Một trong các biện pháp xử lý nợ phổ biến đang được các ngân hàng cũng như BIDV áp dụng là bán toàn bộ khoản nợ cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu mua nợ theo quy định của pháp luật.
Xử lý nợ xấu (Bài 1): Ngân hàng gặp khó và vướng mắc trong thực hiện Nghị quyết 42
Ngoài ra, hiện nay VAMC đã thành lập sàn giao dịch nợ để phục vụ nhu cầu mua bán, trao đổi thông tin của các tổ chức tín dụng cũng như các khách hàng có nhu cầu mua khoản nợ của các ngân hàng, hứa hẹn sẽ đặt nền móng phát triển cho thị trường mua bán nợ tại Việt Nam trong tương lai gần.
Để tạo dựng một thị trường mua bán nợ chuyên nghiệp, công khai, minh bạch thì cơ sở pháp lý trong việc xác định giá trị khoản nợ – đối tượng được giao dịch – là rất cần thiết. Tuy nhiên, hiện nay cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (Bộ Tài chính) vẫn chưa ban hành quy định, hướng dẫn cách thức thẩm định giá khoản nợ của tổ chức tín dụng (TCTD). Nội dung này gây nhiều khó khăn cho TCTD cũng như khách hàng có nhu cầu mua nợ trong việc xem xét giá trị khoản nợ, cũng như sẽ tiềm ẩn rủi ro trong hoạt động mua bán nợ vì khi TCTD bán nợ thì việc thẩm định, xác định giá trị khoản nợ cơ bản chỉ dựa trên giá trị của tài sản đảm bảo (TSBĐ).
Những vướng mắc trong áp dụng quy định của Nghị quyết 42 (NQ42)
Về quyền thu giữ TSBĐ: Quyền thu giữ TSBĐ là một trong những nội dung trọng tâm tại NQ42. Tuy nhiên, thực tế triển khai cho thấy việc áp dụng quy định này còn nhiều vướng mắc, số lượng TSBĐ thu giữ thành công còn tương đối thấp (BIDV chỉ thực hiện thu giữ TSBĐ theo Điều 7 NQ42 đối với 42 khách hàng, tổng số tiền thu hồi được khoảng 115 tỷ đồng), nguyên nhân bởi:
NQ42 chưa quy định chế tài xử lý hoặc cơ chế, cách thức tiến hành cưỡng chế trong trường hợp bên bảo đảm, bên giữ tài sản không hợp tác. Do đó, khi thực hiện quyền thu giữ TSBĐ trên thực tế, TCTD gần như phụ thuộc vào sự phối hợp của bên bảo đảm. Trong khi đó, đến thời điểm ngân hàng xử lý nợ thì đa số bên bảo đảm đều không hợp tác.
Trên thực tế, khi thực hiện thu giữ TSBĐ là nhà ở hoặc công trình gắn liền với đất (nhà xưởng, nhà kho,...) thì ngoài TSBĐ còn có những tài sản khác không thuộc TSBĐ được đặt trong/gắn với TSBĐ như vật dụng, đồ đạc, thiết bị, dụng cụ, vật tư,... tuy nhiên pháp luật chưa quy định về trình tự, thủ tục thông báo, cưỡng chế tháo dỡ, di dời, bảo quản, xử lý... mà TCTD, cơ quan có thẩm quyền phải thực hiện đối với các loại tài sản này.
Về áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp: Sau khi NQ42 của Quốc hội có hiệu lực, Tòa án Nhân dân Tối cao đã ban hành Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 để hướng dẫn áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp liên quan đến TSBĐ. Thủ tục rút gọn được kỳ vọng góp phần đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu, tuy nhiên đến nay BIDV chưa có vụ án nào được Tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp theo thủ tục rút gọn dù đã có yêu cầu (đã đề nghị xử lý 08 hồ sơ). Theo nhận định của chúng tôi, vấn đề này xuất phát từ một số nguyên nhân sau:
Theo quy định của Bộ Luật tố tụng dân sự, trong giai đoạn chuẩn bị xét xử vụ án theo thủ tục rút gọn, nếu xuất hiện tình tiết mới mà các bên đương sự không thống nhất thì sẽ khiến vụ án không còn đủ điều kiện giải quyết theo thủ tục rút gọn, Tòa án phải ra quyết định chuyển sang giải quyết theo thủ tục thông thường. Quy định như trên tạo “kẽ hở” cho bên nợ, bên bảo đảm cố tình tạo ra các tình tiết mới để không đủ điều kiện áp dụng theo thủ tục rút gọn, kéo dài thời gian giải quyết.
Một số Tòa án có quan điểm cho rằng chỉ áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết các tranh chấp về nghĩa vụ giao TSBĐ hoặc về quyền xử lý TSBĐ. Trong khi đó, để xác định các quyền, nghĩa vụ này thì TCTD buộc phải khởi kiện yêu cầu giải quyết tranh chấp về quan hệ cho vay, làm cơ sở để xác định quyền xử lý TSBĐ do bên vay vi phạm nghĩa vụ trả nợ. Vì vậy, Tòa án xác định tranh chấp giữa TCTD với khách hàng là tranh chấp về hợp đồng tín dụng, không chỉ là tranh chấp về quan hệ bảo đảm nên không thuộc phạm vi áp dụng thủ tục rút gọn theo quy định tại NQ42 và Nghị quyết 03
Xử lý nghĩa vụ tài chính tồn đọng của bên bảo đảm: Điều 12, Điều 15 NQ42 quy định rõ quyền ưu tiên thanh toán cho TCTD khi khi xử lý TSBĐ của khoản nợ xấu. Theo đó, khi xử lý TSBĐ của khoản nợ xấu thì TCTD và người mua tài sản không phải thực hiện nghĩa vụ thuế, phí khác của bên bảo đảm (như nợ tiền sử dụng đất, nợ tiền thuê đất,…). Tuy nhiên, thực tế khi thực hiện thủ tục sang tên TSBĐ thì cơ quan thuế từ chối chuyển hồ sơ liên quan đến thuế cho Văn phòng Đăng ký đất đai nếu các bên chưa nộp đủ các loại thuế/tiền thuê đất còn nợ trước đây (đây là nghĩa vụ tài chính tồn đọng của bên bảo đảm, không liên quan trực tiếp đến giao dịch chuyển nhượng TSBĐ), dẫn đến không thực hiện được thủ tục sang tên cho người mua được tài sản.
Tình trạng nêu trên đặt các TCTD vào thế “tiến thoái lưỡng nan” do nếu thống nhất với cơ quan thuế về việc dùng tiền thu được từ việc xử lý TSBĐ để thanh toán các khoản án phí, nghĩa vụ thuế của bên bảo đảm thì chưa phù hợp với NQ42; ngược lại, trường hợp TCTD đề nghị không thanh toán các khoản nghĩa vụ này thì không hoàn tất được giao dịch, dẫn đến việc bên mua đề nghị hủy giao dịch mua bán TSBĐ và yêu cầu TCTD hoàn trả lại tiền mua tài sản.
Thực tế, tại BIDV chỉ có khoảng 21 trường hợp không phải thực hiện nghĩa vụ thuế, phí khác của bên bảo đảm từ số tiền chuyển nhượng TSBĐ khi thực hiện thủ tục đăng ký, thay đổi quyền sở hữu, quyền sử dụng TSBĐ; với tổng giá trị TSBĐ khi chuyển nhượng là 143 tỷ đồng và tổng nghĩa vụ thuế, phí không phải thực hiện là 17,7 tỷ đồng.
Ngân hàng Big 3 "phòng thủ" với rủi ro nợ xấu ra sao?
Thủ tục thay đổi đăng ký giao dịch bảo đảm sau khi mua bán nợ: Theo quy định của NQ42, bên mua nợ của TCTD được quyền nhận thế chấp, đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất là TSBĐ của khoản nợ đã mua. Tuy nhiên thực tế, sau khi bán nợ cho cá nhân, tổ chức, bên mua nợ đều không hoàn thiện được thủ tục thay đổi đăng ký thế chấp (thay đổi bên nhận thế chấp từ TCTD sang bên mua nợ) do Văn phòng đăng ký đất đai từ chối với lý do theo quy định của Luật Đất đai thì tổ chức chỉ được thế chấp quyền sử dụng đất tại các TCTD.
Quy định về bán nợ xấu có TSBĐ đang bị kê biên còn bất cập: Theo quy định tại Điều 13 NQ42: “TCTD được quyền bán khoản nợ xấu mà khoản nợ xấu đó có TSBĐ đang bị kê biên cho tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu, doanh nghiệp có chức năng kinh doanh mua, bán nợ”. Vì vậy, trong trường hợp TSBĐ của khoản nợ xấu đang bị kê biên thì các khách hàng là cá nhân hoặc doanh nghiệp không có chức năng kinh doanh mua, bán nợ không được mua khoản nợ xấu của TCTD.
Trong khi đó, đối với các khoản nợ không thuộc đối tượng nợ xấu theo NQ42, kể cả trong trường hợp TSBĐ bị kê biên thì TCTD vẫn được phép bán nợ cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu mua nợ theo quy định tại Thông tư 09/2015/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước
Kiến nghị và để xuất xử lý nợ xấu
NQ42 được Quốc hội ban hành có vai trò thực hiện thí điểm một số chính sách mới chưa có luật điều chỉnh hoặc khác với quy định của luật hiện hành. Đến nay sau hơn 04 năm triển khai và áp dụng, các quy định của NQ42 đã thể hiện rõ tính ưu điểm, phù hợp với cuộc sống thực tiễn cũng như định hướng, chính sách đúng đắn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, tạo niềm tin đối với hệ thống các TCTD nói riêng và toàn bộ xã hội nói chung đối với công tác xử lý nợ xấu trong nền kinh tế.
Bên cạnh những kết quả đạt được, với ý nghĩa là một chính sách mới, đang được thực hiện thí điểm, trong quá trình triển khai Nghị quyết sẽ khó tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc nhất định. Xuất phát từ những khó khăn trong hoạt động xử lý nợ nói chung cũng như vướng mắc trong thực hiện NQ42 nói riêng nêu trên, chúng tôi cho rằng việc các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nghiên cứu, luật hóa NQ42 để ban hành Luật Xử lý nợ xấu trong giai đoạn hiện nay là rất cần thiết, bởi các lý do sau:
Giải quyết xung đột pháp luật; bổ sung cơ chế, chính sách pháp luật cần thiết:
Các quy định trong NQ42 được điều chỉnh hoặc liên quan đến nhiều văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành khác, như: Bộ Luật dân sự, Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Quản lý thuế,… Trong đó, một số văn bản pháp luật được ban hành sau thời điểm NQ42 có hiệu lực.
Vì vậy, để giải quyết sự chưa thống nhất, xung đột pháp lý giữa quy định tại NQ42 với các văn bản pháp luật khác, cũng như bổ sung cơ chế, chính sách pháp luật cần thiết liên quan đến hoạt động xử lý nợ xấu để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nêu trên thì việc ban hành Luật Xử lý nợ xấu để thay thế NQ42 là rất cần thiết.
Đồng bộ hệ thống luật và các văn bản dưới luật về xử lý nợ xấu:
Trong trường hợp Quốc hội xem xét, thông qua việc luật hóa NQ42 thì sau khi Luật Xử lý nợ xấu được ban hành và triển khai áp dụng, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cũng như các cơ quan chức năng có liên quan sẽ có cơ sở để tổng kết thực tiễn, nghiên cứu và đề xuất ban hành đồng bộ các Nghị định, Thông tư quy định, hướng dẫn cụ thể nhằm giải quyết các vấn đề, vướng mắc phát sinh xoay quanh việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Việc đồng bộ hệ thống luật và các văn bản dưới luật liên quan đến xử lý nợ xấu sẽ là tiền đề quan trọng để xây dựng hành lang pháp lý cần thiết, hình thành một môi trường kinh tế lành mạnh, hoạt động cấp tín dụng và xử lý nợ chuyên nghiệp, bài bản cho Việt Nam, góp phần nâng cao mức độ an toàn, lành mạnh của hệ thống ngân hàng Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm