"Góc chết" khiến tiểu hành tinh đến rất gần Trái Đất mà không bị phát hiện
Lời cảnh báo đầy nghiệt ngã mới đây của NASA cho thấy Trái Đất đang đối mặt những nguy cơ tiềm ẩn khi tiểu hành tinh "lẻn" qua hệ thống radar mà không bị phát hiện.
Mới đây, các nhà khoa học do NASA tài trợ đã phát hiện ra rằng quỹ đạo Trái Đất tự quay và di chuyển xung quanh Mặt Trời có nhiều "góc chết", cho phép một số các vật thể ngoài không gian lao về phía chúng ta, đặc biệt là vào ban đêm, có thể nằm ngoài khả năng quan sát của các kính viễn vọng được máy tính hóa.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Icarus cho biết 50% các tác nhân va chạm khi đến gần Trái Đất ở một góc nhất định sẽ trải qua giai đoạn chuyển động bất thường, khiến cho việc phát hiện chúng trở nên khó khăn.
Cụ thể, đó là khi các tiểu hành tinh lao tới Trái Đất từ một khu vực của bầu trời về phía hướng Đông, vào khoảng 2 giờ sáng. Lúc này, cách Trái Đất quay và quỹ đạo của nó có thể khiến cho các vật thể bay trông như chúng chuyển động rất chậm, thậm chí "như đứng yên", nhưng thực tế không phải như vậy. Nhóm nghiên cứu viết: "Các nhà quan sát nên cẩn thận hơn khi quan sát bầu trời theo hướng này, và tích cực theo dõi các vật thể di chuyển chậm mới xuất hiện".
Năm 2019, từng có một tiểu hành tinh đường kính 100 mét lao sượt qua Trái Đất ở khoảng cách chỉ 69.000 km. Điều nguy hiểm là chúng ta chỉ mới phát hiện được nó từ 24 giờ trước. Ngay sau phen hú vía, Quốc hội Mỹ đã giao nhiệm vụ cho NASA trong việc xác định chính xác vị trí và quỹ đạo bay của 90% tiểu hành tinh với kích thước lớn hơn 140 mét, bởi chúng có thể phá hủy cả một thành phố lớn nếu đâm vào Trái Đất.
Theo giáo sư Richard Wainscoat, người dẫn đầu nhóm nghiên cứu tại Đại học Hawaii, hiện có khoảng 40% các tiểu hành tinh lớn tiến gần Trái Đất đã được lập danh mục.Tính đến ngày 17/4/2021, thế giới ghi nhận có 25.647 vật thể gồm các tiểu hành tinh và sao chổi đang tiến lại gần Trái đất. Trong đó năm 2020 xác lập số lượng kỷ lục với 2.959 vật thể được phát hiện.
Tuy nhiên chỉ tính riêng trong năm 2020, mạng lưới các đài quan sát thiên văn trên toàn thế giới đặt tại hơn 40 quốc gia đã thu thập gần 39,5 triệu bản ghi về việc quan sát được các vật thể tương tự - nhiều hơn đáng kể so với con số thống kê.
Nhiều nhà khoa học cho rằng nguyên nhân khiến cho loài khủng long biến mất là do một thiên thạch lớn rơi xuống Trái Đất 64 triệu năm trước, đâm vào khu vực Trung Mỹ. Đến nay, giả thuyết đáng tin cậy nhất của vụ va chạm này chúng đã sinh ra lớp bụi che lấp ánh sáng Mặt trời trong nhiều năm, từ đó giết chết đa số các loài thực vật - vốn dĩ thức ăn của loài khủng long, khiến chúng tuyệt chủng.
Rất may là vũ trụ rất rộng lớn, nên khả năng Trái Đất bị tấn công bởi một thiên thạch là rất nhỏ, có thể chỉ vài nghìn năm mới xảy ra một lần, và chúng ta không nên quá lo lắng về việc này.
https://dantri.com.vn/khoa-hoc-cong-nghe/goc-chet-khien-tieu-hanh-tinh-den-rat-gan-trai-dat-ma-khong-bi-phat-hien-20220117070524243.htm
Có thể bạn quan tâm