Quản lý hoạt động đường thủy nội địa: Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính
Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều quy định về quản lý hoạt động đường thủy nội địa, VCCI cho rằng, cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp…
>> Du lịch đường thủy nội địa của Đà Nẵng vẫn tắc
Theo đó, trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản trả lời Công văn số 6034/BGTVT-KCHT ngày 09/6/2023 của Bộ Giao thông vận tải về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 08/2021/NĐ-CP quy định về quản lý hoạt động đường thủy nội địa (Dự thảo).
Các nội dung sửa đổi của Dự thảo theo yêu cầu về phân cấp thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính theo Nghị quyết 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ, Quyết định 1015/QĐ-TTg ngày 30/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Theo VCCI, qua rà soát, về cơ bản, các nội dung sửa đổi đã bám sát Quyết định 1015/QĐ-TTg.
Để tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, VCCI cho rằng, Điều 4.2 Nghị định 08/2021/NĐ-CP quy định nếu dự án đầu tư xây dựng luồng đường thủy nội địa, cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu chưa có hoặc khác với quy hoạch, chủ đầu tư phải báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh bổ sung vào quy hoạch. Việc xem xét, điều chỉnh theo quy định của pháp luật về quy hoạch.
Tuy nhiên, qua rà soát, Luật Quy hoạch và văn bản hướng dẫn không có quy định cụ thể về hồ sơ, trình tự, thủ tục và thời gian giải quyết thủ tục này. Việc này sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp khi có nhu cầu đầu tư mới mà chưa hoặc khác quy hoạch.
“Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục và thời gian giải quyết thủ tục đề nghị điều chỉnh, bổ sung quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thuỷ nội địa hoặc quy hoạch khác”, VCCI góp ý.
>>“Cú hích ” nào cho ngành du lịch Đà Nẵng?
Cũng theo VCCI, bên cạnh đó, theo quy định của Luật Giao thông đường thuỷ nội địa, các địa phương ban hành các phương án, kế hoạch quy hoạch phát triển kết cấu giao thông đường thuỷ nội địa. Các phương án, kế hoạch này quy định cụ thể danh mục các bến thuỷ, các tuyến vận tải khách, du lịch hiện hữu và dự kiến được phát triển trong thời kỳ. Tuy nhiên, thực tế, thị trường luôn rất năng động và luôn xuất hiện nhu cầu đầu tư bến thuỷ, khu neo đậu để kinh doanh vận tải hoặc phục vụ hoạt động kinh doanh khác (chẳng hạn du lịch).
Việc quy định cứng danh mục các hạ tầng dự kiến phát triển sẽ khiến các dự án có nhu cầu không nằm trong quy hoạch. Khi đó, doanh nghiệp bắt buộc phải “xin” địa phương điều chỉnh quy hoạch và thẩm quyền đề xuất sửa và thẩm quyền phê duyệt đều thuộc các cơ quan nhà nước khác nhau. Việc này mất rất nhiều thời gian và công sức của doanh nghiệp, thậm chí có thể dẫn đến tiêu cực, tham nhũng.
Chưa kể, việc quy hoạch hạ tầng giao thông thuỷ nội địa có thể được suy đoán là nhằm đảm bảo việc phát triển đồng bộ của các hạ tầng giao thông; và xác định nhu cầu đầu tư trong từng giai đoạn. Tuy nhiên, bên cạnh các công trình quan trọng, có tính thiết yếu cần phải quy hoạch, một số công trình khác có quy mô nhỏ và nguồn vốn tư nhân chỉ phục vụ một số mục đích vận tải hạn chế nhất định hoặc phục vụ hoạt động kinh doanh khác không nhất thiết phải được xác định cụ thể trong các quy hoạch, kế hoạch để đảm bảo tính linh hoạt của thị trường. Việc kiểm soát an toàn các công trình này đã được thực hiện thông qua pháp luật đầu tư, xây dựng và thoả thuận kỹ thuật theo Nghị định 08/2021/NĐ-CP.
Do vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung quy định theo hướng các công trình hạ tầng giao thông thuỷ nội địa có quy mô nhỏ và từ nguồn vốn tư nhân mà chưa có trong quy hoạch thì không cần bổ sung trong quy hoạch. Các công trình này vẫn phải tuân thủ các quy định trong Nghị định 08/2021/NĐ-CP và các quy định khác có liên quan.
Cùng với các góp ý đã nêu, về thời gian xem xét tính hợp lý của hồ sơ, Nghị định 08/2021/NĐ-CP quy định rất nhiều thủ tục hành chính. Các mốc thời gian xem xét, thẩm định hồ sơ để cấp phép đều được tính từ thời điểm nhận được “đủ hồ sơ theo quy định” mà không phải là thời điểm nhận được hồ sơ.
Tuy nhiên, theo VCCI các quy định này đều thiếu nội dung về khoảng thời gian cơ quan có thẩm quyền xem xét tính hợp lệ, đầy đủ của hồ sơ. Điều này có thể khiến cho doanh nghiệp không nhận biết được thời gian hoàn thành thủ tục hoặc/và có nguy cơ doanh nghiệp bị yêu cầu hoàn thiện hồ sơ nhiều lần.
“Vì vậy, để đảm bảo tính minh bạch của thủ tục, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định (có thể thành một quy định riêng hoặc bổ sung vào các quy định hiện tại) về khoảng thời gian xem xét tính hợp lệ, đầy đủ của hồ sơ trong các quy định về thủ tục hành chính và quy định chỉ được yêu cầu bổ sung hồ sơ một lần”, VCCI góp ý.
Ngoài ra, về phương thức thực hiện thủ tục hành chính, theo Nghị định 08/2021/NĐ-CP, doanh nghiệp nộp trực tiếp hoặc theo các hình thức phù hợp khác, tuy nhiên, quy định này không rõ hình thức phù hợp ở đây là gì. Theo kinh nghiệm từ các thủ tục hành chính khác, các phương thức thường được quy định là trực tiếp, qua đường bưu điện và trực tiếp.
Do vậy, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, sửa đổi các thủ tục hành chính theo hướng quy định rõ các phương thức thực hiện nêu trên.
Có thể bạn quan tâm
Du lịch đường thủy nội địa của Đà Nẵng vẫn tắc
02:03, 23/07/2023
Đà Nẵng: Phát triển đường thủy nội địa kết hợp du lịch khó vì đâu?
03:00, 14/07/2023
Nghệ An “cấp tốc” kiểm tra việc chấp hành trật tư giao thông đường thuỷ nội địa
03:00, 15/06/2023
Đà Nẵng: Phát triển đường thủy nội địa gắn với du lịch
03:00, 11/01/2023
“Èo uột” đường thủy nội địa
00:06, 24/11/2022