Cân nhắc Biểu mức trả tiền bản quyền với lĩnh vực truyền hình
Góp ý Dự thảo Nghị định quy định biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan, VCCI cho rằng, cần cân nhắc biểu mức trả tiền bản quyền với lĩnh vực truyền hình…
>> Nhức nhối vi phạm bản quyền trên không gian mạng tại Việt Nam
Trả lời Công văn số 557/GM-BTP ngày 08/11/2022 của Bộ Tư pháp về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan (Dự thảo), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, Dự thảo quy định về Biểu mức tiền bản quyền khi phát tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình của tổ chức phát sóng. Tuy nhiên, theo phản ánh của doanh nghiệp, việc yêu cầu doanh nghiệp phải trả tiền với các kênh như VTV1, VTC1,… không phù hợp.
Bởi, các kênh này là kênh chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu của Nhà nước, do đó doanh nghiệp có nghĩa vụ (bắt buộc) tiếp sóng theo quy định tại Nghị định 06/2016/NĐ-CP.
Do vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi theo hướng mức trả tiền bản quyền với các kênh này là 0 đồng.
Bên cạnh nội dung đã nêu, về thủ tục sử dụng tác phẩm không tìm được hoặc không xác định được chủ sử hữu, Điều 24 Dự thảo quy định thủ tục để tổ chức, cá nhân có thể sử dụng tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, bao gồm: Tự tìm kiếm bằng các phương thức được quy định (Niên giám đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan; văn bản gửi đến tổ chức đại diện quyền tác giả, quyền liên quan; tìm kiếm trên mạng); Gửi hồ sơ xin chấp thuận cho cơ quan nhà nước; Cơ quan Nhà nước đăng tải công khai nội dung này lấy ý kiến; Ra quyết định (chấp thuận/ từ chối).
>> Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ: Cần sự chủ động của doanh nghiệp
Theo VCCI, quy trình như vậy được hiểu là áp dụng với mỗi tổ chức, cá nhân muốn sử dụng tác phẩm, và với tổ chức, cá nhân đó sau khi hết thời hạn đăng ký sử dụng. Cách quy định như vậy dường như chưa thực sự phù hợp vì tương đối tốn kém thời gian xin phép sử dụng trong bối cảnh nhiều đơn vị cùng có nhu cầu sử dụng, và có nhu cầu sử dụng nhiều lần.
Do vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc sửa đổi theo hướng đơn giản hoá quy trình, như: Cơ quan Nhà nước công khai các tác phẩm mà Nhà nước là đại diện quản lý quyền tác giả, quyền liên quan (theo diện thuộc Điều 24); Nếu tác phẩm không thuộc Danh sách này, đơn vị có nhu cầu sử dụng thực hiện theo trình tự, thủ tục trên; Nếu tác phẩm thuộc Danh sách này, đơn vị có nhu cầu sử dụng chỉ cần nộp đơn xin chấp thuận sử dụng (mà không cần chứng minh đã nỗ lực tìm kiếm). Cơ quan Nhà nước thu tiền bản quyền và cho phép sử dụng; Định kỳ, cơ quan Nhà nước thực hiện tìm kiếm và nhận thông tin về chủ sở hữu quyền tác giả. Cơ quan Nhà nước loại bỏ tác phẩm khỏi Danh mục nếu nhận được thông tin phù hợp.
Về thủ tục hành chính, Chương IV Dự thảo quy định về thủ tục hành chính đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan. Để tuân thủ theo Nghị quyết 68/NQ-CP năm 2020 về cắt giảm, đơn giản hoá quy định kinh doanh, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc một số điểm như:
Với thủ tục cấp phép (Điều 41), bỏ yêu cầu Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp: cơ quan cấp phép có thể tra cứu trực tuyến thông qua Cơ sở dữ liệu đăng ký doanh nghiệp (Điều 40.2.d Dự thảo, Điều 41.2.c Dự thảo, Điều 42.2.c);
Bỏ yêu cầu văn bản uỷ quyền của cá nhân phải được chứng thực: Quy định này được suy đoán nhằm đảm bảo việc uỷ quyền là tự nguyện và đúng theo ý chí của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan. Tuy nhiên, việc này là không cần thiết vì việc uỷ quyền trong tình huống này chỉ nhằm mục đích thực hiện thủ tục đăng ký quyền (Điều 40.2.c Dự thảo);
Bỏ yêu cầu tóm tắt tác phẩm tại Tờ khai đăng ký quyền tác giả (Phụ lục 1 Dự thảo Thông tư quy định các mẫu trong hoạt động đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan): quyền tác giả là bảo vệ về hình thức thể hiện, không bảo vệ về ý tưởng, nên việc yêu cầu tóm tắt là không cần thiết.
Với thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận (Điều 42), bản chất của thủ tục cấp lại là cấp một bản mới hơn do giấy chứng nhận trước đã không thể sử dụng được trong các hoạt động kinh tế, xã hội thông thường. Hoạt động cấp lại không thay đổi bất kỳ quyền và nghĩa vụ của các bên, cũng như không thay đổi hình thức tác phẩm và do đó, thủ tục nên được thiết kế đơn giản. Để giảm thời gian xét duyệt, pháp luật nên cho phép chủ thể đăng ký có thể tiếp tục sử dụng bảo sao tác phẩm, bản định hình đi kèm Giấy chứng nhận cũ cho Giấy chứng nhận mới.
Bỏ yêu cầu nộp 02 bản sao tác phẩm, bản định hình; Bỏ yêu cầu nộp bản sao tác phẩm, bản định hình đã được đóng dấu, ghi số Giấy chứng nhận; Rút ngắn thời gian cấp phép: thời gian xem xét thụ lý giảm xuống 3 ngày và thời gian cấp phép giảm xuống 2-3 ngày.
Đây cũng là những góp ý tương tự với thủ tục cấp đổi Giấy chứng nhận (Điều 43).
Ngoài những nội dung đã nêu, tại văn bản góp ý, VCCI cũng đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, bỏ một số quy định liên quan đến: Căn cứ xác định hành vi xâm phạm quyền (Điều 63 Dự thảo); Trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian (Điều 93, 94 Dự thảo); Quy trình gỡ bỏ hoặc ngăn chặn của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian (Điều 95 Dự thảo).
Có thể bạn quan tâm
Nhà máy Hoá dầu Stavian Quảng Yên nhận chuyển giao bản quyền công nghệ hàng đầu thế giới
10:41, 01/11/2022
Vụ tranh chấp bản quyền giữa Wolfoo và Peppa Pig: Chưa hồi kết gây thiệt hại nghiêm trọng cho Doanh nghiệp Việt Nam
19:40, 20/10/2022
Bài học từ vụ Wolfoo: Doanh nghiệp chủ động bảo vệ bản quyền số ngay từ khi khởi nghiệp
04:08, 03/10/2022
Nhức nhối vi phạm bản quyền trên không gian mạng tại Việt Nam
04:00, 28/09/2022
Bản quyền giống thanh long LD1 Kỳ III: Chuyên gia nói gì?
13:02, 27/07/2022