Cần thiết ban hành Nghị quyết về mức chi khi thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Cao Bằng
Góp ý Dự thảo Nghị quyết về quy định mức chi khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, VCCI cho rằng, việc ban hành Nghị quyết này là cần thiết…
>> Quảng Nam bổ sung 26 danh mục dự án thu hồi đất
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản trả lời Công văn số 982/STC-CSDN của Sở Tài chính tỉnh Cao Bằng đề nghị góp ý Dự thảo Nghị quyết quy định mức chi đối với một số nội dung chi cho công tác tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và cưỡng chế kiểm đếm, cưỡng chế thu hồi đất khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Cao Bằng (Dự thảo).
Theo đó, qua nghiên cứu Dự thảo Tờ trình và Dự thảo đề nghị xây dựng Nghị quyết, VCCI cho rằng, việc ban hành Nghị quyết này là cần thiết, đảm bảo kịp thời triển khai quy định pháp luật mới (nội dung tại khoản 5 Điều 5 Thông tư số 61/2022/TT-BTC ngày 05/10/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn việc lập dự toán, sử dụng và thanh, quyết toán kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất). Về cơ bản, Dự thảo đã bao hàm được các nội dung cần thiết theo quy định tại Thông tư 61/2022/TT-BTC nói trên.
Để tiếp tục hoàn thiện Dự thảo, VCCI đề xuất cơ quan soạn thảo xem xét, cân nhắc một số nội dung như:
Về căn cứ ban hành Nghị quyết, hai trong các căn cứ nêu trong Dự thảo là Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) và Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành VBQPPL.
Cụ thể, Điều 61 Nghị định 34/2016/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Ban hành VBQPPL quy định:
Căn cứ ban hành văn bản là văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao hơn đang có hiệu lực hoặc đã được công bố hoặc ký ban hành chưa có hiệu lực nhưng phải có hiệu lực trước hoặc cùng thời điểm với văn bản được ban hành. Căn cứ ban hành văn bản bao gồm văn bản quy phạm pháp luật quy định thẩm quyền, chức năng của cơ quan ban hành văn bản đó và văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao hơn quy định nội dung, cơ sở để ban hành văn bản.
>> Gỡ khó thu hồi đất
Văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao hơn có điều, khoản giao quy định chi tiết thì tại văn bản quy định chi tiết phải nêu cụ thể điều, khoản đó tại phần căn cứ ban hành văn bản.
Từ quy định đã nêu, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét lược bỏ hai căn cứ này, vì tất cả các VBQPPL đều được soạn thảo theo hình thức, trình tự, thủ tục quy định tại Luật và Nghị định nói trên, không cần nhắc lại mà chỉ cần nêu các căn cứ về thẩm quyền và nội dung ban hành Nghị quyết là đủ.
Về Đối tượng áp dụng (Điều 2), VCCI cơ quan soạn thảo bổ sung nội dung “cưỡng chế kiểm đếm, cưỡng chế thu hồi đất” theo đúng Phạm vi điều chỉnh (Điều 1) và tên gọi của Nghị quyết, đồng thời chỉnh sửa đầu mục cho rõ ràng, như sau:
Tổ chức được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và cưỡng chế kiểm đếm, cưỡng chế thu hồi đất khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định của pháp luật (Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường). Các đối tượng khác có liên quan tới việc lập, sử dụng và thanh, quyết toán kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và cưỡng chế kiểm đếm, cưỡng chế thu hồi đất khi Nhà nước thu hồi đất.
Về Mức chi đối với một số nội dung chi cho công tác tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (Điều 3), VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung một khoản theo điểm b khoản 1 Điều 4 của Thông tư 61/2022/TT-BTC: Chi trích đo địa chính thửa đất đối với thửa đất tại nơi chưa có bản đồ địa chính phục vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng; đo đạc xác định diện tích thực tế các thửa đất nằm trong ranh giới khu đất thu hồi để thực hiện dự án (nếu có) của từng tổ chức, hộ gia đình, cá nhân làm căn cứ thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trong trường hợp phải đo đạc lại: 200.000 đồng/người/ngày. Công tác này phức tạp hơn hoạt động “Chi phát tờ khai, hướng dẫn người bị thiệt hại kê khai: 170.000 đồng/người/ngày” quy định ở khoản 2, nên mức chi có thể cao hơn.
Còn đối với các mức chi khác, VCCI đề nghị, có thể tham khảo thêm quy định tương tự của các địa phương khác, thường ở mức tối thiểu là 200.000 đồng/người/ngày.
Cùng với các nội dung đã nêu, tại văn bản góp ý, VCCI cũng đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, cân nhắc một số vấn đề liên quan đến: Về Mức chi đối với một số nội dung chi cho công tác cho công tác cưỡng chế kiểm đếm, cưỡng chế thu hồi đất (Điều 4); Về kỹ thuật trình bày.
Có thể bạn quan tâm
Quảng Nam bổ sung 26 danh mục dự án thu hồi đất
09:58, 07/05/2023
Xem xét rút ngắn thời gian thông báo thu hồi đất
18:13, 06/04/2023
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Chưa xác định rõ “giá thị trường” khi thu hồi đất
03:00, 12/03/2023
Không thực hiện thu hồi đất để đấu giá
02:00, 12/03/2023
Gỡ khó thu hồi đất
20:59, 09/03/2023