Nghiên cứu - Trao đổi

Bẫy quảng cáo bất động sản: Người mua lạc lối giữa “ma trận thật – giả”

Nguyễn Giang 27/07/2025 04:15

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng vừa cảnh báo chiêu trò quảng cáo sai lệch trong bất động sản. Những rủi ro này không mới nhưng đang bùng phát mạnh…

Chiêu trò không mới nhưng nhiều người vẫn sập bẫy

Việc quảng cáo thổi phồng, dẫn dụ sai lệch trong thị trường bất động sản không phải chuyện lạ. Nhưng trong bối cảnh lãi suất giảm, nhu cầu “săn nhà đất giá rẻ” tăng trở lại, các chiêu trò cũ lại tái xuất với cường độ mạnh hơn, tinh vi hơn, đến mức khiến cơ quan chức năng phải lên tiếng.

bay-quang-cao-bat-dong-san-nguoi-mua-lac-loi-giua-ma-tran-that-gia-1.jpg
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng vừa cảnh báo chiêu trò quảng cáo sai lệch trong bất động sản. Ảnh minh hoạ

Theo đó, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) vừa phát đi cảnh báo: nhiều tổ chức, cá nhân môi giới bất động sản đang rao bán nhà đất không đúng thực tế; sử dụng tên gọi, hình ảnh, logo của các thương hiệu lớn nhằm tạo niềm tin giả tạo với người mua; mạo danh chủ đầu tư để giao dịch.

Đặc biệt, các đối tượng thường vẽ ra viễn cảnh “sổ đỏ trao tay”, “vị trí đắc địa”, “giá rẻ chưa từng có”, rồi mời chào đặt cọc online – một kiểu mua bán “tiền đi trước, pháp lý theo sau”.

Thực tế, trong vài tháng gần đây, hàng loạt vụ việc được báo chí phản ánh đã cho thấy hệ lụy cụ thể. Điển hình như trường hợp chị L.T.M.H (ngụ TPHCM) kể lại quá trình bị dẫn dụ đặt cọc 200 triệu đồng cho một lô đất “cận kề khu công nghiệp lớn” ở Long An. Mọi thông tin quảng cáo đều hứa hẹn “đất sạch, sổ sẵn, vị trí chiến lược”. Nhưng khi xuống tận nơi, khu đất nằm lọt giữa vùng trũng chưa có đường điện, cũng không thấy bất kỳ khu công nghiệp nào như cam kết. Đòi lại cọc không thành, người mua chỉ biết cầu cứu báo chí và các cơ quan chức năng.

Hay như trường hợp nhóm nhà đầu tư nhỏ tại Hà Nội bị lừa khi mua “nhà phố thương mại” tại một khu đô thị chưa được cấp phép xây dựng. Tất cả dựa trên “bản vẽ phối cảnh 3D” được chạy quảng cáo trên mạng, cùng hợp đồng góp vốn do một công ty trung gian tự soạn. Khi chính quyền vào cuộc, người mua mới vỡ lẽ đất chưa đủ điều kiện mở bán.

Các vụ việc như vậy không còn đơn lẻ. Theo thống kê của một số văn phòng luật, khi thị trường bất động sản trầm lắng, số lượng vụ việc liên quan đến tranh chấp đặt cọc, mua bán bất động sản qua hình thức quảng cáo sai lệch lại có xu hướng gia tăng. Rủi ro có thể mất vài chục triệu, vài trăm triệu hoặc mất trắng nếu hợp đồng không được thiết lập rõ ràng.

Quảng cáo sai lệch – góc khuất pháp lý và bài toán thực thi

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp về nội dung này, luật sư Nguyễn Đức Biên – Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại La nhìn nhận: quảng cáo bất động sản hiện nay đang là vùng xám pháp lý, nơi các đối tượng môi giới dễ dàng khai thác sự nhẹ dạ của người mua và những kẽ hở trong quản lý.

bay-quang-cao-bat-dong-san-nguoi-mua-lac-loi-giua-ma-tran-that-gia-2.jpg
Luật sư Nguyễn Đức Biên – Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại La. Ảnh: Nguyễn Giang

“Hiện Luật Quảng cáo cấm hành vi gian dối, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Luật Kinh doanh bất động sản cũng quy định điều kiện bắt buộc để được mở bán, huy động vốn. Nhưng thực tế là nhiều cá nhân, tổ chức môi giới đã lách luật bằng cách gắn mác “chuyển nhượng có điều kiện”, “góp vốn mua nền” hoặc “giữ chỗ thiện chí” – trong khi sản phẩm chưa đủ điều kiện pháp lý,” ông Biên phân tích.

Theo ông, vấn đề nằm ở chỗ nhiều giao dịch không được ký kết bằng hợp đồng mua bán chính thức mà thông qua các phiếu cọc, biên nhận viết tay, chuyển khoản cá nhân. “Đây chính là lỗ hổng khiến người dân khó chứng minh quan hệ mua bán, còn các đối tượng gian dối thì dễ dàng phủi trách nhiệm khi có rủi ro xảy ra”, luật sư Biên chia sẻ.

Không chỉ vậy, luật sư Biên còn cho rằng một phần nguyên nhân đến từ việc giám sát và chế tài hiện chưa đủ sức răn đe. “Luật quy định rõ dự án phải có giấy phép, sổ đỏ, hoàn thành hạ tầng mới được rao bán. Nhưng không ít dự án chưa đáp ứng điều kiện vẫn ngang nhiên quảng cáo, thậm chí bán công khai trên nền tảng số. Sự thiếu liên thông giữa các cơ quan cấp phép, thanh tra xây dựng, quản lý thị trường và xử lý vi phạm đang khiến việc ngăn chặn vi phạm gần như chỉ chạy theo hậu quả”, vị luật sư nói.

Từ thực tiễn hành nghề, ông Biên đưa ra một số kiến nghị. Thứ nhất, cần xây dựng cơ sở dữ liệu mở, công khai danh sách dự án đủ điều kiện bán hàng, gắn mã xác thực bắt buộc trong mọi thông tin quảng cáo. Thứ hai, siết lại vai trò pháp lý của đơn vị môi giới, tránh tình trạng “tay không bắt dự án”. Và cuối cùng, nâng chế tài với hành vi quảng cáo sai lệch, lừa đảo trá hình. Không thể chỉ xử phạt hành chính, mà cần xem xét trách nhiệm hình sự nếu có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản.

“Chỉ khi khung pháp lý minh bạch và khâu thực thi đủ mạnh, niềm tin thị trường mới có thể hồi phục. Còn nếu người mua cứ tiếp tục rơi vào bẫy “quảng cáo nhà trong mơ – nhận đất không ai mơ tới”, thì thị trường bất động sản sẽ không thể phát triển lành mạnh”, luật sư Biên nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Bẫy quảng cáo bất động sản: Người mua lạc lối giữa “ma trận thật – giả”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO