“Cái chết xanh”: Việt Nam trong làn sóng thiên tai dịch bệnh 200 năm trước

Theo Tia sáng 22/11/2021 01:07

Đầu thế kỷ 19 là giai đoạn sóng gió theo đúng nghĩa đen với VN, khi chúng ta hứng chịu thảm họa tự nhiên, ngay sau đó là đại dịch tả cướp đi sinh mạng 4-5% dân số.

>>Mặt Trăng đủ khí oxy cho 8 tỷ người?

Bức tranh về “mưa” lửa rơi xuống Tambora năm 1815. Ảnh: TheGuardian.

Bức tranh về “mưa” lửa rơi xuống Tambora năm 1815. Ảnh: TheGuardian.

Núi lửa Tambora thức giấc gây tai họa toàn cầu 

Ngày mùng 5/4 /1815, những người cách xa ngọn núi lửa Tambora, thuộc hòn đảo Sumbawa, Indonesia tới 1300-1400 km vẫn nghe thấy tiếng nổ lớn. Tambora chính thức thức giấc sau thời gian dài ngủ yên, cột khí bụi phun trào từ miệng núi lên cao khoảng 25km. Những ngày tiếp theo, núi lửa này tiếp tục có những đợt phun trào nhỏ. Khoảng 7 giờ tối ngày mùng 10/4, đợt phun trào lớn nhất diễn ra. Cột khí bụi lên tới 40 km, âm thanh của vụ nổ có thể nghe thấy ở nơi cách đó trên 2000km. Tổng lượng khí bụi phun trào ước tính khoảng 50 km3. Khí bụi bao phủ một vùng rộng lớn khoảng 500.000 km2, với độ phủ dày khác nhau từ 1-100 cm. Riêng vùng xung quanh núi lửa Tampora, bụi dày đặc trên 90 cm bao phủ vùng khoảng 300 km2, che khuất mặt trời, khiến cả vùng chìm trong bóng tối suốt ba ngày. Hầu hết cư dân sinh sống tại Tambora đều thiệt mạng. Những ghi chép của người đương thời kể lại, chỉ 26 người trong số 12.000 người sinh sống ở Tambora sống sót.

Ảnh hưởng sau đó của đợt phun trào còn dữ dội hơn nhiều. Khí nóng và bụi núi lửa tiêu diệt mảng thực vật của hòn đảo Sumbawa và các vùng xung quanh. Mùa màng thất bát, gây ra nạn đói trên toàn khu vực. Trong số cư dân sinh đống tại đảo Sumbawa, có khoảng 38.000 người chết đói và bệnh tật, và khoảng 36.000 người khác di cư sang Java. Hòn đảo Lombok, sát cạnh Sumbawa cũng có khoảng 20.000 người chết và 100.000 người di cư sang Java.

Tác động của đợt phun trào không dừng lại trong biên giới Indonesia mà gây hậu quả nặng nề trên quy mô toàn cầu. Khi đá và bụi từ đợt phun trào rơi ngược trở lại mặt đất thì hơi nước H2O và khí lưu huỳnh dioxit SO2 bay đến tầng bình lưu. Khi các phân tử này tương tác, tạo ra hợp chất axit lưu huỳnh, H2SO4, hình thành những màng sol khí. Theo chiều gió, màng sol khí này di chuyển đến cực Bắc và Nam bán cầu. Màng khí làm khúc xạ một lượng lớn năng lượng mặt trời chiếu xuống Trái đất, gây giảm nhiệt độ mặt đất. Do không chịu tác động của mưa, nên màng sol khí này tồn tại đến một vài năm, dẫn đến xu hướng giảm nhiệt độ toàn cầu. Đặc biệt, các vùng Tây- Bắc Âu, nhiệt độ trung bình giảm 10 độ so với bình thường. Nhiệt độ thấp khiến mùa màng thất bát, gây ra nạn đói nghiêm trọng.

Ở khu vực Ấn Độ Dương, tác động của việc giảm nhiệt độ này không trực tiếp, mà chủ yếu “gián tiếp” thông qua sự nhiễu động trong hoạt động của gió mùa, dẫn đến hạn hán, đói kém và bệnh dịch. Gió mùa của Ấn Độ, thường xuất hiện vào tháng năm mang theo các cơn mưa mùa hè. Năm 1815 -1816 gió mùa đã không đến như thường lệ. Đặc biệt năm 1816, đến tận tháng sáu gió mùa vẫn chưa hề xuất hiện, trở thành lần đứt đoạn gió mùa lớn nhất trong lịch sử lục địa châu Á. Tắt gió mùa đồng nghĩa với việc thiếu vắng các cơn mưa, gây ra hạn hán nghiêm trọng kéo dài suốt hè năm 1816. Nhưng oái oăm hơn là sau hạn hán lại là những cơn mưa lớn trái mùa gây ra lũ lụt lớn suốt tháng chín ở vùng Bangladesh.

>>Thảm họa bí ẩn che khuất mặt trời, biến hè lạnh như đông suốt 18 tháng

>>Mảnh vỡ của Mặt Trăng bay cực gần Trái Đất

Nhưng hiểm họa chưa dừng lại, các sử gia đã chỉ ra, hạn hán, lũ lụt, nhiễu động của thời tiết Ấn Độ trở thành yếu tố chính cho việc bùng phát đại dịch tả toàn cầu năm 1817 – 1824. Trước đó, bệnh dịch tả vốn đã tồn tại ở vùng Bengal từ xa xưa, nhưng chỉ cục bộ trong phạm vi địa phương. Đợt hạn hán kéo dài năm 1816 khiến nguồn nước càng kém vệ sinh, gia tăng khả năng nhiễm bệnh. Tháng 5/1817, khi mà gió mùa đến sớm hơn ba tuần cùng với lượng mưa lớn, gây phát tán bệnh dịch. Khoảng tháng 8/1817, bệnh dịch đã lan rộng trong khắp vùng Ấn Độ. Và chỉ trong năm ngày (15-20/11/1817), quân đội Anh khi di chuyển từ Calcutta đến đóng quân tại bờ sông Sinde vùng Gwalior trong cuộc chiến tranh với người Maratha ở vùng Bắc trung tâm Ấn Độ, đã mất khoảng 5000 người. Bệnh nhân được miêu tả là mắt trũng xuống, da nhăn nheo, tiêu chảy nhiều, nôn nửa ra những chất lỏng trong như nước gạo. Khi chết, môi và ngón tay của họ chuyển sang màu xanh xám, là kết quả của việc mất quá nhiều nước nên người Anh gọi đó là “blue death” – cái chết xanh. Đến ngày 22/11, khi đã di chuyển sang vị trí đóng quân mới, ở vùng sông Betwah, quân Anh đã mất hơn một nửa, khoảng 10.000 người chết, và khoảng 30.000 người bỏ trốn.

Trang đầu của bản báo cáo ngày 24 tháng 12 năm Minh Mệnh 1 về tình hình dịch bệnh ở 11 trấn Bắc Thành Châu phê của Hoàng đế Minh Mệnh: 爾轄被災最在各處之後。今已平復則立全好矣。朕不勝歡喜之至。著吏部傳與各衙門。知道了。欽此。Hạt ngươi chịu tai thương muộn nhất trong các xứ, nay cũng đã bình phục, vậy là đều đã tốt cả rồi, Trẫm thật sự vui mừng hết sức; Sai bộ Lại truyền báo cho tất cả bộ nha cùng biết. [Còn việc khác] đều đã biết rồi. Khâm thử. Nguồn: CBTN, Minh Mệnh, tập 01, tờ 98-102.

Sau đó, người Anh ở Ấn Độ và các nhóm thương nhân ngoại quốc khác đã nhiễm bệnh và phát tán dịch ra toàn cầu. Theo thương thuyền, từ Bengal, “cái chết xanh” lan ra các vùng xung quanh. Chỉ trong hai năm 1819-1920, bệnh dịch đã lan tới Tambora, Burma và Siam (Thái Lan), cướp đi tính mạng khoảng 125.000 người.

Việt Nam cũng chịu chung tác động trực tiếp từ nhiễu động của thời tiết gió mùa của toàn khu vực. Từ mùa đông năm 1815 đến mùa xuân năm 1816, các vùng Nghệ An đến Bắc Thành phải chịu cảnh hạn hán. Các tỉnh từ Quảng Bình trở vào Nam, mùa màng thất thu. Tình trạng hạn hán xuất hiện trên khắp cả nước năm 1817. Sang năm 1818, các địa phương phải chịu cảnh lụt lội từ các đợt mưa trái mùa, lũ lụt ở Nghệ An, Định Tường vào mùa hè, và ở Thanh Hóa vào mùa đông. Năm 1819, Quảng Nam, Quảng Ngãi bị hạn hán vào mùa hè, sang mùa đông, Thanh Hóa đến Bắc Thành lại bị lụt lội. Năm 1820, các tỉnh Nghệ An ra Bắc chịu cảnh hạn hán, thì các vùng từ Huế vào Phú Yên, Biên Hòa Vĩnh Thanh, Định Tường, Biên Hòa, Phiên An, đều gặp phải bão lũ nghiêm trọng.

Triều Nguyễn phải thực hiện nhiều chính sách để cứu đói cho dân. Trong đó, phổ biến nhất là giảm và miễn các loại thuế thân, thuế ruộng, hoãn việc bắt lính cũng như công việc xây dựng. Triều đình thường xuyên mở kho thóc để phát chẩn cứu đói, cho dân vay, hay bán giảm giá cho người dân khi gạo quá đắt. Ví dụ, năm 1816, triều đình tha hết các khoản thuế thân, thuế ruộng còn thiếu trong khoảng sáu năm 1812-1815 cho toàn bộ 11 trấn Bắc Thành, các khoản nợ khác cho hoãn một năm. Các vùng khác cũng được giảm một phần số thuế. Khi Nghệ An bị đói, triều đình cũng xuất ra 30.000 hộc thóc để cho vay hay bán giảm giá cho dân. Quảng Đức và Quảng Nam giá gạo quá cao, triều đình cũng phát ra 50.000 hộc thóc mỗi kho ở để bán giảm giá cho dân. Các biện pháp cứu trợ tương tự được thực hiện trong các năm tiếp theo. Mặc dù vậy, tình trạng đói nghèo vẫn khiến dân chúng bỏ làng xiêu tán. Năm 1819, trong sổ thường hành ở Nghệ An, số đinh chỉ còn 110.000 người, giảm 20.000 người so với sổ cũ. 

Đại dịch tả lan tràn cả nước 

Cuối năm 1819, vua Gia Long trở bệnh nặng và qua đời. Hoàng thái tử Nguyễn Phúc Đảm kế thừa ngôi vị, đặt niên hiệu Minh Mệnh. Ngay sau khi lên ngôi, Minh Mệnh nhanh chóng đối diện với nguy cơ nạn đói do thiên tai mất mùa kéo dài từ những năm cuối thời Gia Long. Nhưng nằm ngoài sức tưởng tượng của vị vua trẻ là thách thức từ cái chết xanh từ biên giới Ấn Độ tràn tới Việt Nam. Từ tháng 4/1820, dịch tả đã lan tràn từ Bengal đến Siam. Và nhanh chóng, khoảng tháng bảy năm đó dịch bệnh lan ra khắp các trấn Hà Tiên, Vĩnh Thanh, Định Tường. Dịch lan đến Bình Định khoảng trung tầm tháng sáu, đến cuối tháng chín, số người chết do dịch ở riêng vùng này đã lên tới 12.721 người. Theo báo cáo của phó tổng trấn Bắc Thành Lê Văn Phong tấu báo lên triều đình ngày 24/12 năm Minh Mệnh 1, dịch lan tới Bắc Thành khoảng tháng tám âm lịch, tính đến mùng 3/12 năm Minh Mệnh 1 (1820) tổng số người chết toàn vùng là 114.282 người.

Báo cáo của Lê Văn Phong cũng gần với những quan sát của người châu Âu lúc bấy giờ. Lá thư ngày 22/11/1820 của Mgr.J.J. Guerard, Bishop of Castoria, gửi từ giáo sứ vùng Bắc Thành, ghi chép rằng: “Năm nay là một năm chết chóc đáng sợ của vương quốc này. Người vừa nhiễm bệnh lập tức qua đời, hoặc chỉ trong khoảng nhiều nhất là hai, ba giờ đồng hồ. Chỉ ở trấn tôi đang sống [Bắc Thành], theo danh sách được lập để báo lên nhà vua, thì có trên 22.000 người đã chết trong chưa tới ba tháng. Tình trạng tương tự ở tất cả các tỉnh khác”.

Tình hình dịch bệnh ở các nước láng giềng cũng rất trầm trọng. Năm 1825, một cựu nhân viên y tế người Anh ở Ấn Độ đã làm một báo cáo dài hơn 100 trang về đại dịch gửi lên hội đồng quản trị Công ty Đông Ấn Anh ở London, tổng kết lại những quan sát liên quan đến đại dịch tả năm 1817-1824. Trong lời cuối của bản ghi chép, ông ghi chú rằng năm 1820, riêng ở Bangkok đã có khoảng 40.000 người chết; trong chưa tới hai năm, khoảng nửa triệu người Java qua đời; riêng ở Tabris ở Ba Tư, năm 1822, có tới 4800 người chết trong vòng 25 ngày; và ở Cochin - China tình trạng nghiêm trọng của cũng tương tự như vậy. 

Minh Mệnh đối diện với đại dịch

Minh Mệnh lên ngôi hoàng đế khi những mâu thuẫn giữa các phe phái vẫn trong triều vẫn tiếp tục âm ỷ. Những tin báo về thiên tai và đại dịch lại càng cho ông lo lắng về “Thiên Mệnh” của mình. Vua bảo bầy tôi rằng: “Theo sách vở chép thì bệnh dịch chẳng qua chỉ một châu một huyện, chưa có bao giờ theo mặt đất lan khắp như ngày nay. Trẫm làm chủ của dân, duy có ngày đêm kính sợ, xét mình sửa đức để hồi lại ý trời…. Trẫm không có đức, trên can phạm hòa khí của trời, bốn phương có dịch đều là lỗi trẫm”. Chính vì thế, Minh Mệnh ban hành chính sách hỗ trợ đối với việc điều trị, cấp phát thuốc men cho người bị bệnh. Những người bị chết, không kể già trẻ, gái trai, quân dân đều cho tiền tuất ba quan. Lại sai trung sứ tuyên dụ cho quan địa phương phải đích thân đi cấp tiền tuất, hỏi thăm dịch khí nhẹ hay dữ, và số quân dân bị ốm chết, cứ ngày một lần tâu. Bên cạnh đó, triều đình dụ cho địa phương làm lễ cầu đảo. Ở Kinh Thành, sai Nguyễn Văn Nhân cầu đảo ở đàn Thái tuế Nguyệt tướng (đàn đặt ở bên tả đàn Nam Giao, bậc thứ ba), Trần Văn Năng đảo ở miếu Đô thành hoàng, Nguyễn Văn Hưng đảo ở Miếu hội đồng. Lại sai ban cấp cho các chùa, làm đàn trai tiếu khiến cầu đảo cho dân. Bản thân Hoàng đến cũng trai giới, cầu đảo, kính cẩn trong hoàng cung.

Minh Mệnh cũng khai thông ngôn lộ, để các quan lại trong trong và ngoài triều văn võ từ quan tứ phẩm trở nên được dâng thư kín, trình bày những vấn đề cần sửa đổi. “Trẫm nghe đường ngôn luận mở rộng thì nước mới trị. Cho nên cờ tiến thiện, cây gièm chê là cốt biết tình dân để thông đạo trị mà đem lời khuyên can. Trẫm thấy thân nhỏ bé, nối nghiệp lớn lao thường nơm nớp sợ gánh nặng được phó thác, vẫn cùng các đại thần huân cựu, dậy sớm, ăn muộn, sửa sang chính trị. Nay bỗng gặp khí trời không hoà, nhân dân khó sống, có lẽ là chính sự có điều gì thiếu sót chăng, ẩn tình của dân có chỗ chưa suốt đến chăng? Người muốn thấy hình của mình, tất nhờ ở gương sáng; vua muốn nghe lỗi của mình, tất phải đợi ở tôi ngay. Vậy cho các văn võ ở Kinh từ Tứ phẩm trở lên, các quan thành dinh trấn ở ngoài đều lo cố gắng, đua nhau đối đáp rõ rệt, hoặc lỗi chính ở trẫm, về kính đức nối sáng có thiếu, về nhân ân yêu giữ chưa tròn. Vậy lấy chư thần làm bầy tôi pháp độ, làm kẻ sĩ giúp vầy, như đá để trị ngọc, như đá để mài vàng, chớ như lời nói của mình quý như vàng ngọc mà giấu, cần phải chỉ ngay vào điều lỗi không kiêng kỵ gì. Lại phàm nghe thấy chính sự có thiếu sót, dân tình có khổ sở, đều cho dùng phong bì mà tâu thực lên. Trẫm sẽ thân xem, chọn để đem làm. Tôi quan ở trong ở ngoài, nên thể tất ý thiết tha lo tìm của trẫm để vua tôi sửa chữa lẫn nhau, may ra trên báo đáp được lòng trời, dưới chữa sống được bệnh dân, để cùng hưởng phúc thái bình”.

Nhưng không có những cơ sở khoa học để giải thích về hiện tượng tự nhiên, cũng như không biết rõ căn nguyên từ đại dịch, quan lại trong ngoài đều không đưa lại một lời giải thích thuyết phục nào. Minh Mệnh than thở cùng Trịnh Hoài Đức, Phạm Đăng Hưng, Nguyễn Hữu Thận rằng: “Năm nay dịch lệ phát ra từ Hà Tiên, lan tới Bắc Hà, trước kia chưa có thế. […] Trẫm sớm đêm lo lắng, không thể thôi được, nên ngày gần đây xuống chiếu cầu lời nói thẳng, mà các khanh tuyệt không có một lời nào là tại làm sao?”. Nhưng các đại thần vẫn không thể đáp lại được.

Đến cuối năm 1820, đợt đầu tiên của đại dịch đã qua, lấy đi tính mạng của 206.835 người trong hộ tịch, gồm cả nam nữ, già trẻ, quân dân. Số tiền cấp tuất cho người chết lên tới 730.000 quan. Điều đáng bàn là, trong suốt thời Gia Long cho đến đầu năm Minh Mệnh, triều đình hoàn toàn chưa thể làm được duyệt tuyển ở trấn Nghệ An, Thanh Hóa, và 11 trấn Bắc Thành. Điều đó có nghĩa, một bộ phận dân chúng nằm ngoài sổ sách ghi chép của triều đình. Theo ước tính của bộ Hộ, số tử vong của nhóm ngoài sổ cũng khoảng trên 206 ngàn người. Năm Gia Long thứ 18, sổ binh cả nước là 613.912. Đây là số đinh trong tuổi 18-60, có tên trong sổ hộ tịch hoặc sổ thường hành của địa phương. Nếu tính quy mô tổng dân số Việt Nam lúc đó khoảng 7 tới 10 triệu người, thì khoảng 4-5% dân số đã bị thiệt mạng trong đại dịch tả lần này.

Nếu như biến đổi khí hậu do đợt phun trào núi lửa Tambora năm 1815 làm trầm trọng hóa bệnh tả ở Ấn Độ, thì toàn cầu hóa, thương mại, di dân đã biến dịch mùa ở một vùng lãnh thổ trở thành đại dịch toàn cầu. Chỉ tám tháng năm 1820 quét qua Việt Nam, đại dịch lấy đi tính mạng của hàng trăm nghìn người. Không có biết rõ nguyên nhân, không rõ cách chữa trị, triều đình nhà Nguyễn chỉ biết hỗ trợ thuốc men có sẵn, cấp tuất cho người chết, và thành tâm cầu đảo. Thiên tai dịch họa chưa từng ngừng thách thức với triều Nguyễn. Thời Tự Đức, thời tiết cực đoan và đại dịch tả lại trở lại, lúc này triều trình phải đối diện với một thách thức lớn hơn – sự xâm lăng của thực dân Pháp. Đất nước hao mòn về thiên tai, dịch hoạn, triều đình không đủ sức kháng cự với ngoại xâm. Hát giặm Nghệ Tĩnh, ghi lại sự đói nghèo, chết chóc của “Cái thời Tự Đức” như sau:
Quạ kêu vang bốn phía.
Xác đầy nghĩa địa Thây thối bên cầu.
Trời ảm đạm u sầu
Cảnh hoang tàn đói rét
Dân nghèo cùng kiệt
Kẻ lưu lạc tha phương
Người chết chợ chết đường". 25

Sau này, vào năm 1829 đích thân Minh Mệnh làm một bài kỷ sự để ghi lại đại dịch tả năm đầu lên ngôi:

“Năm Minh Mệnh thứ nhất [1820], bộ Hộ tâu dâng sổ binh dân hộ khẩu năm Gia Long thứ 18 [1819], tất cả 613.912 người. Không ngờ, mùa thu bệnh ôn dịch phát lớn, khởi đầu từ các nước ở Tiểu Tây dương [Ấn Độ Dương] qua các phụ đều ở Hạ Châu [vùng Nam Mã Lai], trải đến Xiêm La [Thái Lan], Chân Lạp [Campuchia], rồi đến nước ta. Lại nhiễm đến nước Đại Thanh [Trung Quốc] và các nước miền Đông Bắc [Hàn Quốc – Nhật Bản] cũng đều mắc tai nạn ấy. Tuy nước ta bị tai nạn không quá lắm như các nước, song khí độc làm hại khắp thành thị hương thôn, nửa đêm bàng hoàng, thật là đau thương. Vả lại thiên tai lưu hành khắp cả bốn biển, già trẻ đều biết, mà mình ở đầu muôn dân, không thể thi hành nhân chính cho khắp để cầu phúc trời thì tránh sao được lỗi? Ta dẫu chưa dám mong sánh với bậc hiền triết đời xưa, một lời cảm động, đổi tai làm lành, nhưng muốn mở rộng lòng thương xót để gấp cứu tai thương. Rồi giáng chỉ mở rộng kho tàng, chẩn cấp cho người chết dịch, không cứ đàn ông, đàn bà, già hay trẻ, số tiền không ngờ tốn đến hơn 73 vạn quan. Lại sai thành, trấn đều sắm thuốc men chữa trị, sống thoát khỏi rất nhiều, rồi yên lành ngay. Sau sức Hộ bộ tư hỏi số tử vong trong số hộ khẩu ở sổ thống kê là 206.835 người, và số nhân dân phụ nữ không có trong sổ cũng mất ngang thế. Ta xem lời tâu, rỏ nước mắt đau lòng không xiết. Kể ra một tấc đất, một người dân, đều là Hoàng khảo Thế tổ Cao hoàng đế [Gia Long] để lại khi mới nối ngôi. Ta bờ cõi không mở rộng được, hộ khẩu không tăng thêm được, mà lại bị như thế, há không đỏ mặt, toát mồ hôi được sao? 

Tác giả: NCS ĐH Hamburg, Đức.

Chú thích: 1 Gillen D’Arcy Wood, Tambora: The Eruption That Changed the World (Princeton University Press, 2014), 143.

2 Wood, 73-82.

3 Jelle Zeilinga De Boer and Donald Theodore Sanders, Volcanoes in Human History (Princeton University Press, 2012), 138–56.

4 Wood, Tambora, 83.

5 Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam Thực Lục 댕켓寔錄 (ĐNTL), Viện Nghiên Cứu Ngôn Ngữ Văn Hóa Đại Học Keio, bộ 19 tập (Tokyo, Nhật Bản: Mita Minato-ku, 1961), I, q.52, tr.3.; Bản dịch tiếng Việt: Đại Nam Thực Lục, Viện Sử Học dịch, bộ 10 tập, tập 1 - triều Gia Long (Hà Nội: Nxb Giáo Dục, 2001).

6 ĐNTL, I, q.52, tr.11.

7 ĐNTL, I, q.57, tr.12.

8 ĐNTL, I, q.58, tr.9.

9 ĐNTL, I, q.59, tr.12.

10 ĐNTL, I, q.60, tr.12.

11 ĐNTL, II, q.2, tr.10.

12 ĐNTL, II, q.5, tr.8, tr.20 ; tr.8

13 ĐNTL, I, q.52, tr.3.

14 ĐNTL, I, q.54, tr.17.

15 ĐNTL, I, q.54, tr.12.

16 ĐNTL, I, q.59, tr.17.

17 CBTN, Minh Mệnh, tập 01, tờ 117-118, 12/01/MM2

18 CBTN, Minh Mệnh, tập 01, tờ 98-102, 24/12/MM1

19 Annals of the Propagation of the Faith, Issue 1, tr.65.

Nguyên văn: “This year [1820] there has been a frightful mortality in these kingdoms. Persons infected with disorder die instantly, or in the space of two or three hours at most. In the province alone in which I am, according to the list which the king caused to be made, more than twenty-two thousand persons have died in less than three months. The same has been these case in all the other provinces.”

20 Whitelaw Ainslie, Observations on the Cholera Morbus of India : A Letter Addressed to the Honourable the Court of Directors of the East-India Company. (Kingsbury, Parbury, and Allen, 1825. 89).

21 ĐNTL, II, q.3, tr.20,

22 ĐNTL, II, q.4, tr.3

23 ĐNTL, II, q.5, tr.5

24 ĐNTL, II, q.6, tr.18

25 Nguyễn Đổng Chi và Ninh Viết Giao - Hát giặm Nghệ Tĩnh - Tập II. Trích lại từ

https://lichsuhuyenbivietnam.blogspot.com/2013/03/vo-duy-duong-voi-ong-thap-muoi-nguyen.html

Có thể bạn quan tâm

  • Khối xây dựng sự sống xuất hiện ở

    Khối xây dựng sự sống xuất hiện ở "hệ mặt trời" khác

    01:32, 22/09/2021

  • Bão Mặt trời có thể khiến thế giới bị mất Internet trong vài tháng

    Bão Mặt trời có thể khiến thế giới bị mất Internet trong vài tháng

    02:09, 14/09/2021

  • Hành tinh nào bé nhất trong hệ mặt trời nhưng lại có lõi sắt khổng lồ?

    Hành tinh nào bé nhất trong hệ mặt trời nhưng lại có lõi sắt khổng lồ?

    01:41, 13/09/2021

Theo Tia sáng