Quan ngại chồng chéo trong Dự thảo Thông tư về trồng rừng thay thế
Góp ý Dự thảo Thông tư quy định về trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, VCCI cho rằng, cần xem xét một số nội dung để tránh chồng chéo pháp luật…
>> Khuất tất tại dự án trồng rừng Gia Lai
Trả lời Công văn số 5296/BNN-TCLN ngày 11/8/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư quy định về trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác (Dự thảo), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, Dự thảo chưa minh định vấn đề chủ sở hữu rừng trồng thay thế. Bởi, đây là vấn đề quan trọng ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của các bên đối với rừng trồng thay thế.
“Khi không rõ ai là chủ sở hữu rừng thì sẽ có rất nhiều vấn đề đặt ra như quyền cho thuê mượn, chuyển nhượng, thế chấp tài sản, thụ hưởng tiền dịch vụ môi trường rừng, được đền bù khi Nhà nước thu hồi rừng, nghĩa vụ phòng cháy chữa cháy, báo cáo diễn biến rừng… và rất nhiều vấn đề khác về quyền tải sản đối với rừng”, VCCI phân tích.
Theo VCCI, Dự thảo cũng đã có một số quy định phần nào đó thể hiện quan hệ sở hữu, ví dụ như việc giao, cho thuê đất và việc hưởng lợi từ rừng trồng thay thế. Tuy nhiên, đây mới chỉ là một vài yếu tố của quyền sở hữu mà chưa bao trùm được hết các vấn đề.
Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định làm rõ chế độ sở hữu đối với rừng trồng thay thế, làm cơ sở để các bên liên quan áp dụng các quy định trong Bộ luật Dân sự, Luật Lâm nghiệp và các quy định pháp luật khác về quyền và nghĩa vụ của chủ tài sản là rừng.
Cũng theo VCCI, Dự thảo đưa ra hai cơ chế trồng rừng thay thế, gồm chủ dự án tự trồng rừng và chủ dự án nộp tiền cho Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng. Tuy nhiên, Dự thảo chưa có quy định làm rõ trường hợp chủ dự án thoả thuận với một bên thứ ba có chuyên môn trồng rừng thay thế giúp mình. Bởi, đây là hình thức mang lại nhiều lợi ích tổng thể cho xã hội do việc trồng rừng được thực hiện bởi một bên chuyên nghiệp hơn giúp tăng hiệu quả và giảm chi phí trồng rừng.
“Khi cho phép một thoả thuận như vậy sẽ phát sinh vấn đề minh định rõ về quyền và nghĩa vụ giữa các bên”, VCCI bày tỏ.
Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định cho phép chủ dự án thoả thuận với một bên thứ ba trồng rừng thay thế và xác định rõ quyền và nghĩa vụ của các bên trong trường hợp này.
Bên cạnh những nội dung đã nêu, để tránh chồng chéo với pháp luật khoáng sản và bảo vệ môi trường, VCCI cho rằng, Luật Khoáng sản và Luật Bảo vệ môi trường đã có quy định về cải tạo phục hồi môi trường sau khi đóng cửa mỏ và đóng cửa bãi chôn lấp chất thải. Chủ dự án trong các trường hợp này sẽ phải lập phương án cải tạo, phục hồi môi trường và cũng đã phải thực hiện nghĩa vụ ký quỹ bảo vệ môi trường để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.
Theo VCCI, trong trường hợp một dự án khai thác khoáng sản hoặc bãi chôn lấp chất thải có sử dụng đất rừng thì chủ dự án sẽ phải thực hiện đồng thời cả hai nghĩa vụ cải tạo phục hồi môi trường (cũng sẽ phải trồng rừng) và trồng rừng thay thế. Hai nghĩa vụ này có sự trùng lặp về mục đích quản lý.
Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định xử lý riêng cho trường hợp trên để tránh chồng chéo pháp luật.
Có thể bạn quan tâm
Khuất tất tại dự án trồng rừng Gia Lai
03:30, 29/09/2022
Trồng rừng, hướng tới một tương lai bền vững
08:42, 29/06/2022
Khuất tất tại dự án trồng rừng Gia Lai: Nhiều vấn đề cần làm rõ
11:16, 20/05/2022
Gần 60.000 người tham gia trồng cây, trồng rừng: Vì một Đắk Nông xanh
10:36, 19/05/2022
Dự án trồng rừng Gia Lai có gì khuất tất?
15:47, 06/05/2022