Một số quy định trong dự thảo Luật Tần số vô tuyến điện (sửa đổi) còn bất cập
Góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện, VCCI cho rằng, cơ quan soạn thảo cần xem xét, cân nhắc một số quy định được cho còn bất cập…
>> Sửa Luật Nhà ở: 4 "nút thắt" của nhà ở xã hội
Theo đó, trả lời Công văn số 1632/BTTTT-CTS ngày 29/4/2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị góp ý kiến vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện (dự thảo), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, một số quy định tại dự thảo còn bất cập, cần được xem xét, cân nhắc.
Cụ thể, về Giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện, khoản 2 Điều 16 của Luật Tần số vô tuyến điện 2009 quy định, giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện sẽ được cấp “kèm theo các điều kiện cụ thể” nhưng Luật cũng như dự thảo không quy định rõ các điều kiện cụ thể này là gì. Các điều kiện này được hiểu là sự hạn chế quyền sử dụng tần số của doanh nghiệp được cấp, cũng chính là hạn chế quyền tài sản của doanh nghiệp.
>> Sửa Luật Nhà ở: Cần định danh cho bất động sản du lịch
Và theo quy định tại Điều 14.2 của Hiến pháp 2013, việc hạn chế quyền chỉ được quy định trong luật, chứ không phải văn bản dưới luật.
Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung rõ quy định về các điều kiện cụ thể trong giấy phép vào trong luật này, như quan điểm VCCI đã góp ý đối với đề nghị xây dựng Luật.
Về điều kiện để được cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện trong trường hợp đấu giá, theo VCCI, khoản 2 Điều 19, khoản 2 Điều 20 và khoản 2 Điều 21 đưa ra nhiều các điều kiện để được cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện. Các điều kiện này được suy đoán là nhằm loại bỏ một số cá nhân, tổ chức xin giấy phép tần số sau đó không sử dụng, gây lãng phí và cản trở các cá nhân, tổ chức khác có thể sử dụng hiệu quả hơn.
Như vậy, các điều kiện này phù hợp với trường hợp cấp phép trực tiếp hoặc thông qua thi tuyển nhưng dường như không phù hợp với trường hợp cấp phép thông qua đấu giá. Trong trường hợp đấu giá, bên tham gia đã phải trả chi phí rất lớn để có được quyền sử dụng tần số.
“Nếu người trúng đấu giá không sử dụng tần số một cách hiệu quả thì sẽ chịu thua lỗ lớn. Do đó, việc quy định thêm các điều kiện trên dường như không còn cần thiết, nếu bỏ các điều kiện này đi, có thể sẽ giúp tăng thêm các đơn vị tham gia đấu giá, giúp cuộc đấu giá trở nên cạnh tranh và lành mạnh hơn”, VCCI phân tích.
Từ đó, VCCI cho rằng, biện pháp này cũng tương tự như việc cấp quyền sử dụng đất hiện nay. Nếu doanh nghiệp xin đất không qua đấu giá hoặc xin chuyển mục đích sử dụng đất thì cần phải xin chấp thuận chủ trương đầu tư, mục đích là để Nhà nước bảo đảm rằng doanh nghiệp đó sẽ sử dụng đất hiệu quả. Nhưng nếu doanh nghiệp mua đất qua đấu giá thì không cần làm thủ tục xin chủ trương đầu tư.
“Với những lý do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ các quy định về điều kiện cấp phép tần số trong các Điều 19, 20, 21 trong trường hợp cấp phép qua phương thức đấu giá.
Cơ quan soạn thảo bổ sung quy định về việc thu hồi giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện khi doanh nghiệp không sử dụng tần số trong hai năm (sửa đổi Điều 23). Quy định này cũng chỉ phù hợp với các doanh nghiệp được cấp phép tần số qua hình thức trực tiếp hoặc thi tuyển. Đối với trường hợp cấp phép qua đấu giá thì quyền sử dụng tần số đã trở thành quyền tài sản của doanh nghiệp, do đó, việc thu hồi sẽ phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định trên đối với trường hợp cấp phép qua đấu giá. Lưu ý, cơ quan Nhà nước vẫn có thể tiến hành thu hồi nếu doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ tài chính để duy trì quyền sử dụng tần số, băng tần”, VCCI góp ý.
Bên cạnh đó, về Cam kết triển khai mạng viễn thông, dự thảo bổ sung khoản 4, 5, 6 vào Điều 20 về cấp giấy phép sử dụng băng tần. Theo đó, doanh nghiệp muốn được cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện để triển khai mạng viễn thông thì phải đáp ứng điều kiện: “Có cam kết triển khai mạng viễn thông theo quy định tại khoản 6 Điều này;”.
Tuy nhiên, theo VCCI, quy định về cam kết tại khoản 4 có điểm còn chưa bảo đảm rõ ràng, dễ gây ra các cách áp dụng khác nhau khi triển khai trên thực tế. Ví dụ như quy định: “Cam kết triển khai mạng viễn thông gồm một hoặc một số nội dung về…” sẽ không rõ trường hợp nào doanh nghiệp phải cam kết nhiều hơn một nội dung và các nội dung đó là gì.
Quan trọng hơn, các quy định tại khoản 4 liên quan trực tiếp đến quyền kinh doanh của doanh nghiệp. Theo tinh thần của Luật Đầu tư, các quy định này cần thiết phải được quy định cụ thể ngay ở cấp luật hoặc nghị định.
Do đó, VCCI đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc sửa quy định uỷ quyền cho Chính phủ hướng dẫn nội dung này, thay vì giao Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông như tại dự thảo.
Ngoài ra, VCCI cũng đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, cân nhắc về các quy định liên quan đến Lượng băng tần tối đa với mỗi tổ chức và Điều chỉnh quy hoạch tần số vô tuyến điện.
Có thể bạn quan tâm
Góp ý Dự thảo sửa đổi Nghị định 82: Nhiều ưu đãi cho khu công nghiệp sinh thái chưa thiết thực
03:00, 06/11/2021
Mời góp ý Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025
12:42, 23/09/2021
Góp ý dự thảo sửa đổi Nghị định 82/2018/NĐ-CP/2018
20:58, 18/09/2021
VCCI góp ý Dự thảo Thông tư về giám sát hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu chuyển cửa khẩu
03:33, 14/08/2021
VCCI góp ý Dự thảo Thông tư về phát ngôn và cung cấp thông tin của Ngân hàng Nhà nước
05:07, 20/07/2020