thảo Digital Services Act and the Digital Markets Act của EU).

“Do vậy, để đảm bảo tính hợp pháp, hợp lý, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc loại bỏ quy định này trong Dự thảo. Chính sách này có thể được cân nhắc soạn thảo trong phạm vi một Dự thảo Luật, với quá trình nghiên cứu, tham vấn kỹ lưỡng hơn”, VCCI góp ý.

VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, cân nhắc - Ảnh minh họa

VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, cân nhắc - Ảnh minh họa

Về nội dung vi phạm điều cấm, Dự thảo quy định trách nhiệm cho các chủ thể doanh nghiệp trong việc xử lý, phối hợp xử lý các thông tin vi phạm điều cấm tại Điều 5.1 Nghị định 72/2013/NĐ-CP, Điều 8.1 Luật An ninh mạng.

Tuy nhiên, VCCI cho rằng, các quy định tại Nghị định 72/2013/NĐ-CP và Dự thảo cần xem xét ở một số nội dung như:

Thứ nhất, thiếu quy định phân loại nội dung vi phạm điều cấm theo tính chất. Điều 5.1 Nghị định 72/2013/NĐ-CP quy định nhiều hành vi bị cấm, nhưng tính chất của các hành vi lại khác nhau, có thể tạm chia làm hai loại như: Hành vi xâm phạm lợi ích công (phá hoại an ninh quốc gia, vi phạm thuần phong mỹ tục, tiết lộ bí mật nhà nước…): hành vi bị cấm tuyệt đối;

Hành vi xâm phạm lợi ích tư (xuyên tạc, vu khống, xúc phạm tổ chức, cá nhân; giả mạo tổ chức, cá nhân, phát tán thông tin giả mạo, sai sự thật xâm hại đến quyền của tổ chức, cá nhân): các hành vi bị cấm tương đối, nghĩa là các nội dung này chỉ được coi là hành vi bị cấm nếu có hành vi phản đối từ người được cho rằng bị xâm phạm và được xác định bởi cơ quan có thẩm quyền;

Thứ hai, thiếu quy định liên quan đến trình tự, thủ tục xác định hành vi vi phạm. Hiện, các quy định tại Dự thảo đều yêu cầu doanh nghiệp xử lý thông tin vi phạm theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tuy nhiên, quy định như vậy là không phù hợp, đặc biệt là với các hành vi xâm phạm lợi ích tư, việc xem xét các hành vi vi phạm danh dự, nhân phẩm của tổ chức, cá nhân cần giải quyết theo trình tự, thủ tục khác, cụ thể theo thông qua Tòa án. Khi đó, việc xử lý các nội dung này chỉ nên được thực hiện khi và chỉ khi có quyết định/ phán quyết có hiệu lực của Tòa án, chứ không phải từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Từ những phân tích trên, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định làm rõ các vấn đề đã nêu.

Thứ ba, Điều 22.5.b (sửa đổi) quy định các tổ chức cung cấp thông tin xuyên biên giới có trách nhiệm ngăn chặn, gỡ bỏ nội dung vi phạm chậm nhất 24h, livestream vi phạm chậm nhất 3h. Các mạng xã hội trong nước thực hiện trách nhiệm tương tự, với thời gian xử lý ngắn hơn.

Tuy nhiên, theo phản ánh của doanh nghiệp, quy định về thời hạn xử lý thông tin như vậy là chưa phù hợp, có thể tạo nên gánh nặng vận hành cho doanh nghiệp. Bởi thực tế, các thông tin vi phạm điều cấm rất đa dạng với tính chất, mức độ cũng rất khác nhau.

“Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc sửa đổi quy định theo hướng phân loại thông tin vi phạm thành các mức độ khác nhau, và tương ứng với thời hạn thực hiện khác nhau”, VCCI góp ý.

Có thể bạn quan tâm

  • Dự thảo Nghị định về hoạt động in, cần hoàn thiện một số quy định

    Dự thảo Nghị định về hoạt động in, cần hoàn thiện một số quy định

    04:00, 30/11/2021

  • Dự thảo Nghị định về hoạt động in, vẫn “vướng” về khai báo nhập khẩu thiết bị

    Dự thảo Nghị định về hoạt động in, vẫn “vướng” về khai báo nhập khẩu thiết bị

    01:41, 28/11/2021

  • TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Khẩn trương dự thảo Nghị định chuyển giao công trình điện sang EVN quản lý

    TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Khẩn trương dự thảo Nghị định chuyển giao công trình điện sang EVN quản lý

    20:13, 24/11/2021

  • Một số quy định tại Dự thảo Nghị định về Bưu chính còn chưa phù hợp

    Một số quy định tại Dự thảo Nghị định về Bưu chính còn chưa phù hợp

    04:00, 16/11/2021

  • Dự thảo Nghị định về Luật Thuế GTGT: Cần bổ sung thêm quy định

    Dự thảo Nghị định về Luật Thuế GTGT: Cần bổ sung thêm quy định

    04:00, 05/11/2021

ANH KHÔI