Cân nhắc lại thời gian giải quyết thủ tục xác định dự án đầu tư sử dụng công nghệ lạc hậu
Góp ý Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về xác định dự án đầu tư công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường… VCCI đề nghị cân nhắc lại thời gian giải quyết thủ tục…
>> Dự thảo Quyết định về định mức chi phí tái chế - Cần có lộ trình áp dụng phù hợp
Theo đó, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản trả lời Công văn số 1351/BKHCN-ĐTG của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc đề nghị góp ý Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định hồ sơ, trình tự, thủ tục xác định dự án đầu tư sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên (Dự thảo) (phiên bản 07/7/2023).
Cụ thể, về thời gian giải quyết thủ tục, VCCI cho rằng, theo quy định tại Điều 55 Nghị định 31/2021/NĐ-CP để gia hạn thời hạn hoạt động của dự án đầu tư, nhà đầu tư phải thực hiện thủ tục như:
(1) Nộp hồ sơ tới cơ quan có thẩm quyền về đầu tư (Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoặc cơ quan đăng ký đầu tư);
(2) Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền về đầu tư sẽ gửi hồ sơ tới các cơ quan có liên quan để lấy ý kiến về việc đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 4 Điều 44 Luật Đầu tư, khoản 4 Điều 27 Nghị định 31/2021/NĐ-CP;
(3) Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan được lấy ý kiến có ý kiến về việc đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 4 Điều 44 Luật Đầu tư, khoản 4 Điều 27 Nghị định 31/2021/NĐ-CP;
(4) Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ, cơ quan đăng ký đầu tư xem xét điều kiện gia hạn thời hạn hoạt động của dự án đầu tư, lập báo cáo thẩm định trình cơ chấp thuận chủ trương đầu tư;
(5) Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan đăng ký đầu tư, cơ quan chấp thuận chủ trương đầu tư quyết định gia hạn thời hạn hoạt động của dự án đầu tư.
>> Quan ngại về định mức chi phí tái chế, 14 hiệp hội doanh nghiệp cùng kiến nghị
Theo VCCI, Dự thảo này quy định trình tự thủ tục xác định dự án đầu tư sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên. Đây là thủ tục thực hiện ở bước (3) ở quy trình nêu trên. Về mặt nguyên tắc, thời gian giải quyết thủ tục này tại Dự thảo phải phù hợp với thời gian cho ý kiến của của bước (3) – là 10 ngày.
Trong khi đó, theo quy định tại Dự thảo, để cơ quan quản lý về khoa học công nghệ cho ý kiến ít nhất là 13 ngày (thời gian này có thể kéo dài hơn vì Dự thảo quy định chưa rõ về thời hạn các cơ quan có liên quan cho ý kiến khi cơ quan quản lý về khoa học và công nghệ lấy ý kiến). Điều này là chưa thống nhất giữa các văn bản và có thể gây khó khăn trong quá trình thực hiện.
“Theo giải trình của cơ quan soạn thảo, thời gian 10 ngày là không đủ để thực hiện việc cho ý kiến dự án đầu tư sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên hay không và đã quy định thời gian giải quyết thủ tục dài hơn so với Nghị định 31/2021/NĐ-CP. Vấn đề thời hạn giải quyết thủ tục điều chỉnh, gia hạn dự án đầu tư cần phải thống nhất với quy định tại Nghị định 31/2021/NĐ-CP. Dự thảo này là cấp Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, vì vậy điều chỉnh quy định về thời hạn giải quyết thủ tục tại Nghị định 31/2021/NĐ-CP là chưa phù hợp”, VCCI góp ý.
Từ các nhận định đã nêu, VCCI đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh lại thời gian giải quyết thủ tục để thống nhất với quy định tại Nghị định 31/2021/NĐ-CP.
Bên cạnh đó, về đối tượng áp dụng, khoản 1 Điều 2 Dự thảo quy định, đối tượng áp dụng của Dự thảo này là “dự án đầu tư có sử dụng công nghệ đề nghị được gia hạn thời hạn hoạt động theo quy định của pháp luật về đầu tư”. Có nghĩa là bất kỳ dự án nào sử dụng công nghệ muốn gia hạn thời hạn hoạt động đều phải thực hiện thủ tục để xác định dự án đầu tư có sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên hay không?
Góp ý về quy định này, VCCI cho rằng, phạm vi áp dụng như đã nêu là quá rộng, có thể tạo ra chi phí tuân thủ lớn cho doanh nghiệp khi phải thực hiện giám định công nghệ trong các dự án đầu tư khi xin thủ tục gia hạn, trong khi không phải công nghệ nào cũng gây ra ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên.
“Đề nghị Ban soạn thảo đánh giá tác động kỹ càng đối với quy định này, nhất là các chi phí mà doanh nghiệp phải bỏ ra để tuân thủ quy định”, VCCI góp ý.
Theo VCCI, mục tiêu của chính sách này nhằm hướng đến bảo vệ môi trường, không cho phép các dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường được gia hạn hoạt động. Với mục tiêu này, đề nghị Ban soạn thảo xác định các loại công nghệ trong các dự án đầu tư ở các ngành, lĩnh vực có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường (có thể tham khảo Danh mục loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường quy định tại Nghị định 08/2022/NĐ-CP).
Cùng với các vấn đề đã nêu, tại văn bản góp ý, VCCI cũng đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, cân nhắc một số quy định liên quan đến: Trình tự, thủ tục xác định dự án đầu tư sử dụng công nghệ (khoản 2 Điều 4 Dự thảo) và Trách nhiệm của tổ chức giám định (khoản 3 Điều 8 Dự thảo).
Có thể bạn quan tâm
Dự thảo Quyết định về định mức chi phí tái chế - Cần có lộ trình áp dụng phù hợp
03:30, 29/06/2023
Đảm bảo tính khả thi của một số quy định tại Dự thảo Quyết định về Danh mục dữ liệu
03:30, 27/09/2022
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Hoàn thiện dự thảo Quyết định thành lập BCĐ quốc gia Dự án Cảng hàng không Long Thành
20:05, 14/02/2022
Nam Định: Phát triển công nghệ cao song hành bảo vệ môi trường
01:21, 29/06/2023
Hoạch định “tăng trưởng xanh” gắn với bảo vệ môi trường ở Nghệ An
01:16, 12/06/2023