“Cú hích” cho bất động sản Thái Bình
Tuyến đường ven biển Thái Bình dài 43km dự kiến hoàn thành vào tháng 5/2023 sẽ là cầu nối khơi thông hành lang kinh tế Duyên hải miền Bắc, thu hút dòng đầu tư mạnh mẽ cho KKT Thái Bình.
>>>Thái Bình: Phát triển nông nghiệp gắn với du lịch trải nghiệm
>>>Thái Bình: Doanh nhân huyện Kiến Xương phát huy nội lực, đoàn kết, sáng tạo
Giao thông mở đường…
Năm 2021, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của Thái Bình đạt trên 95%, đứng thứ 2 cả nước, riêng 5 tháng đầu năm 2022 đã đạt 38,6% kế hoạch đề ra, chứng minh sự quyết liệt của lãnh đạo tỉnh trong việc phát triển hạ tầng, thay đổi diện mạo khu vực.
Được biết, Thái Bình cũng đang nhận được sự quan tâm đặc biệt từ Chính phủ về hạ tầng giao thông với hàng loạt công trình trọng điểm đang được gấp rút triển khai, hoàn thiện. Điển hình như dự án nâng cấp đường tỉnh 221A nối từ trung tâm huyện Tiền Hải đến Cồn Vành dài 17,8 km sắp về đích.
Đặc biệt, tuyến đường ven biển Thái Bình dài 43km (nằm trong cao tốc ven biển dài 160 km đi qua 6 tỉnh từ Quảng Ninh – Thanh Hóa) dự kiến hoàn thành vào tháng 5/2023 sẽ là cầu nối quan trọng giúp khơi thông tiềm năng hành lang kinh tế duyên hải miền Bắc, tạo không gian phát triển mới, thu hút dòng đầu tư mạnh mẽ hơn cho KKT Thái Bình. Tuyến đường sau khi hoàn thành sẽ là “cú hích” lớn đưa BĐS Thái Bình thiết lập mặt bằng giá mới trong thời gian tới.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Thái Bình: Với vị trí chiến lược, phía Bắc giáp các vùng kinh tế tiềm lực như Quảng Ninh, Hải Phòng, phía Nam giáp với Thanh Hóa, Nam Định, Thái Bình sẽ tận dụng được triệt để các lợi thế về giao thương khi tuyến đường ven biển hoàn thành, trở thành cầu nối liên kết giao thông hành lang ven biển giữa các tỉnh.
Đặc biệt, tuyến đường này còn có vai trò quan trọng kết nối KKT biển Thái Bình với các vùng kinh tế trọng điểm lân cận. Cụ thể, trong chuyến công tác tại tỉnh Thái Bình vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh muốn phát triển được Khu kinh tế Thái Bình cần dồn lực nguồn vốn đầu tư công hoàn thiện hạ tầng giao thông mà trước hết là dự án đường ven biển để kết nối càng sớm càng tốt với sân bay Cát Bi, cảng Lạch Huyện của Hải Phòng…
Theo đó, tuyến đường sau khi hoàn thiện sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ KKT Thái Bình đến Hải Phòng chỉ 40 phút lái xe, đến sân bay quốc tế Cát Bi chỉ 55 phút, đến cảng quốc tế Lạch Huyện còn 60 phút. Thời gian di chuyển từ Thái Bình đi Hạ Long còn 90 phút thay vì 2,5 giờ như trước đây, sân bay Vân Đồn chỉ 150 phút và và cửa khẩu Móng Cái còn 180 phút.
Nhờ vậy, việc di chuyển, lưu thông hàng hóa từ Thái Bình tới các tỉnh lân cận và xuất khẩu sang thị trường quốc tế thuận tiện, nhanh chóng hơn. Đồng thời, việc nâng cấp, phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông, kinh tế, văn hóa được đẩy nhanh tiến độ, thực hiện dễ dàng hơn, đẩy mạnh tốc độ đô thị hóa, hiện đại hóa nền kinh tế.
Bên cạnh đó, tuyến đường ven biển Thái Bình cũng là tiền đề giúp nâng cao hiệu quả trong việc sử dụng tài nguyên biển và mở rộng, phát triển ngành du lịch toàn tỉnh một cách thuận lợi, đồng bộ.
>>>Thái Bình: Tiềm năng du lịch từ biển “vô cực”
>>>Thái Bình: Doanh nhân huyện Kiến Xương phát huy nội lực, đoàn kết, sáng tạo
Theo lãnh đạo Ban điều hành Dự án đường ven biển Hải Phòng - Thái Bình cho biết: Hiện nay bên cạnh tuyến đường ven biển, tỉnh Thái Bình cũng đang gấp rút đẩy nhanh tiến độ các công trình giao thông trọng điểm như tuyến đường 221A từ ngã ba Trái Diêm đến Khu du lịch sinh thái Cồn Vành (huyện Tiền Hải) dài 17 km dự kiến thông xe tháng 6 năm nay; tuyến đường tỉnh 454 từ Thái Bình đi cầu Tịnh Xuyên (huyện Hưng Hà) và đi phà Sa Cao (huyện Vũ Thư); tuyến đường từ Thái Bình đến cầu Nghìn nối với Hải Phòng...
…đến lợi thế cho bất động sản
Trong những năm gần đây, hệ thống giao thông phát triển đã mở ra cho tỉnh Thái Bình cơ hội lớn phát triển kinh tế – xã hội, đón các nhà đầu tư, tạo ra những cơ hội, tạo thế và lực mới cho sự phát triển của địa phương.
Thời điểm này, Thái Bình được ví như một “miền đất hứa”, sở hữu thực lực kinh tế cùng tốc độ phát triển ấn tượng.
Năm 2021, bất chấp đại dịch, Thái Bình đã thu hút được 7 dự án đầu tư FDI với tổng số vốn đăng ký 540 triệu USD, gấp 5 lần số vốn đầu tư trong 5 năm từ 2015 -2020, đứng thứ 15/63 cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Nguyễn Trung Tuyên – TGĐ Công ty CP tư vấn xây dựng CDS cho biết: Hiện nay sức hấp thụ của thị trường BĐS Thái Bình ở mức tốt, giao dịch trên thị trường thứ cấp vẫn diễn ra nhịp nhàng. Các dự án ở Tiền Hải, TP Thái Bình, thị trấn Đông Hưng… đều có tính thanh khoản cao, nhất là những dự án có vị trí đẹp, hạ tầng quy hoạch đồng bộ.
Đặc biệt, sắp tới tuyến đường bộ ven biển Thái Bình dần hoàn thiện sẽ tạo đà cho bất động sản Tiền Hải hưởng lợi. Theo ông Tuyên, Tiền Hải với lợi thế nằm trong quy hoạch Khu kinh tế Thái Bình với cơ sở hạ tầng phát triển hiện đại, vượt bậc so với các huyện khác trong tỉnh đã sở hữu tới 13 khu công nghiệp, cụm công nghiệp lớn.
Bên cạnh đó, nhờ ôm trọn 23 km đường biển, Tiền Hải hưởng lợi trực tiếp từ tuyến đường ven biển nố liền 6 tỉnh duyên hải, thuận lợi kết nối liên vùng. Đồng thời, với “nguyên liệu” sẵn có là những khu du lịch biển nổi tiếng như Cồn Vành, Đồng Châu..., giao thông thông suốt sẽ là “bàn đạp” để ngành du lịch Tiền Hải phát triển xứng tầm, sánh vai với những vùng biển khác tại miền Bắc.
Việc phát triển kinh tế, hạ tầng khu công nghiệp và các địa điểm du lịch làm gia tăng nhu cầu về nhà ở và dịch vụ tiện ích, đáp ứng nhu cầu của người dân, người lao động và du khách ngày một tăng cao. Đây chính là cơ sở cho sự bùng nổ của thị trường bất động sản Tiền Hải với rất nhiều cơ hội “vàng” cho giới đầu tư địa ốc.
Hiện, giá đất tại Tiền Hải tăng trưởng đều và bền vững, trung bình khoảng 25-30%/năm. Ở thị trấn An Bài, giá đất tại trục đường đôi khoảng 21,5 -25 triệu/m2, trục chính đối diện chợ có giá 38 - 41 triệu/m2, mặt quốc lộ 10 giá từ 38 - 45 triệu/m2.
Được biết, khi tuyến đường bộ ven Thái Bình hoàn thành (năm 2023) sẽ là một “cú hích” lớn cho BĐS và sẽ tạo ra một chu kì “lập đỉnh” mới của bất động sản.
Có thể bạn quan tâm