Còn chồng chéo pháp luật tại Dự thảo Luật Tài nguyên nước
Góp ý Dự thảo Luật Tài nguyên nước, theo VCCI, việc lấy ý kiến đối với cộng đồng dân cư là cần thiết, song quy định như Dự thảo sẽ dẫn đến sự chồng chéo pháp luật về đánh giá tác động môi trường…
>> Điều kiện đầu tư kinh doanh cấp nước sinh hoạt nông thôn chưa đảm bảo tính khả thi
Trả lời Công văn số 5544/BTNMT-TNN ngày 20/09/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc đề nghị góp ý Dự thảo Luật Tài nguyên nước (Dự thảo), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, việc lấy ý kiến đối với cộng đồng dân cư là rất cần thiết, song quy định như Dự thảo sẽ dẫn đến sự chồng chéo với pháp luật về đánh giá tác động môi trường.
Cụ thể, Điều 7 Dự thảo quy định về việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư và tổ chức, cá nhân liên quan khi đầu dự án xây dựng công trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước có ảnh hưởng lớn đến hoạt động phát triển kinh tế – xã hội, đời sống của nhân dân trên địa bàn.
Trong khi, theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường và văn bản hướng dẫn, các dự án xây dựng công trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước sẽ phải lập báo cáo ĐTM và lấy ý kiến cộng đồng dân cư, cá nhân, tổ chức liên quan.
“Như vậy, quy định của Dự thảo sẽ dẫn đến nguy cơ dự án phải thực hiện hai lần công tác lấy ý kiến, hoặc thực hiện một lần nhưng lại phải có hai bộ hồ sơ, gây tốn kém không cần thiết về chi phí làm thủ tục hành chính”, VCCI đánh giá.
Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định này. Trong trường hợp cần thiết thì sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật về bảo vệ môi trường cho phù hợp.
>> Tình trạng "tranh tối, tranh sáng" khiến thị trường nước sạch khó phát triển
Bên cạnh đó, góp ý quy định về lấy ý kiến về quy hoạch tài nguyên nước, quy hoạch lưu vực sông.
Theo VCCI, quy hoạch tài nguyên nước, quy hoạch lưu vực sông có ảnh hưởng rất lớn đến quyền và nghĩa vụ của các cá nhân, tổ chức có sử dụng nước trong phạm vi quy hoạch. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt đang diễn ra bình thường có thể sẽ phải chấm dứt hoặc điều chỉnh với chi phí lớn chỉ vì sự thay đổi của quy hoạch tài nguyên nước, quy hoạch lưu vực sông. Những nguy cơ thay đổi đột xuất này làm giảm tính ổn định của môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, làm giảm khả năng thu hút đầu tư và phát triển kinh tế của đất nước.
Trong khi đó, Dự thảo lại chưa có quy định đủ rõ ràng về việc lấy ý kiến những đối tượng tác động này trong quá trình lập quy hoạch.
Vì vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định về trong trường hợp quy hoạch tài nguyên nước, quy hoạch lưu vực sông làm thay đổi quyền sử dụng nguồn nước thì cần phải lấy ý kiến của đối tượng đang khai thác, sử dụng nguồn nước đó.
Ví dụ, một nguồn nước đang được quy hoạch cho sản xuất nông nghiệp, bỗng dưng được đề xuất thay đổi sang chức năng chỉ cho sinh hoạt (không được sử dụng làm nông nghiệp nữa) thì những cá nhân, tổ chức đang sử dụng nguồn nước đó phải được lấy ý kiến. Hồ sơ lấy ý kiến phải bao gồm một trong ba tài liệu sau: ý kiến của người đang sử dụng nguồn nước; biên bản có xác nhận của chính quyền cấp xã về việc người đó không có ý kiến; biên bản có xác nhận của chính quyền địa phương về việc không liên lạc được với người đó.
Cùng với đó, góp ý về quyền tài sản của tổ chức, cá nhân khai thác sử dụng tài nguyên nước. Theo VCCI, việc ghi nhận quyền tài sản đối với quyền khai thác sử dụng tài nguyên nước của các cá nhân, tổ chức trong Dự thảo hiện còn rất yếu. Điều 47.4 của Dự thảo mới chỉ quy định tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên nước thuộc trường hợp phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước còn được chuyển nhượng quyền khai thác tài nguyên nước theo quy định của Chính phủ.
VCCI cho rằng, quy định này hạn chế rất nhiều quyền tài sản của tổ chức, cá nhân khai thác sử dụng tài nguyên nước hợp pháp, giảm khả năng phân bổ và tận dụng các nguồn lực để sản xuất kinh doanh. Đề nghị cơ quan soạn thảo điều chỉnh quy định theo hướng:
Mọi tổ chức, cá nhân khai thác sử dụng tài nguyên nước hợp pháp đều được ghi nhận quyền, bất kể có nộp tiền hay không nộp tiền cấp quyền, bất kể thuộc diện được cấp phép hay diện được miễn đăng ký, cấp phép;
Quyền khai thác sử dụng tài nguyên nước của các nhân, tổ chức là quyền tài sản theo pháp luật dân sự, theo đó bao gồm đầy đủ các quyền như chiếm hữu, sử dụng, định đoạt, chuyển nhượng, sử dụng làm tài sản bảo đảm và các quyền tài sản khác.
Ngoài những vấn đề đã nêu, tại văn bản góp ý, VCCI cũng đề nghị cơ quan soạn thảo, xem xét, cân nhắc một số quy định liên quan đến: Đăng ký, cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước và Phòng chống sạt, lở lòng, bờ, bãi sông, hồ tại nội dung Dự thảo.
Có thể bạn quan tâm
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Phó Thủ tướng Lê Văn Thành làm Chủ tịch Hội đồng quốc gia về tài nguyên nước
22:00, 08/11/2021
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Phê duyệt Đề án tổng kiểm kê tài nguyên nước quốc gia, giai đoạn đến năm 2025
21:07, 05/08/2021
Đề xuất miễn 1.400 tỷ đồng tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước cho 4.000 doanh nghiệp
16:18, 14/09/2020
Giảm 20 – 50% phí, lệ phí trong lĩnh vực xây dựng, du lịch, tài nguyên nước
17:15, 05/05/2020
Doanh nghiệp FDI chung tay cùng ĐBSCL bảo vệ tài nguyên nước phát triển bền vững
11:03, 23/03/2020