Trước những ảnh hưởng tiêu cực của hoạt động môi giới “không lành mạnh” đến thị trường bất động sản, chuyên gia cho rằng, cần có chế tài đủ mạnh để hoạt động này đi vào nề nếp...
>> Chuẩn hóa nghề môi giới bất động sản: Giải quyết bài toán “sốt đất”
Mặc dù đánh giá, môi giới bất động sản là bộ phận rất quan trọng, góp phần thúc đẩy sản phẩm nhà ở đến tay người dân. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, thực tế hiện nay cũng có nhiều môi giới vì tham lợi trước mắt đã làm nhiễu loạn thị trường bất động sản.
Thống kê tại Tọa đàm “Vai trò nhà môi giới bất động sản trong xu thế mới” mới đây cho thấy, hiện có khoảng 300.000 người làm môi giới, thế nhưng, trong 300.000 môi giới, không phải ai cũng có đủ bằng cấp, nắm chắc nghiệp vụ hay hiểu rõ pháp luật.
Và thực tế, theo các chuyên gia, việc hình thành một công ty môi giới, một sàn môi giới quá dễ dàng, tiềm ẩn nhiều hệ lụy về chất lượng, đặc biệt là tình trạng hôm nay nghỉ việc tại một công ty môi giới, 7 ngày sau đã tự thành lập một công ty riêng. Những đơn vị môi giới được thành lập như vậy không chỉ ảnh hưởng đến chủ đầu tư mà còn ảnh hưởng đến khách hàng. Bởi, họ không quan tâm đến việc thực hiện tròn trách nhiệm với khách hàng, chủ đầu tư mà chỉ chăm chăm làm sao thực hiện giao dịch để lấy tiền, từ đó sẽ đẩy hệ lụy ra cho thị trường.
Thông tin tại Tọa đàm, ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho hay, giai đoạn 2020 - 2021, dù kinh tế gặp khó khăn do khủng hoảng của dịch bệnh COVID-19 nhưng thị trường bất động sản vẫn nóng, giá cả liên tục thay đổi.
“Đặc biệt gần đây, giá đất đai lại tiếp tục nhảy múa, tăng vọt mà một phần nguyên nhân là do những nhà môi giới không chuyên, thậm chí do cả môi giới chuyên nghiệp “bắt tay” tạo sóng giả, tạo lợi ích cá nhân, đơn vị mà không mang lại lợi ích phục vụ kinh tế tỉnh, vùng đó. Điều này sẽ tạo ra một thị trường bất động sản thiếu lành mạnh”, ông Đính chia sẻ.
Theo ông Đính, thị trường bất động sản rất có ý nghĩa đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, và cũng là thị trường chịu nhiều ảnh hưởng từ các quyết sách kinh tế vĩ mô của Chính phủ, xu hướng đầu tư, tiêu dùng của người dân. Để thị trường bất động sản vận hành an toàn và minh bạch, trước hết cần quản lý chặt chẽ hơn nữa những cá nhân hành nghề môi giới bất động sản chính thức tại các sàn giao dịch bất động sản. Đây là lực lượng vô cùng quan trọng, đóng góp vào sự minh bạch, hiệu quả của thị trường bất động sản nên cần được đưa vào nề nếp.
>>Siết chặt quản lý môi giới bất động sản
“Hiện nay, tại một số địa phương còn hàng trăm cá nhân có nhu cầu được đào tạo và thi sát hạch, cấp chứng chỉ hành nghề, tuy nhiên, không thể tổ chức tại địa phương vì nhiều lý do, thì đề nghị các cơ quan chức năng xem xét “lỗ hổng” này để giúp người môi giới có điều kiện hành nghề đúng với các quy định của pháp luật. Hy vọng Việt Nam sẽ sớm có hành lang pháp lý cởi mở, phù hợp với đặc thù kinh doanh của ngành, sao cho những tiêu cực trong nghề môi giới sớm chấm dứt và mỗi nhà môi giới bất động sản đều có thể tự hào với nghề nghiệp và sự đóng góp của mình vào thị trường kinh doanh bất động sản”, ông Đính bày tỏ.
Đồng quan điểm với Chủ tịch VARS, các chuyên gia cho rằng, môi giới bất động sản phục vụ đại đa số người dân, việc giao dịch thành công không chỉ là câu chuyện mua bán mà còn là ổn định cuộc sống của cả một đời người. Vì thế, cần thiết nhanh chóng xây dựng hành lang pháp lý, giám sát và quyết liệt trong chế tài, hướng đến thị trường minh bạch và sự chuyên nghiệp của các nhà môi giới.
Theo ông Phạm Lâm - Nhà sáng lập DKRA Vietnam và hệ sinh thái Houze, hiện tại, quy mô, số lượng môi giới tăng lên nhưng chất lượng thực tế chưa thực sự tốt. Việc học nghề chỉ mang tính đối phó với cơ quan quản lý, đã đến lúc cần có quy chuẩn rõ ràng về môi giới cá nhân hay tổ chức.
Được biết, trong lĩnh vực môi giới bất động sản, Chính phủ đã có quy định rất rõ đối với những hành vi vi phạm như tại Điều 59 Nghị định 16/2022/NĐ-CP “Quy định xử phạt hành chính về xây dựng” có hiệu lực từ ngày 28/01 vừa qua.
Theo đó, sẽ phạt từ 40 – 60 triệu đồng đối với các hành vi kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản độc lập mà không có chứng chỉ hành nghề hoặc chứng chỉ hết thời hạn sử dụng theo quy định;
Tẩy xóa, sửa chữa chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản làm sai lệch nội dung chứng chỉ; Cho mượn, cho thuê hoặc thuê, mượn chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản để thực hiện các hoạt động liên quan đến môi giới bất động sản; Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản đồng thời vừa là nhà môi giới vừa là một bên thực hiện hợp đồng trong một giao dịch kinh doanh bất động sản.
Đặc biệt, phạt từ 120 – 160 triệu đồng nếu kinh doanh dịch vụ bất động sản mà không thành lập doanh nghiệp theo quy định hoặc không đủ số người có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản theo quy định hoặc chứng chỉ hành nghề hết thời hạn sử dụng theo quy định; Hợp đồng kinh doanh dịch vụ bất động sản không được lập thành văn bản hoặc không đầy đủ các nội dung chính theo quy định...
Thế nhưng, trước những ảnh hưởng tiêu cực luôn tiềm ẩn đến từ hoạt động môi giới “không lành mạnh” đối với thị trường bất động sản, chuyên gia cho rằng, vẫn cần một chế tài đủ mạnh.
Ông Nguyễn Minh Quang - Giám đốc Khối kinh doanh tiếp thị Công ty CP Đầu tư Nam Long đề xuất, thời gian qua, những hoạt động môi giới bất động sản “không lành mạnh” đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường bất động sản. Bởi vậy, chúng ta cần phải có chế tài đủ mạnh để lĩnh vực này đi vào nề nếp hơn.
Có thể bạn quan tâm
Kiếm tiền tỷ từ nghề môi giới bất động sản
10:30, 03/03/2022
Chuẩn hóa nghề môi giới bất động sản: Giải quyết bài toán “sốt đất”
03:00, 20/02/2022
BẤT ĐỘNG SẢN CUỐI TUẦN: Số hóa quản lý môi giới bất động sản
03:00, 12/02/2022
Siết chặt quản lý môi giới bất động sản
15:28, 07/02/2022
Lập lờ mô hình lớp học chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản
05:00, 04/11/2021