Môi giới bất động sản (KỲ 1): “Cuộc chiến” nguồn cung
Nguồn cung ít, sản phẩm khan hiếm nên nhiều doanh nghiệp bất động sản đau đầu với việc tìm nguồn hàng tốt để giữ chân nhân viên, duy trì hoạt động.
>>> Thị trường căn hộ Hà Nội, TP.HCM thiết lập mặt bằng giá mới
Trong một lần trà dư tửu hậu, giám đốc một sàn giao dịch bất động sản tại Đà Nẵng chia sẻ về việc bị “hụt chân” tại một dự án vừa mới mở bán tại Quảng Nam.
Chuyện là khi nghe tin công ty A. chính thức trở thành nhà phát triển một dự án đất nền tại Tam Kỳ, Quảng Nam và sắp mở bán, anh ngay lập tức liên hệ để sàn giao dịch của mình được tham gia đợt mở bán lần này.
Vì vốn có quan hệ từ trước nên khi liên hệ, lãnh đạo công ty A. nhận lời và khẳng định khi nào chính thức mở bán sẽ thông báo công ty anh làm đại lý để cùng tham gia tung sản phẩm ra thị trường. Tuy nhiên, dù sắp đến ngày tổ chức kick off để mở bán dự án, anh vẫn không nhận được thông báo về việc hợp tác, làm đại lý cho dự án.
“Và dù đã nhiều lần liên hệ bằng cách gọi điện thoại, nhắn tin với lãnh đạo công ty A nhưng tôi vẫn không nhận được phản hồi. Kết quả là dự án đã mở bán nhưng công ty tôi không được tham gia, và cũng không biết lý do vì sao" - anh cho biết.
Trước đó, cũng liên quan đến câu chuyện tìm nguồn hàng cho doanh nghiệp PV cũng được nghe kể một câu chuyện tương tự, nhưng có kết cục “đẹp hơn”. Chuyện là công ty T. được “duyệt” là ứng cử viên tham gia làm F1 của một dự án đất nền tại Núi Thành, Quảng Nam sắp mở bán.
Do dự án này lúc bấy giờ đang có sức hút rất lớn nên có nhiều DN tham gia làm ứng cử viên F1 nhưng số lượng được duyệt rất hạn chế. Yên tâm với mối quan hệ của mình nên lãnh đạo Công ty cho nhân viên chạy thăm dò thị trường cũng như chuẩn bị chiến lược truyền thông, tổ chức sự kiện để khi chủ đầu tư chính thức công bố danh sách các sàn tham gia mở bán là vào cuộc đua.
Có thể bạn quan tâm |
Tuy nhiên, chờ mãi cho đến khi dự án công bố mở bán giai đoạn 1 nhưng danh sách các công ty tham gia lại không có tên công ty của mình. “Bằng các mối quan hệ tôi dò hỏi thì được biết có sàn giao dịch M. tại Đà Nẵng gây áp lực để hạn chế số lượng các sàn giao dịch tham gia mở bán lần này nên công ty tôi không có tên. Chủ đầu tư nói thông cảm và chúng tôi sẽ được ưu tiên tham gia đợt mở bán lần tới”, anh nói.
Thêm một câu chuyện nữa để thấy sự cạnh tranh khốc liệt của các sàn giao dịch. Tổng giám đốc một Công ty bất động sản phải liên tục chạy đôn đáo, tìm đủ mọi cách vì có nguy cơ bị “hớt tay trên”.
Anh cho biết, thông qua các mối quan hệ, công ty anh được giới thiệu để trở thành nhà phát triển một dự án tại Quảng Nam và qua nhiều lần làm việc với chủ đầu tư, hai bên đã thống nhất nhiều điều khoản quan trọng. Tuy nhiên, giữa lúc mọi việc tưởng như đã đến hồi kết thì “người thứ ba” bỗng nhiên xuất hiện.
“Chúng tôi có nguy cơ bị cho ra rìa bởi nguyên nhân là dự án đang còn vướng một ít về giải phóng mặt bằng, chủ đầu tư thì không thể ra tay giải quyết trong khi đơn vị kia họ có mối quan hệ nên có thể giải quyết được. Chúng tôi vẫn đang “chiến đấu” để giành dự án này nhưng mọi việc không thuận lợi như lúc ban đầu”, anh nói.
Lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản (đề nghị không nêu tên) nhìn nhận: Thương trường là chiến trường nên việc các sàn giao dịch bất động sản cạnh tranh nhau để tìm nguồn hàng tốt không có gì là lạ, thậm chí còn ngồi nói xấu nhau, “đi đêm” hay “đâm sau lưng” giữa các sàn cũng luôn xảy ra.
“Với thực trạng “mèo nhiều mỡ ít” như hiện nay, cạnh tranh trong tìm kiếm nguồn hàng sẽ càng khốc liệt. Nhiều sàn giao dịch thuộc chủ đầu tư hay các sàn lớn có thương hiệu thì không gặp quá nhiều khó khăn, nhưng các sàn nhỏ, chưa nhiều kinh nghiệm sẽ ngày càng khó kiếm được nguồn hàng để duy trì hoạt động”, ông nhìn nhận.