Cần luật hóa chính sách để ngành cơ khí… phát triển
Trước những tồn tại đang hiện hữu, theo Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI), chỉ khi các cơ chế, chính sách phát triển ngành cơ khí được luật hóa thì ngành này mới có cơ hội phát triển...
>> Lành mạnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Cần luật hóa các… chuẩn mực
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, trung bình 5 - 10 năm qua, Việt Nam thường nhập khẩu từ nước ngoài trên dưới 40 tỷ USD/năm các trang thiết bị, máy, vật tư sản xuất cho toàn ngành kinh tế bao gồm sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng hạ tầng, dịch vụ và an ninh quốc phòng.
Thế nhưng, ngành cơ khí nội địa Việt Nam lại không có được nhiều thị phần, phải “tự bơi” trong cơ chế thị trường chưa hoàn thiện còn nhiều bất cập và chưa nhận được sự hỗ trợ hữu hiệu từ hệ thống chính sách của Nhà nước để có nhiều đơn hàng từ đầu tư công như các nước khác, thậm chí chậm phát triển, tụt hậu so với nhiều quốc gia trong khu vực.
Trước những tồn tại đang hiện hữu, theo VAMI, một trong những nguyên nhân khiến ngành công nghiệp cơ khí chế tạo của Việt Nam, là do thiếu cơ chế, chính sách đủ mạnh. Vì vậy, khi các cơ chế, chính sách phát triển ngành cơ khí được luật hóa thì ngành này mới có cơ hội phát triển.
Thông tin với báo chí, ông Nguyễn Chỉ Sáng - Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký VAMI cho biết, sau 3 thập niên thực hiện công nghiệp hóa - hiện đại hóa, đã hình thành được một số ngành sản xuất công nghiệp (năng lượng, giao thông vận tải, cơ khí, xây dựng), nông lâm ngư nghiệp, bưu chính viễn thông, du lịch nhưng đa phần công nghệ sản xuất, chất lượng sản phẩm còn ở trình độ chưa cao. Công nghiệp cơ khí chế tạo phát triển chậm, thậm chí bị tụt hậu so với nhiều quốc gia trong khu vực.
Thực tế, ước tính, trong vòng 5 năm trở lại đây, tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành cơ khí đạt 35% nhu cầu của thị trường nội địa. Hầu hết máy móc, thiết bị lĩnh vực cơ khí đều phải nhập ngoại, trừ một số thiết bị Chính phủ định hướng chế tạo trong nước như: thiết bị cơ khí thủy công của nhà máy thủy điện, một số thiết bị của nhà máy nhiệt điện như hệ thống cung cấp than, lọc bụi tĩnh điện, hệ thống thải tro xỉ, máy biến thế các loại, các hệ thống vận chuyển, kết cấu thép.
>> Kết luận số 14-KL/TW: Cần luật hoá!
Trong ngành máy nông nghiệp, các doanh nghiệp cơ khí trong nước mới làm chủ thị trường xay xát, chế biến lúa gạo, cung cấp 40% thị phần máy động lực công suất dưới 80 HP…, còn lại phần lớn máy móc, thiết bị đều phải nhập khẩu. Việc sản xuất các thiết bị thăm dò, khai thác dầu khí hay thiết bị cho ngành đóng tàu dù đã có những bước tiến, song chưa được như kỳ vọng.
Theo Tổng thư ký VAMI, rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu và sản phẩm được cung cấp cho các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam cũng như xuất khẩu tới các nước phát triển. Tuy nhiên, số lượng công ty tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu còn ít, chủng loại hàng hóa chất lượng cao chưa nhiều, giá trị hàng hóa của ngành công nghiệp hỗ trợ còn khiêm tốn.
Vậy “nút thắt” nào đang kìm hãm sự phát triển của ngành cơ khí? Trả lời câu hỏi đã nêu, Tổng thư ký VAMI cho rằng, nguyên nhân chính là Việt Nam chưa có khung pháp lý thống nhất, đồng bộ và đủ mạnh làm cơ sở thúc đẩy phát triển ngành cơ khí.
“Thời gian qua, đã có một số văn bản pháp luật về phát triển cơ khí được ban hành như Chiến lược phát triển cơ khí theo Quyết định số 319/QĐ-CP, một số nghị định về phát triển công nghiệp hỗ trợ… Tuy nhiên, Quyết định này quá chung chung, không đưa ra được định hướng cũng như cơ chế nào cho ngành cơ khí. Ngoài ra còn có một số cơ chế về nội địa hóa thiết bị các nhà máy nhiệt điện trong Quyết định số 1791/QĐ-TTg nhưng không có chế tài để thực hiện”, Tổng thư ký VAMI chia sẻ.
Theo các chuyên gia, trong thời gian tới, cơ hội cho ngành cơ khí Việt Nam là rất lớn, bởi Việt Nam sẽ triển khai nhiều dự án quan trọng quốc gia có tổng mức đầu tư lớn như: Quy hoạch điện VIII giai đoạn từ 2021 - 2030 khoảng 133 tỷ USD, đường sắt tốc độ cao 50-60 tỷ USD, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các tuyến đường sắt nội đô, các công trình giao thông, thủy lợi, dầu khí, kinh tế biển, đóng tàu, ô tô, xe máy… cho thấy, nhu cầu về máy móc, thiết bị từ nay đến năm 2035 là rất lớn.
Từ đó, để nắm bắt cơ hội này, VAMI đề xuất, cần sớm xây dựng Luật Cơ khí, tạo lập khung pháp lý thống nhất, đồng bộ và đủ mạnh để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, thúc đẩy ngành cơ khí phát triển. Bởi, khi Luật Cơ khí ra đời sẽ có những cơ chế, chính sách khuyến khích, thúc đẩy ngành phát triển, đem lại công ăn việc làm, giảm giá thành đầu tư, tự chủ trong quá trình đầu tư, xây dựng và vận hành thiết bị.
Có thể bạn quan tâm
Cần sớm xây dựng Luật Cơ khí
00:04, 07/05/2022
Lành mạnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Cần luật hóa các… chuẩn mực
04:00, 29/04/2022
Kết luận số 14-KL/TW: Cần luật hoá!
04:00, 29/09/2021
Dứt điểm nạn “bóp méo” quy hoạch: Cần luật hóa thành tội danh công trình sai phép
00:05, 16/07/2021
Loạt dự án tai tiếng của Promexco khi bị ngân hàng rao bán nợ
05:00, 28/02/2022