Khởi động thu phí cảng biển tại TP. HCM: Doanh nghiệp lại lo gánh nặng… chi phí

GIA NGUYỄN 02/03/2022 03:30

Trước những dư âm ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh COVID-19, việc TP. HCM khởi động thu phí cảng biển khiến nhiều doanh nghiệp không khỏi lo lắng, đặc biệt là gánh nặng về chi phí…

>>Thu phí cảng biển TP HCM: Tiền thu phải đầu tư, nâng cấp đường vào cảng

Theo đó, ngày 16/2, UBND TP. Hồ Chí Minh đã vận hành thử nghiệm hệ thống thu phí tại cảng biển trước khi đưa vào vận hành chính thức hệ thống này vào ngày 1/4 tới đây.

UBND TP. HCM khởi động thu phí cảng biển khiến nhiều doanh nghiệp thủy sản lo ngại về việc tăng gánh nặng về chi phí

UBND TP. HCM khởi động thu phí cảng biển khiến nhiều doanh nghiệp thủy sản lo ngại

Trước thực trạng đã nêu, cộng đồng doanh nghiệp thủy sản không khỏi lo lắng, và cho rằng, thời điểm hiện nay, việc vận hành thử nghiệm hệ thống thu phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ và tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển là chưa phù hợp, làm tăng gánh nặng về chi phí, trong khi nhiều doanh nghiệp vẫn đang gặp khó khăn và chưa thực sự phục hồi.

Theo khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), năm 2021, có tới 93,9% doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực bởi dịch COVID-19. Hầu hết các doanh nghiệp thuộc tất cả các lĩnh vực ngành nghề và các địa phương đều phải đương đầu với các vấn đề do dịch COVID-19 gây ra như: khó tiếp cận khách hàng, mất cân đối dòng tiền, thiếu hụt nhân công, đứt gãy chuỗi cung ứng… có tới 119,8 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 17,8% so với năm 2020.

Thông tin với Diễn đàn Doanh nghiệp, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, trong tuần qua, văn phòng VASEP đã nhận được nhiều phản ánh của các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản về việc khởi động thu phí cảng biển của TP. HCM. Theo các doanh nghiệp, việc áp dụng thu phí hạ tầng cảng biển cao tại thời điểm hiện nay là không hợp lý.

Bởi, từ đầu năm 2021 - tháng 10/2021, hầu hết doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản vừa phải ngưng hoạt động vì dịch bệnh COVID-19, vừa phải lo trả tiền lương cho công nhân. Cho đến nay, nhiều doanh nghiệp cũng đang gặp khó khăn và chưa thực sự hồi phục, việc TP. HCM áp dụng thu phí cảng biển sẽ làm tăng gánh nặng về chi phí cho doanh nghiệp.

Thực tế, theo khảo của VASEP cho thấy, tính tới cuối tháng 8/2021, chỉ có khoảng 30-40% doanh nghiệp thủy sản tại các tỉnh thành phía Nam đáp ứng được “3 tại chỗ”; khoảng 30-40% doanh nghiệp không đủ thực hiện “3 tại chỗ” đã phải ngừng sản xuất, số phần trăm còn lại đã tạm dừng sản xuất để tổ chức lại nhà máy thực hiện “3 tại chỗ”. Với những nhà máy thực hiện được phương án này thì lượng công nhân có thể huy động được khoảng từ 30-50% tổng số lượng lao động, số còn lại nghỉ việc hoặc nghỉ không lương, công suất chế biến đã giảm từ 50-60% so với trước đó.

>>Sau nhiều lần tạm hoãn, TP HCM thử nghiệm thu phí cảng biển

Ước tính công suất chung của cả vùng đã giảm từ 60-70%. Trong đó, Tiền Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Đồng Tháp là các tỉnh có số lượng doanh nghiệp thủy sản ngừng hoạt động hoàn toàn hoặc tạm ngừng sản xuất nhiều nhất để tổ chức lại thực hiện “3 tại chỗ”. Cho tới tháng 10/2021, nhiều địa phương thực hiện tiêm phủ vaccine thần tốc thì doanh nghiệp cũng chỉ có thể hoạt động tối đa 60%.

việc TP. HCM áp dụng thu phí cảng biển sẽ làm tăng gánh nặng về chi phí cho doanh nghiệp thủy sản

Việc TP. HCM áp dụng thu phí cảng biển sẽ làm tăng gánh nặng về chi phí cho doanh nghiệp thủy sản

Theo VASEP, quý đầu năm 2022, mặc dù thị trường nhập khẩu thủy sản thế giới đang có dấu hiệu phục hồi và khả quan, nhưng chi phí cho sản xuất, cước vận tải biển tăng quá cao, thiếu nguyên liệu, thiếu công nhân… đang khiến cho cộng đồng doanh nghiệp thủy sản bị giảm lợi nhuận.

“Việc phải đầu tư, nâng cấp đường vào cảng nhằm tránh ùn tắc, tăng chi phí logistics cho đô thị cảng biển lớn cả nước là điều cần thiết. Tuy nhiên, giữa bối cảnh doanh nghiệp còn chưa vực dậy được sau những tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19, thì việc TP. HCM khởi động việc thu phí hạ tầng cảng biển từ 01/4 là thời điểm không phù hợp và tạo nên tình trạng “phí chồng phí”, VASEP nêu quan điểm.

Bên cạnh đó, VASEP cũng cho rằng, hiện nay, hơn 70% lượng hàng thủy sản xuất nhập khẩu của cả nước đều tập trung tại các cảng biển của TP. HCM. Trong khi đó, các chi phí logistics của Việt Nam cũng đang ở mức cao so với các nước trong khu vực, làm giảm sức cạnh tranh đáng kể của các doanh nghiệp thủy sản. Nếu cộng thêm chi phí cảng biển, một doanh nghiệp thủy sản quy mô trung bình sẽ phát sinh từ 3 - 3,5 tỷ đồng/năm; với doanh nghiệp lớn hơn khoảng 13,5 - 14 tỷ đồng/năm.

Chưa kể, nhiều doanh nghiệp thủy sản cũng cảm thấy bức xúc khi đối với hàng hóa nhập khẩu, hàng hóa xuất khẩu mở tờ khai ngoài TP. HCM (doanh nghiệp ở tỉnh khác) thì bị thu mức phí cao gấp đôi so với doanh nghiệp mở tờ khai Hải quan tại TP. HCM và hiện trạng kho ngoại quan đang trữ nguyên liệu thuỷ sản nhập khẩu phục vụ gia công xuất khẩu với phí sử dụng hạ tầng cảng biển rất cao, 2.200.000 đồng/cont đối với container 20ft; 4.400.000 đồng/cont đối với container 40ft.

Do vậy, VASEP cho rằng, TP. HCM cần thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển một cách công bằng và nên áp dụng chung một mức thu 250.000 đồng/cont đối với container 20ft; 500.000 đồng/cont với container 40ft và 15.000 đồng/tấn đối với hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container.

“Trong bối cảnh Chính phủ đang có nhiều biện pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh với trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, liệu quyết định này của UBND TP. HCM khởi động thu phí cảng biển tại thời điểm hiện nay có phù hợp?”, VASEP quan ngại.

Mức phí sử dụng hạ tầng cảng biển TP. HCM

Với hàng tạm nhập tái xuất, hàng gửi kho ngoại quan, hàng quá cảnh, hàng chuyển khẩu, áp dụng mức thu 50.000 đồng/tấn với hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container; 4,4 triệu đồng/cont với container 40ft và 2,2 triệu đồng/cont với container 20ft.

Với hàng hóa nhập khẩu, hàng hóa xuất khẩu mở tờ khai ngoài TP. HCM thu 500.000 đồng/cont đối với container 20ft; 1 triệu đồng/cont với container 40ft và 30.000 đồng/tấn với hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container.

Hàng hóa nhập khẩu, hàng hóa xuất khẩu mở tờ khai tại TP. HCM thu 250.000 đồng/cont đối với container 20ft, 500.000 đồng/cont với container 40ft và 15.000 đồng/tấn với hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container.

Có thể bạn quan tâm

  • Thu phí cảng biển TP HCM: Tiền thu phải đầu tư, nâng cấp đường vào cảng

    Thu phí cảng biển TP HCM: Tiền thu phải đầu tư, nâng cấp đường vào cảng

    11:00, 28/02/2022

  • Sau nhiều lần tạm hoãn, TP HCM thử nghiệm thu phí cảng biển

    Sau nhiều lần tạm hoãn, TP HCM thử nghiệm thu phí cảng biển

    11:23, 17/02/2022

  • Đề nghị dừng thu phí cảng biển năm 2021 và giảm 50% năm 2022

    Đề nghị dừng thu phí cảng biển năm 2021 và giảm 50% năm 2022

    02:00, 20/10/2021

  • Đề xuất lùi thời gian thu phí cảng biển TP HCM: 3 tháng là quá ngắn!

    Đề xuất lùi thời gian thu phí cảng biển TP HCM: 3 tháng là quá ngắn!

    04:00, 23/06/2021

  • Đề xuất thu phí cảng biển “cản đường” phát triển của doanh nghiệp

    Đề xuất thu phí cảng biển “cản đường” phát triển của doanh nghiệp

    04:50, 15/06/2021

GIA NGUYỄN