Kiến nghị các giải pháp cho thị trường điện
Ngành điện nên xem xét và lựa chọn một cơ chế thị trường công suất phù hợp để có thể thay thế cơ chế Quy hoạch điện tập trung hiện hành nhằm đảm bảo độ tin cậy dài hạn.
>>Dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp: Khi nào mới có giá bán chính thức?
Cần thành lập Ban cố vấn độc lậpchuyên trách về ngành điện
Đây là ý kiến của TS. Thái Doãn Hoàng Cầu, chuyên gia về hành vi kinh tế trong thị trường điện đề xuất trong bài tham luận được đăng trong Tài liệu Hội thảo “Chính sách giá điện, thị trường điện Việt Nam - Một số vấn đề đặt ra và giải pháp”. TS Thái Doãn Hoàng Cầu cho biết: Mặc dù ngành điện và các cơ quản chủ quản đã nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp tích cực nhưng cuộc khủng hoảng điện vừa qua đã bộc lộ nhiều nhược điểm, bất cập trong công tác quản trị ngành điện. Đó là, theo nội dung kết luận số 4463/KL-BCT của Thanh tra Bộ Công Thương ngày 10/7/2023: xây dựng nguồn và lưới điện chậm, mất cân đối so với quy hoạch, chưa tận dụng tốt nguồn lực năng lượng tái tạo đã được đầu tư, công tác quản trị rủi ro trong kế hoạch vận hành và vận hành các nguồn thuỷ điện, nhiệt điện chưa tốt.
Đặc biệt một trong các nguyên nhân chính dẫn đến việc ngành điện chưa làm tốt các công tác quản trị ngành nói trên là do cơ chế giá bán lẻ điện hiện hành không phản ánh kịp thời chi phí nhiên liệu đầu vào cũng như khan hiếm cung - cầu điện. “Để giảm lỗ, theo lẽ thường, đơn vị kinh doanh như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có động lực huy động nhiều nguồn điện có chi phí vận hành thấp như thuỷ điện và giảm nguồn điện có chi phí cao hơn như than, khí, dầu. Và như vậy EVN đã phải nhận rủi ro cao khi tình hình thời tiết, thuỷ văn cực đoan xảy ra ngoài dự báo trong năm 2023, gây nên những hậu quả đáng tiếc như vừa qua. Về việc thực hiện thị trường điện, cho đến nay, dù thời gian chuẩn bị đã lâu nhưng thị trường bán buôn điện vẫn chưa hoàn chỉnh, thị trường bán lẻ điện vẫn chưa thực hiện thí điểm theo như các thiết kế và lộ trình tương ứng đã được duyệt. Các khó khăn, bất cập vừa qua lẽ ra đã có thể và nên được giải quyết thông qua các cơ chế thị trường”- TS. Thái Doãn Hoàng Cầu nhận xét.
Vậy giải pháp dài hạn nào cho ngành điện? Để đưa ra một số giải pháp cấp bách mang tính trung và dài hạn, TS. Thái Doãn Hoàng Cầu khuyến nghị: Quốc hội, Chính phủ nên xem xét thành lập ngay một Ban cố vấn chuyên trách về cải cách ngành điện, năng lượng nhằm giúp Chính phủ giải quyết các vấn đề quan trọng của ngành điện và năng lượng, bao gồm an ninh năng lượng, hiệu quả kinh tế và bền vững thông qua các cơ chế thị trường.
5 giải pháp cải cách thị trường điện
Theo đó TS. Thái Doãn Hoàng Cầu cho rằng, Ban Cố vấn này nên độc lập với các cơ quan hiện đang điều tiết và điều hành ngành điện mặc dù sẽ tham vấn và cộng tác chặt chẽ với các cơ quan quản trị chủ quản này. Đặc biệt, Ban Cố vấn nên tiến hành đánh giá độc lập và toàn diện ngành điện để giúp Chính phủ hoàn thiện các chính sách, cơ chế quản trị nhằm kịp thời xây dựng các thị trường điện hoàn chỉnh theo lộ trình, đồng thời thúc đẩy việc phát triển nguồn nhân lực để thực hiện các nhiệm vụ đó. Kiến nghị về các giải pháp này TS. Thái Doãn Hoàng Cầu đưa ra các đề xuất sau:
>>Đẩy nhanh cơ chế mới đảm bảo phát triển thị trường điện cạnh tranh (Bài 2)
>>Cần thực hiện đấu thầu để phát triển nguồn điện bền vững
Một là, cần đảm bảo tính đồng bộ và liên thông giữa các phân ngành của ngành năng lượng, không thể phát triển thị trường điện mà thiếu sự đồng bộ và liên thông với các chính sách giá năng lượng hay phát triển thị trường nhiên liệu (than, khí) dùng cho sản xuất điện cũng như với các chính sách bền vững về môi trường và xã hội khác;
Hai là, xem xét thiết kế lại thị trường điện có tính đến mức độ thâm nhập rất lớn của năng lượng tái tạo (NLTT): Theo quy hoạch điện VIII đã được phê duyệt, Việt Nam sẽ hướng tới đạt tỉ lệ NLTT 31-39% vào năm 2030 và định hướng tỷ lệ này đạt 68-72% vào năm 2050. Theo kinh nghiệm quốc tế, các nước có mức độ thâm nhập NLTT cao đều gặp phải nhiều thách thức về suy giảm độ tin cậy hệ thống điện và họ đã phải xem xét thiết kế lại thị trường điện cho phù hợp. Trong việc xem xét thiết kế lại nhiều hạng mục của thị trường bán buôn, ngành điện Việt Nam nên xem xét và lựa chọn một cơ chế thị trường công suất phù hợp để có thể thay thế cơ chế Quy hoạch điện tập trung hiện hành nhằm đảm bảo độ tin cậy dài hạn, đủ công suất và năng lượng cho nhiều năm tới trong tương lai.
Về bản chất, thị trường công suất giống các Quy hoạch điện trong việc xác định thiếu hụt công suất nguồn lưới cho tương lai, nhưng sẽ được tiến hành với chu kỳ ngắn hơn như hàng năm, hoặc mỗi hai năm thay vì 5 năm như các Quy hoạch điện hiện nay. Với chu kỳ ngắn hơn, thị trường công suất giúp hệ thống điện sớm có đủ công suất linh hoạt cần thiết từ các nguồn có thể điều khiển được như thủy điện, nhà máy điện khí, thiết bị lưu trữ năng lượng, đáp ứng nhanh phía nhu cầu nhằm tích hợp và bình ổn NLTT vào hệ thống điện;
Ba là, cần đảm bảo tính tuần tự và tương thích giữa các hạng mục cải cách: Thiết kế thị trường bán buôn điện Việt Nam hoàn chỉnh cần phải được thực hiện thật tốt trước khi tiến hành thị trường bán lẻ điện chính thức. Một số công việc tái cơ cấu phải được tiến hành trước khi giới thiệu cơ chế thị trường cạnh tranh. Chẳng hạn như việc tách trung tâm điều độ quốc gia khỏi EVN, cổ phần hoá các Tổng Công ty Phát điện, chia tách và cổ phần hoá các Tổng Công ty Điện lực (Phân phối và Bán lẻ) cần được hoàn tất sớm trước khi giới thiệu các thị trường điện tương ứng;
Bốn là, cần đảm bảo tính độc lập của các cơ quan chức năng trong cơ cấu quản trị ngành điện. Theo TS Thái Doãn Hoàng Cầu, cơ cấu quản trị ngành điện Việt Nam hiện tại khá phức tạp, có thể dẫn đến tồn tại xung đột về lợi ích và như vậy có thể làm giảm tính minh bạch và công bằng của các chức năng quản trị ngành điện. Ban Cố vấn nên giúp Chính phủ rà soát để có giải pháp đồng bộ cho toàn bộ cơ cấu quản trị thị trường điện bao gồm các chức năng xây dựng luật, ra chính sách, thiết kế thị trường các cấp, quản lý và lập quy định thị trường, điều tiết thị trường, vận hành thị trường (thường kiêm cả vận hành hệ thống điện tùy theo thiết kế), các hội đồng và ủy ban chuyên môn, cố vấn khác. Ban Cố vấn cũng có thể nên giúp Chính phủ xem xét phân bổ các nguồn lực cần thiết như thẩm quyền, tài chính, chính sách đãi ngộ về nguồn nhân lực cho các cơ quan quản trị để đảm bảo an ninh năng lượng cũng như các mục tiêu quan trọng khác của ngành điện.
Năm là, thúc đẩy việc xây dựng chính sách, giải pháp, nguồn lực cụ thể về phát triển năng lực thực hiện thị trường điện: Để thực hiện cải cách thành công, cần nhiều giải pháp phù hợp và đồng bộ về pháp luật, chính sách, tài chính, khoa học - công nghệ, tổ chức và nhân lực,... để san bằng khoảng trống giữa tầm nhìn và thực trạng.
Đối với cải cách rất phức tạp của ngành điện, TS. Thái Doãn Hoàng Cầu cho rằng giải pháp phát triển năng lực thực hiện, trong đó phát triển nguồn nhân lực là cốt lõi. Đây cũng là một thử thách lớn của ngành điện và là lý do mọi quyết định chiến lược xây dựng thị trường bán buôn, bán lẻ điện, các Quy hoạch điện của ngành điện Việt Nam đều yêu cầu các đơn vị tham gia các thị trường điện, quy hoạch điện phải có đội ngũ cán bộ, công nhân viên được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu của các nhiệm vụ tương ứng. Ban Cố vấn nên giúp Chính phủ thúc đẩy việc xây dựng chính sách, giải pháp, nguồn lực hỗ trợ cụ thể bao gồm chính sách đãi ngộ để phát triển đội ngũ lãnh đạo, chuyên viên, chuyên gia am hiểu nhiều lĩnh vực của thị trường điện.
Với hơn 35 năm hình thành và phát triển, ngày nay thị trường điện đã có nền tảng khoa học tốt, vững chắc chứ không đơn thuần là một cải cách ngành điện mang tính xu hướng, cảm tính. Kiến thức thị trường điện có tính tổng hợp, liên ngành gồm kỹ thuật, công nghệ, kinh tế, thương mại và quản lý.
“Mục tiêu đào tạo, phát triển nhân lực không những ở mức đủ để làm việc mà còn nên ở mức chuyên gia cho các vị trí quan trọng hay chủ chốt để có thể vận dụng được cho nhiều tình huống thay đổi tiếp theo, chẳng hạn như sự phát triển bùng nổ của các nguồn năng lượng tái tạo và các công nghệ tích hợp chúng vào hệ thống điện. Mục tiêu đào tạo cũng nên là tạo ra được những con người có tư duy phản biện, sáng tạo, biết đề ra những việc đúng để làm hơn là chấp nhận những gì sẵn có, hoặc chỉ biết làm đúng theo những gì được quy định, chỉ định đã trở nên lỗi thời, bất cập”- TS. Thái Doãn Hoàng Cầu nhận định.
Có thể bạn quan tâm
"Mở lối" chính sách cho thị trường điện - Bài 1: Tồn tại nhiều hạn chế
11:00, 23/03/2023
"Mở lối" chính sách cho thị trường điện – Bài 2: Hoàn thiện hành lang pháp lý
05:00, 24/03/2023
Phát triển thị trường điện cạnh tranh 2023
03:00, 14/02/2023
Cần đổi mới sáng tạo thị trường điện và dịch vụ phụ trợ
05:00, 06/02/2023
Năng lượng tái tạo: Giai đoạn phát triển tiếp theo sẽ có tính cạnh tranh lành mạnh hơn
04:45, 15/07/2023
EVN công khai, minh bạch thông tin thực hiện các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp
15:39, 29/05/2023
Điện thiếu và chính sách cho năng lượng tái tạo
05:00, 26/05/2023