Chi phí PCCC làm khổ doanh nghiệp?
Chi phí đầu tư cho hệ thống PCCC chiếm khoảng 30% trên tổng chi phí xây dựng nhà xưởng. Gánh nặng này đang nằm ngoài sức chịu đựng của các doanh nghiệp, nếu không có giải pháp tháo gỡ.
>>Nhiều địa phương tập trung tháo gỡ vướng mắc về PCCC cho doanh nghiệp
Đó là phản ứng của cộng đồng doanh nghiệp liên quan đến những bất cập tại các quy định hiện hành về phòng cháy chữa cháy (PCCC), khiến doanh nghiệp phải ngưng hoạt động sản xuất kinh doanh.
Bất cập …
Theo ông Lê Mạnh – Chủ tịch Cty TNHH sản xuất TM-DV LeGlor, cho rằng: Doanh nghiệp đồng ý là phải chấp hành, làm nghiêm… để đảm bảo an toàn PCCC trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Mặt khác, doanh nghiệp phải có chứng chỉ an toàn PCCC thì sản phẩm của doanh nghiệp mới có thể xuất khẩu hàng đi nước ngoài. Tuy nhiên, có những điều kiện không cần thiết làm phát sinh chi phí nhưng doanh nghiệp buộc phải thực hiện theo quy định hiện hành là hết sức bất cập.
Cũng theo ông Mạnh, trong vòng 2 năm, Bộ Xây dựng có tới 3 văn bản quy định về PCCC thì quả thực doanh nghiệp không thể xoay sở. Cụ thể, ngày 06 tháng 4 năm 2020, Bộ Xây dựng ban hành Thông tư số: 01/2020/TT-BXD, ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn cháy cho nhà và công trình, thì ngày 19/05/2021, Bộ Xây dựng lại tiếp tục ban hành Thông tư số 02/2021/TT-BXD. Đến ngày 30 tháng 11 năm 2022, Bộ Xây dựng ban hành Thông tư số: 06/2022/TT-BXD và Ban hành kèm theo Thông tư này là QCVN 06:2022/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình.
"Như vậy, nếu chỉ cần thời gian đọc và hiểu thôi thì doanh nghiệp cũng không thể chạy kịp theo hệ thống văn bản mà Bộ Xây dựng đưa ra. Song, điều kiện khó hơn cả chính là các quy định trong các văn bản này yêu cầu các doanh nghiệp buộc phải thực hiện “khó hơn đi trên dây”, nếu không muốn nói là các quy định “trên trời” này khiến doanh nghiệp Việt Nam không thể đáp ứng được. Thậm chí, kể cả những doanh nghiệp nước ngoài có điều kiện về tài chính và đang áp dụng tiêu chuẩn quốc tế cũng khó có thể thực hiện. Đơn cử, theo quy định hiện nay, nếu doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà xưởng là 1000m2 thì phải xây bể chứa nước hơn 400 m3; không gian phải đảm cho xe chữa cháy quay đầu, yêu cầu vách ngăn, mái che, thép phải sơn chống cháy… là rất phi lý" – ông Mạnh bức xúc.
>>Bất cập quy định PCCC - Cần phân loại nhóm vướng mắc để giải quyết
… vì “Thông tư”?
Đồng quan điểm, ông Trần Văn Hùng - Chủ tịch công đoàn Tân Thanh Container Corporation nêu: Công ty đầu tư xây nhà xưởng khoảng 1,2 tỷ đồng nhưng chưa thẩm định, nếu muốn đi vào hoạt động phải áp dụng quy định mới về PCCC. "Chi phí để đáp ứng quy định này lên tới 1,5 tỷ đồng. Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, chúng tôi không biết lấy tiền đâu để trang trải" - ông Hùng nói.
Tương tự, đại diện Công ty Nidec Việt Nam cho biết đang có dự án cải tạo kho hàng khoảng 500 m2. Nếu áp dụng quy định PCCC mới cần tổng chi phí 5 tỷ đồng (trước dịch nhà thầu báo chi phí này chỉ 800 triệu đồng) tức chi phí tăng gấp 6 lần. "Chúng tôi không đủ tiền để đầu tư PCCC theo quy định mới" - đại diện Nidec nói.
Nêu những bất cập tại các Thông tư, Bà Lý Kim Chi - Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP HCM (HUBA), cho rằng: Chỉ trong 18 tháng Bộ Xây dựng ban hành liên tục 3 Thông tư 01, 02 và 06. Đặc biệt, Thông tư 06/2022 đã khiến các doanh nghiệp cũ đang hoạt động hoặc sửa chữa có liên quan đến PCCC gặp trở ngại.
"Nhiều lần "kêu cứu", ngày 11/4, Bộ Công an đã ban hành công văn 1091/C07-P3, P4, P7, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo bà Chi, động thái này cũng chỉ là giải quyết một phần khó khăn cho các doanh nghiệp có dự án đang hoạt động hoặc sửa chữa. Riêng với những doanh nghiệp xây mới vẫn khốn đốn vì khó áp dụng thực tế vào điều kiện sản xuất kinh doanh như hiện nay" – bà Chi nói.
Dẫn chứng những bất cập trong quá trình áp dụng thông tư, bà Chi khẳng định: hiện trong hiệp hội có những doanh nghiệp xây nhà xưởng 3.000-5.000 m2 để phục vụ sản xuất, quy định mới về PCCC buộc xây bể chứa nước khoảng 400 khối. Ngoài ra, nhà xưởng phải sử dụng các vật liệu được thẩm định chống cháy, mà các vật liệu này tại thị trường Việt Nam không có, phải nhập khẩu với giá thành cao. Điều đó làm tăng chi phí cho doanh nghiệp lên gấp vài lần trong bối cảnh các doanh nghiệp đang "gồng mình" để duy trì hoạt động kinh doanh.
Theo bà Chi, về giải pháp trước mắt rất cần các Bộ, ngành ban hành một quy định “chuẩn” để các doanh nghiệp thực hiện, tránh tình trạng ban hành văn bản chồng chéo và các doanh nghiệp không thể thực hiện như hiện nay.
"Bên cạnh đó, về giải pháp lâu dài có lẽ đã đến lúc phải sửa Luật PCCC để phù hợp với thực tiễn. Song, trong quá trình sửa đổi cần phải có sự góp ý của cộng đồng doanh nghiệp, đồng thời trong quá trình áp dụng Luật mới, cũng cần có hướng dẫn cụ thể, theo 1 quy chuẩn và thông suốt để đảm bảo các doanh nghiệp có thể thực hiện được, tránh hiện tượng mỗi Bộ, ngành lại có thông tư hướng dẫn khác nhau" – bà Chi đề nghị.
Có thể bạn quan tâm
Nhiều địa phương tập trung tháo gỡ vướng mắc về PCCC cho doanh nghiệp
03:30, 24/04/2023
Vướng mắc về PCCC - Hiệp hội Bệnh viện Tư nhân Việt Nam đề nghị tháo gỡ
03:30, 22/04/2023
Bất cập quy định PCCC - Cần phân loại nhóm vướng mắc để giải quyết
04:00, 12/04/2023
Lo doanh nghiệp “bỏ” nhà máy vì “sợ” quy định PCCC
03:20, 09/04/2023
Doanh nghiệp đồng loạt kiến nghị về tháo gỡ khó khăn về quy định PCCC
13:27, 31/03/2023