Bình Thuận: Đề xuất gỡ vướng cho các dự án điện năng lượng tái tạo
Hiệp hội Điện gió và mặt trời Bình Thuận gửi công văn đề xuất Đoàn giám sát của Quốc hội xem xét, đề nghị Chính phủ tháo gỡ vướng mắc cho các dự án điện gió, điện mặt trời tỉnh Bình Thuận.
>>Tháo gỡ rào cản để năng lượng tái tạo hút vốn đầu tư
Cụ thể theo đơn kiến nghị đại diện Hiệp hội đề xuất, Đoàn giám sát của Quốc hội xem xét báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án đầu tư trong khu vực dự trữ khoáng sản Titan và sớm thống nhất điều chỉnh quy hoạch dự trữ, khai thác khoáng sản titan trên địa bàn tỉnh Bình Thuận để làm cơ sở cho địa phương giải quyết thủ tục đất đai cho các dự án.
Bên cạnh đó, Đoàn giám sát của Quốc hội xem xét sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công an thu hồi các quyết định tạm hoãn xuất cảnh của lãnh đạo các doanh nghiệp điện gió, điện mặt trời trên địa bàn để hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp có thể bình thường trở lại.
Giải trình trong đơn đại diện Hiệp hội Điện gió và mặt trời Bình Thuận và các doanh nghiệp cho biết, ngày 06/05/2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 645/QĐ-TTg về Quy hoạch vùng dự trữ và khai thác khoáng sản quốc gia tại Bình Thuận với tổng diện tích là 827 km2. Với diện tích này, phần lớn các dự án Năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh đều có chồng lấn với Quy hoạch dự trữ khoáng sản Quốc gia.
Sau khi Quyết định 645/QĐ-TTg được ban hành, các Doanh nghiệp và Hiệp hội đã có nhiều kiến nghị gửi UBND Tỉnh Bình Thuận liên quan đến việc chồng lấn quy hoạch; UBND Tỉnh cũng đã nhiều lần làm việc với Chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường để tháo gỡ, song đến nay vẫn chưa nhận được các hướng dẫn liên quan.
>>Gỡ ‘nút thắt’ cho phát triển năng lượng tái tạo
Tiếp đó, ngày 01/04/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 51/2021/NĐ-CP về việc Quản lý khoáng sản tại các khu vực dữ trữ khoáng sản Quốc gia. Khoản 1 Điều 8 của Nghị định 51 quy định về việc không thực hiện dự án đầu tư tại khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia như sau: “Điều 8. Thực hiện dự án đầu tư tại khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia. Trong đó có nêu Không thực hiện dự án đầu tư sau đây tại khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia gồm: a) Các dự án đầu tư có mục đích sử dụng đất lâu dài, trừ các công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ lợi ích quốc gia, công cộng; b) Các công trình xây dựng thuộc cấp công trình đặc biệt, cấp I theo quy định pháp luật về xây dựng, trừ dự án quan trọng quốc gia thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ”.
Căn cứ quy định này, các dự án công trình cấp II, III và IV không thuộc đối tượng không được phép đầu tư tại khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia. Trong khi đó, qua rà soát, đa số các dự án điện gió, điện mặt trời tại tỉnh Bình Thuận là loại công trình công nghiệp năng lượng cấp II. Như vậy, các dự án được hiểu là không thuộc đối tượng không được phép đầu tư tại khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia.
Mặt khác cũng tại Nghị định 51, khoản 1 Điều 13 Điều khoản chuyển tiếp quy định như sau: “1. Các dự án, cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ đang hoạt động hợp pháp tại khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục được thực hiện, hoạt động đến hết thời hạn hoạt động của dự án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép. Trường hợp gia hạn thời gian hoạt động của dự án thì thực hiện theo quy định tại Nghị định này”.
Trước các điều khoản trên, đại diện Hiệp hội Điện gió và mặt trời Bình Thuận cho biết các Dự án điện gió, điện mặt trời đều được UBND tỉnh, cấp giấy chứng nhận đầu tư, chủ trương đầu tư, trong đó các dự án điện gió thực hiện theo Quy hoạch phát triển điện gió tỉnh Bình Thuận từ năm 2012 do Bộ Công Thương phê duyệt theo Quyết định số 4715/QĐ-BCT ngày 16/8/2012, trước thời điểm Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia Titan trên địa bàn tỉnh Bình Thuận tại Quyết định số 645/QĐ-TTg và Nghị định 51/2021/NĐ-CP. Như vậy, các dự án điện gió và điện mặt trời đã triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đều đang tuân thủ quy định tại Khoản 1 Điều 13 Nghị định số 51.
“Thế nhưng các doanh nghiệp đang gặpvướng mắc và khó khăn là do hiện nay làchưa có hướng dẫn cụ thể, chi tiết về thủ tục đất đai liên quan đến việc thực hiện dự án điện gió, điện mặt trời tại khu vực dự trữ khoáng sản titan sau khi Nghị định số 51/2021/NĐ-CP ngày 01/4/2021 của Chính phủ ban hành. Do vậy, nhiều dự án dù đã hoàn thành công tác đền bù, giải phóng mặt bằng theo quy định (chi trả theo thỏa thuận với các hộ dân, không gây tranh chấp, khiếu nại hay mất ổn định xã hội trên địa bàn), nhưng việc giao đất, cho thuê đất không thể hoàn thành kịp thời được. Ngoài ra, cũng vì lý do nêu trên, nhiều dự án không được cơ quan Quản lý nhà nước xác nhận nghiệm thu tại thời điểm hoàn thành các công tác thử nghiệm để vận hành thương mại (COD) "- đại diện các doanh nghiệp cho biết.
Được biết tỉnh Bình Thuận là tỉnh có tiềm năng về điện gió và điện mặt trời đứng đầu cả nước. Các dự án điện gió và điện mặt trời tại địa bàn đã được UBND tỉnh cấp chứng nhận đầu tư, chủ trương đầu tư và phù hợp với Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh do Bộ Công Thương ban hành, tuy nhiên Quy hoạch dự trữ khoáng sản Titan nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể đã và đang gây rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp điện gió, điện mặt trời đang hoạt động tại tỉnh.
Có thể bạn quan tâm
Cơ chế ổn định phát triển năng lượng tái tạo
13:41, 10/08/2023
Doanh nghiệp Năng lượng tái tạo than khó với Uỷ ban thường vụ Quốc hội
14:33, 24/07/2023
Năng lượng tái tạo: Giai đoạn phát triển tiếp theo sẽ có tính cạnh tranh lành mạnh hơn
04:45, 15/07/2023
Khơi thông thị trường năng lượng tái tạo
03:00, 01/02/2023