Cần kéo dài chính sách xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42
Theo VCCI, Nghị quyết 42/2017/QH14 có ý nghĩa quan trọng trong việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và đã phát huy hiệu quả thực tế, cần được kéo dài cho đến khi có Luật về xử lý nợ xấu…
>>> Luật hóa Nghị quyết 42 để hạn chế nợ xấu
Theo đó, trả lời Công văn số 1179/NHNN-PC của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc xin ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết về việc kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (Dự thảo). Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, đây là chính sách có ý nghĩa quan trọng trong việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và đã phát huy hiệu quả thực tế sau 5 năm thí điểm. Hơn nữa dịch bệnh COVID-19 đang ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp và chất lượng tín dụng của các ngân hàng, nguy cơ nợ xấu tăng nhanh trong thời gian tới rất cao.
Do đó, VCCI đồng thuận với phương án ban hành Nghị quyết kéo dài thời hạn của chính sách này, cho đến khi có Luật về xử lý nợ xấu.
Tại văn bản trả lời, VCCI cũng cho biết, đơn vị đã và đang triển khai lấy ý kiến các doanh nghiệp, hiệp hội trên phạm vi cả nước là đối tượng chịu sự tác động của Dự thảo này theo quy định và sẽ chuyển tới Cơ quan soạn thảo khi nhận được ý kiến phản hồi.
Trước đó, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14 sau gần 5 năm thực hiện, Ngân hàng Nhà nước cho hay, xử lý nợ xấu đã đạt kết quả tích cực. Khách hàng tự nguyện, chủ động và hợp tác hơn trong việc trả nợ tổ chức tín dụng.
Thực tế, báo cáo của các tổ chức tín dụng cũng nêu rõ, lũy kế từ ngày 15/8/2017 đến ngày 30/11/2021, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 373.300 tỷ đồng nợ xấu; trong đó xử lý nợ xấu nội bảng là 193.300 tỷ đồng; xử lý các khoản nợ đang hạch toán ngoài bảng cân đối kế toán là 98.400 tỷ đồng...
Tổng số nợ xấu được xử lý trong thời gian áp dụng Nghị quyết 42/2017/QH14 đạt trung bình khoảng 5.660 tỷ đồng/tháng, cao hơn khoảng 2.140 tỷ đồng/tháng so với kết quả xử lý nợ xấu trung bình tại thời điểm trước khi Nghị quyết 42/2017/QH14 có hiệu lực.
Do đó, để thực hiện mục tiêu phấn đấu xử lý và kiểm soát tỉ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các tổ chức tín dụng ở mức dưới 2% trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước đề nghị thời gian áp dụng nghị Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội kéo dài đến ngày 15/8/2025 thay vì hạn cuối là 15/8 năm nay. Đồng thời, trong thời gian kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết, đơn vị này cũng đề xuất Chính phủ xây dựng Luật về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Có thể bạn quan tâm
Kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu có hợp lý?
04:50, 09/03/2022
Những đề xuất và kiến nghị xử lý nợ xấu theo hướng thị trường
14:00, 23/02/2022
Xử lý nợ xấu (Bài 1): Ngân hàng gặp khó và vướng mắc trong thực hiện Nghị quyết 42
14:00, 19/02/2022
Xử lý nợ xấu (Bài 2): Ngân hàng gặp khó trong thực hiện Nghị quyết 42 ra sao?
14:00, 21/02/2022
Những biện pháp hỗ trợ xử lý nợ xấu từ NHNN và Chính phủ
11:10, 19/02/2022