Cần cơ chế pháp lý phù hợp cho các khoản đóng góp tự nguyện của doanh nghiệp

Bài: ANH KHÔI - Ảnh: QUỐC TUẤN 03/04/2023 03:30

Không ít doanh nghiệp Việt Nam thường xuyên có các khoản đóng góp tự nguyện mang lại lợi ích xã hội... Tuy nhiên, cơ chế pháp lý cho các hoạt động này vẫn chưa theo kịp sự phát triển…

>> Luật hóa hoạt động thiện nguyện

Đây là đánh giá của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, hiệp hội, trả lời Công văn số 484/BTP-PLDSKT của Bộ Tư pháp về việc lấy ý kiến góp ý đối với Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Ban hành Chương trình hành động quốc gia hoàn thiện chính sách và pháp luật nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam” (Dự thảo).

VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung thêm một nhiệm vụ nghiên cứu các cơ chế pháp lý phù hợp cho các khoản đóng góp tự nguyện của doanh nghiệp cho các vấn đề xã hội - Ảnh minh họa

VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung thêm một nhiệm vụ nghiên cứu các cơ chế pháp lý phù hợp cho các khoản đóng góp tự nguyện của doanh nghiệp cho các vấn đề xã hội - Ảnh minh họa

Theo đó, góp ý về cơ chế tài chính đối với các đóng góp tự nguyện của doanh nghiệp, VCCI cho rằng, hiện nay, không ít doanh nghiệp Việt Nam thường xuyên có các khoản đóng góp tự nguyện cho các hoạt động mang lại lợi ích xã hội như quyên góp ủng hộ đồng bào thiên tai, tài trợ cho các hoạt động bảo vệ môi trường, xoá đói giảm nghèo, trồng cây gây rừng, phong trào thanh niên, hoặc các hoạt động văn hoá, giáo dục, thể thao… Tuy nhiên, cơ chế pháp lý hiện nay cho các hoạt động này vẫn chưa theo kịp sự phát triển của nhu cầu xã hội.

Trong khi đó, tại nhiều quốc gia đã phát triển các cơ chế khác nhau như quỹ uỷ thác, nhà đầu tư thiên thần, gây quỹ cộng đồng để giúp các doanh nghiệp có thêm sự lựa chọn khi muốn đóng góp tự nguyện cho các hoạt động xã hội.

Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung thêm một nhiệm vụ nghiên cứu các cơ chế pháp lý phù hợp cho các khoản đóng góp tự nguyện của doanh nghiệp cho các vấn đề xã hội.

Đáng nói, Dự thảo cũng đưa ra hai nhiệm vụ giao cho VCCI chủ trì, gồm hướng dẫn doanh nghiệp thực hành kinh doanh có trách nhiệm (mục 3.6.1) và khuyến khích xây dựng các quy chế tự khắc phục và phòng ngừa trong nội bộ doanh nghiệp (mục 3.6.3).

Theo VCCI, các kết quả đầu ra tại hai nhiệm vụ này hiện đang trùng lặp, đều là các bộ quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức, bộ công cụ/cẩm nang, bản hướng dẫn doanh nghiệp về thực hành kinh doanh có trách nhiệm. Điều này có thể gây khó trong quá trình thực hiện, triển khai.

“Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc điều chỉnh hai nhiệm vụ trên để tránh trùng lặp. Trong trường hợp không có nhiều khác biệt thì có thể cân nhắc việc nhập lại thành một nhiệm vụ”, VCCI góp ý.

Có thể bạn quan tâm

  • Cần hoàn thiện chính sách để phát triển thị trường carbon

    Cần hoàn thiện chính sách để phát triển thị trường carbon

    04:50, 14/03/2023

  • TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Rà soát hoàn thiện chính sách đối với hoạt động chữ thập đỏ

    TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Rà soát hoàn thiện chính sách đối với hoạt động chữ thập đỏ

    21:43, 09/03/2023

  • NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO: Hoàn thiện chính sách để phát triển bền vững

    NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO: Hoàn thiện chính sách để phát triển bền vững

    14:22, 06/01/2023

  • Hoàn thiện chính sách phát triển KCN sinh thái

    Hoàn thiện chính sách phát triển KCN sinh thái

    07:22, 25/08/2022

  • “Nền tảng” quan trọng hoàn thiện chính sách đất đai

    “Nền tảng” quan trọng hoàn thiện chính sách đất đai

    00:25, 24/07/2022

Bài: ANH KHÔI - Ảnh: QUỐC TUẤN