Cần đảm bảo tính rõ ràng, trong phân loại các nhóm thực phẩm bảo vệ sức khoẻ

ANH KHÔI 09/11/2022 03:30

Góp ý Dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với giới hạn các chất ô nhiễm trong thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, VCCI cho rằng, cần đảm bảo tính rõ ràng, trong phân loại các nhóm sản phẩm này…

>> Cẩn trọng với quảng cáo Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Thăng Trĩ Mộc Hoa

Trả lời Công văn số 1729/ATTP-KN của Cục An toàn thực phẩm đề nghị góp ý đối với Dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với giới hạn các chất ô nhiễm trong thực phẩm bảo vệ sức khoẻ (Dự thảo), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, theo bản Thuyết minh, căn cứ xây dựng Dự thảo dựa vào Phụ lục III của Hướng dẫn của ASEAN về giới hạn các chất ô nhiễm đối với thực phẩm bảo vệ sức khoẻ là không đủ thuyết phục.

Hướng dẫn này hiện đang dưới dạng Dự thảo và chỉ có thể được coi là tài liệu tham khảo chính thức khi Thoả thuận ASEAN về khung pháp lý cho thực phẩm bảo vệ sức khoẻ được thông qua. Trong khi không thể định trước thời gian để “Nhóm công tác các thuốc dân gian và sản phẩm bảo vệ sức khoẻ của ASEAN” hoàn thiện Hướng dẫn, việc sử dụng văn bản dưới dạng dự thảo này làm căn cứ sẽ đem lại rủi ro chính sách cho cả cơ quan quản lý và doanh nghiệp Việt Nam.

Cần đảm bảo tính rõ ràng, trong phân loại các nhóm thực phẩm bảo vệ sức khoẻ - Ảnh minh họa: Internet

Cần đảm bảo tính rõ ràng, trong phân loại các nhóm thực phẩm bảo vệ sức khoẻ - Ảnh minh họa: Internet

“Ngay cả khi Thoả thuận này được thông qua, hướng dẫn tại đây cũng hoàn toàn không có giá trị bắt buộc đối với các quốc gia thành viên của ASEAN. Hướng dẫn nhấn mạnh rằng nội dung này có mục đích cung cấp thông tin và sẽ được thay đổi tuỳ theo từng quốc gia”, VCCI góp ý.

Theo VCCI, một số doanh nghiệp cho rằng, việc áp dụng gần như hoàn toàn nội dung của Hướng dẫn ASEAN là đặt ra các tiêu chuẩn quá cao (ở một số chỉ tiêu là cao hơn cả mức giới hạn của Mỹ, Eu) sẽ gây rất nhiều bất lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là hoạt động nhập khẩu.

Ví dụ: quy định của Cộng đồng Châu Âu số 2021/1323 ngày 10/8/2021 sửa đổi quy định số 1881/2006 của Uỷ ban Châu Âu liên quan đến giới hạn tối đa của Cadmium (Cd) trong các sản phẩm thực phẩm quy định: đối với thực phẩm bảo vệ sức khoẻ (supplements) giới hạn tối đa là (mg/kg sản phẩm tươi “wet weight”) 3,0 mg/kg sản phẩm bảo vệ sức khoẻ chứa toàn bộ hoặc chủ yếu rong biển khô, sản phẩm chiết xuất từ rong biển hoặc động vật thân mềm hai mảnh và 1,0 mg/kg đối với tất cả các sản phẩm bảo vệ sức khoẻ khác.

Trong khi đó, mức tối đa quy định tại Dự thảo cho phép Cd trong cho tất cả các sản phẩm (không phân biệt có nguồn gốc từ tảo biển và động vật thân mềm, vốn chứa nhiều Cd tự nhiên) lại rất thấp, ở mức 0,3 mg Cd trong một kg sản phẩm. Với giới hạn này, sẽ có rất nhiều sản phẩm của Việt Nam bị giảm sức cạnh tranh trên thị trường do phải đáp ứng yêu cầu quá khắt khe từ cơ quan quản lý.

Do đó, VCCI đề nghị Ban soạn thảo xem xét lại các mức giới hạn đề ra trên cơ sở nghiên cứu kỹ lưỡng các đặc điểm của thực phẩm bảo vệ sức khoẻ được kinh doanh ở Việt Nam và thế giới để đưa ra những quy định bảo đảm tính hợp lý, khả thi và phù hợp với đặc điểm thị trường cũng như người sử dụng. Đồng thời, bổ sung vào bản Thuyết minh các phân tích này, làm cơ sở cho việc ban hành Thông tư và Quy chuẩn.

>> Vụ giá thuốc “hỗ trợ COVID-19” tăng đột biến: Quản lý thị trường vào cuộc

VCCI đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét - Ảnh minh họa: Internet

VCCI đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét - Ảnh minh họa: Internet

Đáng nói, về phân loại các nhóm thực phẩm bảo vệ sức khoẻ đối với quy định giới hạn về vi sinh vật, nhiều doanh nghiệp cho rằng, việc phân loại thực phẩm bảo vệ sức khoẻ căn cứ vào phương pháp chế biến và phương pháp sử dụng thành phẩm thành 6 loại để đưa ra các mức giới hạn vi sinh vật khác nhau như Dự thảo hiện tại là chưa đủ rõ ràng, trùng lặp và chắc chắn sẽ gây nhiều khó khăn cho việc áp dụng trên thực tế.

VCCI cho rằng, việc phân loại có một số bất cập như: Có sản phẩm không biết được phân loại ra sao vì miêu tả cách chế biến và sử dụng không khớp với bất kỳ loại sản phẩm nào trong Dự thảo, ví dụ như, sản phẩm chỉ gồm thành phần thực vật, được tán thành bột và sử dụng bằng cách thêm mật ong hoặc nước ấm;

Có sản phẩm thuộc vào từ 2 nhóm sản phẩm trở lên thì không rõ sẽ được ưu tiên áp dụng mức giới hạn nào. Cụ thể là các sản phẩm sử dụng nhiều phương pháp chế biến, ví dụ như dược liệu được ngâm nước nóng hoặc cồn 70 độ để diệt bớt vi sinh vật, sau đó đem sấy khô và tán thì bước xử lý bằng cồn hoặc nước nóng thuộc nhóm 3 nhưng bước xử lý sấy cũng giúp giảm vi sinh vật lại thuộc nhóm 2;

Chồng lấn với QCVN khác, ví dụ như, sản phẩm có thành phần nguồn gốc thực vật và/hoặc động vật và rượu 20-40 độ cồn thì thuộc Nhóm 4 của Dự thảo nhưng lại có thể phải tuân chủ giới hạn kim loại nặng và chỉ tiêu vi sinh vật của QCVN 6-3:2010/BYT về đồ uống có cồn.

“QCVN được ban hành dưới dạng Thông tư, là văn bản hướng dẫn cấp cuối cùng, vì vậy các quy định tại đây cần phải đủ rõ ràng, minh bạch và khả thi để bảo đảm hiệu quả quản lý của cơ quan nhà nước và không gây phát sinh chi phí của doanh nghiệp. Hạn chế tối đa ban hành các công văn hay văn bản hành chính khác để hướng dẫn, việc đã bị cấm trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật”, VCCI lưu ý.

Theo VCCI, Bản Thuyết minh Dự thảo cũng không đưa ra được lý do, căn cứ phân loại các nhóm thực phẩm có nghiên cứu thực tiễn đặc điểm các loại thực phẩm bảo vệ sức khoẻ được sản xuất, nhập khẩu tại Việt Nam hay không. Trong khi, Việt Nam có nguồn nguyên liệu từ thảo dược phong phú với những bài thuốc lâu đời đang ngày càng được phát triển phổ biến thành các dạng thực phẩm bảo vệ sức khoẻ có đặc điểm rất riêng so với các quốc gia khác.

“Do đó, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu kỹ lưỡng các kiến nghị của doanh nghiệp về thực tiễn sản xuất kinh doanh đa dạng đối với mặt hàng này để sửa đổi cách phân loại dựa trên các tiêu chí rõ ràng, khoa học và không trùng lặp, bảo đảm cách hiểu thống nhất giữa các chủ thể có liên quan đến việc quản lý chỉ tiêu vi sinh vật của các thực phẩm bảo vệ sức khoẻ”, VCCI góp ý.

Bên cạnh những nội dung đã nêu, trong văn bản góp ý, VCCI cũng đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét một số nội dung quy định về phương pháp thử và quy định chuyển tiếp tại Dự thảo Thông tư ban hành quy chuẩn.

Có thể bạn quan tâm

  • GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI: 7 giải pháp gỡ khó trong thu hồi đất

    GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI: 7 giải pháp gỡ khó trong thu hồi đất

    03:00, 07/11/2022

  • Góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Xác lập bảng giá đất sẽ là thách thức lớn

    Góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Xác lập bảng giá đất sẽ là thách thức lớn

    03:30, 13/10/2022

  • GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI: Duy trì 2 kênh tạo quỹ đất phát triển nhà ở

    GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI: Duy trì 2 kênh tạo quỹ đất phát triển nhà ở

    05:00, 07/09/2022

  • GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI: Băn khoăn quy mô đấu thầu dự án

    GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI: Băn khoăn quy mô đấu thầu dự án

    05:00, 06/09/2022

  • GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI: Luật hóa bất động sản logistics

    GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI: Luật hóa bất động sản logistics

    03:30, 08/09/2022

ANH KHÔI